Thủ tướng: Đề cao cảnh giác, nêu cao trách nhiệm chống dịch nCoV

31/01/2020 | 07:37 AM

 | 

(Chinhphu.vn) – Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển khai nhiệm vụ sau Tết và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), chiều 30/01/2020, Thủ tướng nêu rõ: Bình tĩnh, kiên quyết xử lý dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ khuyến nghị mọi người dân đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Trước tình hình dịch nCoV tại Trung Quốc đã lây lan toàn bộ 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, các ý kiến đề xuất tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch như không tổ chức các tour du lịch và cấm nhập cảnh đối với người đến từ vùng có dịch, tăng cường quản lý người ra, vào cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu với Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần hạn chế các lễ hội và hạn chế tập trung đông người nếu không cần thiết; khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và thường xuyên rửa tay.

Theo số liệu cập nhật đến 17 giờ 30 ngày 30/01/2020, của Bộ Y tế, số người mắc nCoV trên thế giới là 7.822 trường hợp, 170 tử vong. Tại Việt Nam, số người nhiễm nCoV là 5 trường hợp, trong đó 2 công dân Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về. Một ca đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 2 trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Thủ tướng nêu rõ, tình hình bùng phát dịch là rất nhanh, nghiêm trọng. Việt Nam đã chủ động, có chủ trương, biện pháp sớm và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

“Tất cả chúng ta phải bình tĩnh, kiên quyết xử lý để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân”, Thủ tướng nói. Các cấp, các ngành, địa phương đều phải có phương án cụ thể, cương quyết để sẵn sàng ứng phó khi có ca nhiễm xuất hiện ở các địa phương. Cần đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tránh dịch nCoV lây lan diện rộng ở Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch nCoV thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có biện pháp đồng bộ quyết liệt để ngăn chặn có hiệu quả dịch.

Hoan nghênh việc thành lập 45 đội phản ứng nhanh và khởi động kết nối 21 bệnh viện, sử dụng 4 bệnh viện Trung ương khi các cơ sở điều trị quá khả năng cho phép, Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp như cấm hẳn đi lại ở đường mòn, lối mở. Dừng việc đưa người Việt Nam sang Trung Quốc lao động trong lúc có dịch. Bộ Ngoại giao có phương án sơ tán công dân khi cần thiết. Tạm ngừng các hoạt động đưa tour du lịch qua lại giữa hai bên. Ngành hàng không không đưa, đón máy bay từ các điểm có dịch đến Việt Nam và ngược lại.

Ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, trừ visa công vụ, không khuyến khích giao thương, buôn bán, qua lại cửa khẩu trong lúc này. Khuyến cáo hạn chế đến Trung Quốc trừ trường hợp đặc biệt. Có biện pháp kiểm soát y tế tại các cửa khẩu. Ngành Y tế theo dõi sát sao sức khỏe công dân, lưu học sinh, khách du lịch từ Trung Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày với tinh thần hạn chế đi lại.

Các cấp, các ngành liên quan, các địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV tại địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban trên tinh thần chủ động, “4 tại chỗ”.

Hạn chế tập trung đông người, hạn chế các lễ hội và khi chưa khai mạc đều phải xin ý kiến về việc có cần thiết hay không.

Hiện học sinh chưa nghỉ học nhưng ngành giáo dục, các trường học phải khuyến nghị học sinh đeo khẩu trang. Việc bắt buộc đeo khẩu trang trên phạm vi cả nước chưa thực hiện ngay nhưng Chính phủ khuyến nghị mọi người dân đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người. Công tác truyền thông, phải tập trung làm tốt và hiệu quả hơn, không gây hoang mang nhưng làm cho người dân nhận thức đầy đủ về nguy cơ, tự phòng ngừa.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý để có thể sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Thủ tướng đồng ý thành lập tại Văn phòng Chính phủ một tổ công tác trực tiếp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đôn đốc, kiểm tra, đề xuất cùng với Ban Chỉ đạo quốc gia để thúc đẩy làm nhanh hơn các chủ trương, biện pháp, sát thực tế, không để tình trạng chậm trễ xảy ra.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Đánh giá về đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, các ý kiến thống nhất đánh giá Nghị định 100/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống rất nhanh, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Đối với câu hỏi có nên đo nồng độ cồn trong bối cảnh dịch nCoV diễn biến phức tạp, các ý kiến cho rằng, vẫn cần tiếp tục áp dụng nhưng bổ sung thêm các biện pháp chống lây nhiễm dịch cho cán bộ cảnh sát và người tham gia giao thông.

Thủ tướng cho rằng, không khí Tết Nguyên đán năm nay sung túc, sum vầy, vui tươi phấn khởi hơn so với những năm trước do đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao. Các cấp, các ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức thăm hỏi, động viên chúc Tết người có công, đối tượng chính sách, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đặc biệt là hỗ trợ trên 8.000 tấn gạo cho những vùng khó khăn, thiên tai. Hàng hóa phục vụ Tết phong phú dồi dào, chất lượng tốt, không còn có hiện tượng thiếu hàng sốt giá và đặc biệt là hàng Việt chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, chúng ta gặp một số khó khăn, tồn tại như đợt mưa đá ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn. “Tôi đã gọi điện cho đồng chí Nguyễn Xuân Cường (Bộ trưởng NN&PTNT) ngay sáng mùng 1 Tết đã cùng đoàn công tác Bộ NN&PTNT lên tận nơi, động viên bà con và xử lý vấn đề”, Thủ tướng cho biết. Còn tình trạng đốt pháo ở nhiều nơi. Một số mặt hàng tiêu dùng giá còn cao, đơn cử giá thịt heo đã giảm nhưng còn ở mức cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương ngay sau Tết phải tập trung vào công việc, không để vui chơi du xuân ảnh hưởng đến nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu, những nhiệm vụ được giao một cách quyết liệt, đồng bộ đạt hiệu quả cao./.


Thăm dò ý kiến