Rối loạn giọng nói: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
04/04/2022 | 14:55 PM
|
Rối loạn giọng nói là tình trạng giọng nói của người bệnh trở nên thay đổi khác thường. Đây là một hội chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, cần được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Rối loạn giọng nói là gì?
Rối loạn giọng nói là sự thay đổi các tính chất đặc trưng của giọng nói như: cường độ, cao độ và âm sắc. Bệnh có thể diễn biến từ từ hoặc cấp tính. Tỷ lệ gặp ở người lớn là 4,8 - 29,1% và trẻ em 1,4 - 6%. Đặc biệt, trong những năm gần đây, xu hướng này lại càng gia tăng ở những người phải sử dụng giọng nói nhiều, do tính chất công việc (giáo viên, ca sĩ, bán hàng, người kinh doanh…). Do vậy, rối loạn giọng nói không chỉ là dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giao tiếp, công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Nguyên nhân gây rối loạn giọng nói
- Nguyên nhân gây rối loạn giọng nói có thể do tổn thương thực thể hoặc do rối loạn về mặt chức năng của đường phát âm.
- Các tổn thương thực thể bao gồm:
+ Tổn thương não (xuất huyết não, khối u…)
+ Viêm nhiễm ở tai mũi họng (virus, vi khuẩn, lao, nấm…).
+ Tổn thương lành tính thanh quản (polyp, hạt xơ, u nang, phù reinke, u nhú…).
+ Tổn thương tiền ung thư (bạch sản, dị sản..); khối u ác tính thanh quản.
+ Liệt dây thanh (1 bên hoặc 2 bên dây thanh).
- Đối với rối loạn giọng chức năng, tuy đường phát âm không bị tổn thương nhưng giọng nói bị thay đổi do các yếu tố như: tâm lý căng thẳng, stress, tăng trương lực cơ vùng cổ…
Hình 1: Các tổn thương tại thanh quản gây rối loạn giọng nói
(Nguồn: Clinical Laryngology, 2015)
Triệu chứng của rối loạn giọng nói
- Thay đổi về cường độ: người bệnh có chất giọng yếu, thều thào, hụt hơi thậm chí không thể nói được.
- Thay đổi về cao độ: giọng bệnh nhân trở nên trầm hoặc cao hơn hẳn so với chất giọng vốn có trước đây.
- Thay đổi về âm sắc: giọng nói có các tính chất như khàn đặc, căng nghẹt, hoặc kèm theo hơi thở trong lời nói.
Hậu quả của rối loạn giọng nói
- Ảnh hưởng đến sức khoẻ: rối loạn giọng nói là biểu hiện bất thường của sức khoẻ. Nguyên nhân có thể lành tính, nhưng cũng có thể là tiềm ẩn của tổn thương nguy hiểm gây nên (tổn thương não, khối u ác tính thanh quản…).
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Giọng nói chính là phương tiện để giúp mỗi cá nhân giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Rối loạn giọng nói sẽ gây khó khăn, cản trở người bệnh hoà nhập với xã hội.
- Ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ nhỏ: Giọng nói bất thường làm trẻ không dám nói, do sợ bị chê cười. Từ đó, gây tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý, cũng như khả năng học hành của trẻ.
- Ảnh hưởng đến công việc và kinh tế: Điều này càng rõ rệt ở những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói do tính chất công việc (giáo viên, ca sĩ, bán hàng, kinh doanh…). Nhiều người đã phải từ bỏ công việc của mình do tình trạng rối loạn giọng nói kéo dài.
Người bệnh cần làm gì khi thấy giọng nói bị thay đổi
Ngay khi phát hiện giọng nói bị thay đổi, người bệnh cần đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, không nên tự điều trị. Việc chậm trễ trong chẩn đoán, điều trị không phù hợp và kịp thời có thể làm cho diễn biến bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho điều trị sau này.
Những việc bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ làm đối với người bệnh
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh để biết các triệu chứng về rối loạn giọng nói như: nói mệt, hụt hơi, phải gắng sức để nói, thay đổi các tính chất giọng nói (khàn thô, căng nghẹt…); triệu chứng toàn thân khác như khó thở, nuốt sặc, nuốt nghẹn, yếu tay chân…và tiền sử bị các bệnh nội ngoại khoa kèm theo (chấn thương sọ não, phẫu thuật vùng cổ ngực, tiểu đường, tăng huyết áp…).
Sau đó, bác sĩ sẽ khám tai, mũi, họng, thanh quản để loại trừ các nguyên nhân gây rối loạn giọng nói như: do nghe kém làm người bệnh phải nói to, viêm nhiễm mũi họng, tổn thương cấu trúc và thần kinh của đường phát âm.
