Số ca sốt xuất huyết giảm, nhiều bệnh nhân nặng nhập viện muộn
16/09/2022 | 08:16 AM
Số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM đang có xu hướng giảm nhưng số ca nhập viện trong tình trạng nặng vẫn không có dấu hiệu giảm. Bệnh nhân nhập viện muộn có thể gặp nhiều biến chứng nặng thậm chí tử vong.
Tại TP.HCM, tính từ đầu năm tới ngày 9/10 đã ghi nhận 64.461 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 627,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố đã có 26 ca tử vong trong đó 75% số ca tử vong là người lớn. Dù tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn đang có dấu hiệu giảm nhưng số ca nặng nhập viện vẫn không có dấu hiệu đi xuống. Để hạn chế số ca nặng và tử vong do sốt xuất huyết, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định áp dụng tháp 3 tầng để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng, nhập viện muộn
Theo ghi nhận tại các bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM cho thấy, rất nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được đưa vào viện muộn trong tình trạng nặng, sốc.
Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, hiện nay, số ca sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm, nhưng lượng trẻ nhập viện trong tình trạng nặng vẫn ở mức cao. Điển hình, trong tháng 8 và tháng 9 lượng bệnh nhân nhập viện gấp đôi so với những năm trước, còn hiện tại là tăng 1,5 lần, tức là con số có giảm nhưng vẫn ở mức tăng so với những năm trước.
Hiện tại, khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị cho 88 trường hợp, trong đó có 12 trường hợp thở máy và thở CPAP, ở khoa Hồi sức đang điều trị cho 8 trường hợp và khoa Cấp cứu có 5 trường hợp. Bệnh viện đã phải tăng cường thêm các máy thở, máy lọc máu, ECMO để có thể điều trị cho các bệnh nhân nặng.
Thời gian cao điểm, bệnh viện phải tiến hành điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhi, trong tháng trước có khoảng 200 ca nội trú. Đa số trẻ được chuyển từ các tỉnh lân cận lên và nhập viện muộn trong tình trạng nặng.
Đồng quan điểm, BS.CK2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng cho rằng, thời gian gần đây ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm so với các tuần trước nhưng số ca bệnh nặng và tử vong vẫn xảy ra.
Thực tế cho thấy, người dân vẫn còn rất chủ quan trước dịch sốt xuất huyết, rất nhiều trường hợp được nhập viện khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nặng do phụ huynh không phát hiện bệnh kịp thời. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), một bệnh nhi 8 tuổi bị sốc sốt xuất huyết ngày thứ 6 và được chẩn đoán bị ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện.
Theo đó, bệnh nhi bị sốt xuất huyết từ ngày thứ 1 đến thứ 3 bắt đầu có biểu hiện sốt cao liên tục, có đáp ứng với thuốc hạ sốt, bệnh nhân không ho và không sổ mũi. Tới ngày thứ 4 - 5, bệnh nhi tiếp tục sốt và kèm theo đau bụng, nôn ói và mệt nhiều. Tới ngày thứ 6 của bệnh, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện để điều trị nhưng do tình trạng bệnh quá nặng nên bệnh nhân đã tử vong trước khi nhập viện.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, có 2 nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện trễ trong thời gian gần đây. Nguyên nhân đầu tiên là do phụ huynh chủ quan. Rất nhiều phụ huynh khi con có các dấu hiệu cảnh báo bệnh như sốt, mệt mỏi nhưng không nghĩ con mắc sốt xuất huyết mà lại nghĩ con chỉ bị cảm cúm thông thường và tự mua thuốc về điều trị. Tới khi trẻ trở nặng thì mới đưa con nhập viện.
Nguyên nhân thứ hai là phụ huynh đã đưa trẻ tới bệnh viện sớm khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh nhưng lại đưa tới các phòng mạch tư không có chuyên khoa nhi nên bị chẩn đoán nhầm bệnh sốt xuất huyết thành các bệnh như viêm hô hấp trên hoặc bệnh tiêu chảy. Đồng thời, phụ huynh không được dặn dò kỹ cho nên khi con trở nặng thì phụ huynh mới cho con nhập viện.
