Sự cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe
20/09/2024 | 20:29 PM



Sáng ngày 20/9/2024, Bộ Y tế ( Vụ Pháp chế) tổ chức Hội thảo “Sự cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe”.
Tham dự hội thảo có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, WHO và Văn phòng Chính phủ, các Bộ/ngành liên quan.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết, một số mặt hàng như: Rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường là sản phẩm có hại. Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã đưa các mặt hàng này vào, đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để trình Chính phủ. Đến nay, dự án Luật đang trong quá trình lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Để cung cấp, chia sẻ thông tin liên quan đến tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vấn đề chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dânDự kiến tháng 10, dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội. "Luật này là sự đấu tranh mâu thuẫn lợi ích rất lớn giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ chăm sóc sức khỏe, tăng thu cho ngân sách. Vì thế, luật được sự quan tâm của người dân, các cơ quan, doanh nghiệp", Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.
BS.Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát biểu.
Chia sẻ tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, việc tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh trong nhiều năm. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm đưa ra dẫn chứng, năm 2010, một người Việt tiêu thụ trung bình 6,6 lít cồn nguyên chất, đến năm 2019 con số này tăng thành 9,3 lít; tăng gần gấp đôi so với mức trung bình của toàn cầu. Mức tiêu thụ rượu bia như vậy ở Việt Nam là quá nhiều. "Điều này còn thể hiện qua sản lượng bia tăng quá nhanh, tăng dựng đứng. Cụ thể, năm 2000, sản lượng bia tại Việt Nam là 779 triệu lít thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên gần 4,5 tỷ lít, từ đó kéo theo nhiều bệnh. Gánh nặng bệnh tật do rượu bia ở Việt Nam tăng nhanh trong khi tại các nước Đông Nam Á đi ngang. Ước tính sử dụng rượu bia gây ra 46.000 ca tử vong trong năm 2021", chuyên gia của WHO nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sau một thời gian giảm, xu hướng tiêu dùng thuốc lá tại nước ta cũng bắt đầu gia tăng. Cụ thể, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, năm 2010 tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá tại nước ta là 47%, đến năm 2015 là 45%, năm 2021 là 41%, tuy nhiên ước tính hiện nay, tỷ lệ này bắt đầu đi lên nếu chúng ta không có biện pháp can thiệp về thuế. Theo đó, con số này có thể tăng lên 43% vào năm 2030, điều này thể hiện qua sản lượng sản xuất và tiêu dùng tăng lên.
Các biện pháp kiểm soát (như in cảnh báo bằng hình ảnh, truyền thông, tăng thuế, môi trường không thuốc lá…) đã phát huy tác dụng ở một mức nhất định nhưng chưa đủ. Đến nay các biện pháp này tương đối bão hòa, cảnh báo quen thuộc, không có gì đột phá ngoài thuế thuốc lá.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi tiêu dùng. Đồng thời, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu nghe và thảo luận một số nội dung: Gánh nặng bệnh tật, kinh tế do sử dụng thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường. Kinh nghiệm quốc tế về vai trò của thuế TTĐB đối với bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Tác hại của ĐUCĐ tới sức khỏe và giải đáp các quan ngại về thuế TTĐB với đồ uống có đường; Tổng quan về tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân; Giải đáp một số quan ngại về tăng thuế thuốc lá; Cải cách thuế đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe (rượu, bia, thuốc lá, đồ ướng có đường) cần hạn chế tiêu dùng tại dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi); Góp ý của Bộ Y tế đối với dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi).
Tin liên quan
- Hà Nội tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 và các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2025
- Bệnh viện Quân y 175 vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
- Ninh Thuận chủ động phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế và cộng đồng
- Đảng ủy Văn phòng Bộ Y tế họp triển khai công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Văn phòng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2025–2030
- Vết rạch chỉ 0,5 cm giúp bệnh nhân thoát khỏi 3 cuộc mổ mở phức tạp
- Điều trị ung thư theo hướng cá thể hóa - thêm nhiều hy vọng cho người bệnh
- Bộ Y tế đề xuất tăng hệ số lương nhiều chức danh nghề nghiệp với y bác sĩ