Tiếp theo, người bệnh sẽ được thực hiện những thăm dò chuyên sâu để chẩn đoán về nguyên nhân, mức độ rối loạn giọng nói cũng như đáp ứng với điều trị:
- Hoạt nghiệm thanh quản: là thăm dò không thể thiếu, luôn được lựa chọn đầu tiên khi đánh giá về rối loạn giọng nói. Phương pháp này giúp phát hiện tổn thương dây thanh ở mức độ tinh vi mà nội soi thông thường không đánh giá được. Qua đó, có thể làm thay đổi về chẩn đoán bệnh trước đó hoặc phát hiện ra các bệnh lý rối loạn giọng nói chức năng.
Hình 2: Hoạt nghiệm thanh quản
- Phân tích chất thanh: có vai trò đánh giá các nhiễu loạn sóng âm thanh trong giọng nói, thông qua phần mềm chuyên dụng phân tích âm thanh (Praat). Đây là công cụ hữu hiệu trong chẩn đoán, đặc biệt với nhóm bệnh khó phát hiện qua thăm khám thông thường như: rối loạn giọng nói do nguyên nhân về thần kinh và chức năng.
Hình 3: Phân tích chất thanh
- Cảm thụ giọng nói: các chất giọng bệnh lý sẽ được bác sĩ chuyên sâu về thanh học nghe và đánh giá mức độ rối loạn. Thang hay dùng là GRBAS bao gồm: giọng khàn thô (Rough), giọng thở (Breathy), giọng nhược (Asthenic), giọng căng (Strain).
- Phân tích khí động học: đánh giá khả năng điều chỉnh hơi khi phát âm, thường rõ rệt ở bệnh nhân hay bị nói mệt, hụt hơi. Đây là thông số nhạy, giúp thầy thuốc căn cứ để theo dõi sự đáp ứng với quá trình điều trị của bệnh nhân.
- Đánh giá ảnh hưởng chất lượng giọng nói đến cuộc sống: thường dùng bảng VHI 10 (Voice handicap index), gồm các câu hỏi để người bệnh tự trả lời. Thông qua bảng đo lường này, thầy thuốc sẽ đánh giá về mức độ ảnh hưởng và nhu cầu sử dụng giọng nói của người bệnh. Từ đó, góp phần đưa ra hướng điều trị tốt nhất theo từng bệnh nhân.
Hình 4: Bảng đánh giá ảnh hưởng rối loạn giọng nói trong cuộc sống (VHI 10)
Điều trị
Dựa theo nguyên nhân và mức độ rối loạn giọng nói, thầy thuốc sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể. Các phương pháp bao gồm: điều trị nội khoa, luyện giọng, điều trị can thiệp (vi phẫu thanh quản, tiêm steroid dây thanh, phẫu thuật cắt dây thanh)…Trong những năm qua, khoa Tai Mũi Họng đã triển khai đầy đủ các phương pháp trên. Bằng việc liên tục cập nhật kiến thức hiện đại trên thế giới, các thầy thuốc luôn hướng tới mục tiêu: vừa điều trị nguyên nhân hiệu quả, vừa đem lại chất lượng giọng nói tốt nhất cho bệnh nhân.
Lời khuyên của chuyên gia
Theo PGS.TS Lê Công Định- Trưởng khoa Tai Mũi Họng, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng ngay khi phát hiện giọng nói bị thay đổi. Chẩn đoán đúng và điều trị càng sớm, khả năng phục hồi giọng nói càng cao.
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân, sau khi kết thúc liệu trình điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được theo dõi và khám lại để đánh giá mức độ hồi phục giọng nói.
Trong sinh hoạt hàng ngày, để duy trì giọng nói khoẻ mạnh, người bệnh cần uống nhiều nước, có chế độ ăn ngủ điều độ, tránh lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá…), tránh các thói quen dễ gây tổn thương thanh quản (la hét, đằng hắng giọng, nói trong môi trường ồn…).
Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan
- Vụ cháy nhà ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh: 2 nạn nhân nguy kịch phải thở máy
- Hàng trăm bệnh nhi 'quên' cơn đau đón Giáng sinh yêu thương, an lành
- Xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc tại Trung tâm Hội nghị ở Long Biên, Hà Nội
- Sức khoẻ 4 nạn nhân vụ hoả hoạn ở Hà Nội ổn định hơn
- Thêm 2 ca ghép tủy đồng loại thành công, mở hy vọng cho bệnh nhi tan máu bẩm sinh
- Tắm khuya – Thói quen gây nguy cơ đột quỵ
- Kiên Giang: Phẫu thuật thành công khối u 15kg cho bệnh nhân nữ