Theo bác sĩ Tiến, để giảm tỷ lệ trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, cần tăng cường truyền thông cho phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh sốt xuất huyết. Thậm chí, các bác sĩ cần phải phát phiếu nêu rõ các dấu hiệu cảnh báo bệnh và cảnh báo bệnh nặng cho phụ huynh để phụ huynh có thể phát hiện bệnh sớm.
Người dân không nên chủ quan vì sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới
Theo Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, sốt xuất huyết cũng là tình trạng nhiễm siêu vi cho nên triệu chứng ban đầu của bệnh cũng giống với những bệnh nhiễm siêu vi khác như sốt cao, đau đầu, lạnh rung, nhức, đau mỏi cơ....Đặc biệt, vào những ngày đầu của sốt xuất huyết dengue bệnh nhân sẽ sốt rất cao, khi bệnh nhân giảm sốt, hết sốt thì bệnh nhân mới bắt đầu diễn tiến nặng (khoảng ngày 4-5 của bệnh).
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ, khi sốt xuất huyết trở nặng, trẻ thường có các dấu hiệu cảnh báo như quấy khóc, bứt rứt, li bì, chảy máu cam, răng, xuất huyết tiêu hóa, ói ra máu, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, không chơi, bỏ bú, trẻ sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc hạ sốt được 10-20 phút lại sốt lại hoặc hết sốt ở ngày bệnh thứ 3 đến 6... Lúc này, cần cho bệnh nhân nhập viện nhanh nhất có thể ngay cả trong đêm.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, các đối tượng như có cơ địa béo phì, phụ nữ mang thai, các bệnh nhân có các bệnh lý nền như gan, thận...cần đặc biệt cẩn thận khi mắc sốt xuất huyết vì đây là các nhóm đối tượng dễ trở nặng nhất khi nhiễm bệnh.
Nếu không được hỗ trợ điều trị kịp thời bệnh nhân có thể bị sốc sâu, gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp nặng, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết não... thậm chí bệnh nhân có thể tử vong.
BS.CK2 Nguyễn Thanh Phong nhận định rằng, từ đây tới cuối năm bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng do thời tiết thất thường, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi phát triển, sinh sôi. Đồng thời, cho tới nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên người dân tuyệt đối không được chủ quan trước dịch bệnh. Cần tăng cường thực hiện các biện pháp tiêu diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy... nhằm phòng chống sốt xuất huyết.
Để giảm số ca trở nặng và tử vong do mắc sốt xuất huyết, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị sốt xuất huyết tại Thành phố.
Theo Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nếu như tình hình sốt xuất huyết diễn ra phức tạp, ca bệnh sốt xuất huyết ngày càng cao thì việc áp dụng mô hình 3 tầng trong điều trị sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Các tuyến y tế cơ sở thuộc tầng 1 và 2 sẽ tiến hành thu dung, điều trị cho các trường hợp mắc sốt xuất huyết từ nhẹ cho tới trung bình, điều này giúp giảm tải, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối.
Nguồn: SKĐS
Tin liên quan
- Người lớn mắc sốt xuất huyết có bị biến chứng nguy hiểm không?
- Đẩy mạnh giám sát, hậu kiểm cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm
- Trao giải thưởng Đặng Văn Ngữ cho các công bố trên tạp chí uy tín quốc tế
- 6 điểm mới của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS
- Sốt cao liên tục dài ngày, công nhân máy xúc nguy kịch vì mắc Whitmore
- Trao Giải thưởng Đặng Văn Ngữ cho các nhà khoa học xuất sắc có công bố quốc tế
- Thiếu vaccine đậu mùa khỉ, Nigeria tiêm chủng cho nhóm đối tượng ưu tiên