Phòng ngừa đột quỵ dịp Tết do rượu

26/01/2025 | 07:42 AM

 | 

Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ đột quỵ cao nhất trong một đến hai giờ đầu ngay sau khi uống rượu do tăng huyết áp đột ngột, rối loạn nhịp tim.

 

(Ảnh minh họa)

 (Ảnh minh họa)

Uống rượu ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ xảy ra đột quỵ?

Rượu là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của con người, đặc biệt là đối với hệ tim mạch và thần kinh trung ương . Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật toàn cầu. Việc tiêu thụ rượu, dù ở mức độ thấp hay cao, đều có mối liên hệ phức tạp với nguy cơ đột quỵ.

Tăng huyết áp: Uống rượu, đặc biệt là uống nhiều rượu trong thời gian ngắn, có thể gây tăng huyết áp đột ngột và kéo dài. Đây là yếu tố nguy cơ chính cho cả đột quỵ thiếu máu não và xuất huyết não.

Rối loạn chức năng mạch máu: Rượu làm giảm độ đàn hồi của thành mạch, gây tổn thương nội mạc mạch máu và thúc đẩy quá trình xơ vữa. Xơ vữa động mạch là tình trạng các mảng xơ vữa bám trong lòng các động mạch. Khi các mảng xơ vữa này phát triển hoặc vỡ ra khiến cho dòng máu bị cản trở hoặc tắc hẹp. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Sau đó, các huyết khối này sẽ theo dòng máu đến não và gây ra đột quỵ.

Rối loạn nhịp tim: Khi uống rượu nhiều trong một thời gian ngắn sẽ xuất hiện “hội chứng trái tim ngày lễ” (Heart Holiday Syndrome - HHS). Hội chứng này đã được các nhà nghiên cứu đưa ra sau khi khảo sát và phát hiện rằng các bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì rung nhĩ do uống rượu bia tăng mạnh sau các dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần.

Một bài viết được đăng trên Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ (NLM) đã báo cáo rằng, rượu đóng vai trò là yếu tố thúc đẩy rung nhĩ ở 35% đến 62% các trường hợp, đặc biệt là 12 đến 36 giờ sau khi ngừng uống rượu.

Các nghiên cứu cho thấy, HHS cũng xuất hiện ở những người hiếm khi uống rượu hoặc chưa bao giờ uống rượu, nhưng thỉnh thoảng lại có một lần uống rượu quá độ. Rung nhĩ là tình trạng tâm nhĩ không co bóp đồng bộ, khiến cho máu không thể được bơm đi như bình thường làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong tâm nhĩ. Huyết khối sau đó theo tuần hoàn đến não gây ra đột quỵ.

Rối loạn đông máu: Uống rượu lâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu và hệ thống đông máu, làm tăng nguy cơ xuất huyết.

Các yếu tố cá nhân: Người lớn tuổi thường giảm khả năng chuyển hóa rượu, làm tăng tác dụng phụ trên huyết áp và chức năng gan; Phụ nữ thường có tỷ lệ mỡ cao hơn và tỷ lệ nước trong cơ thể thấp hơn so với nam giới.

Do rượu phân bố chủ yếu trong nước, nồng độ rượu trong máu ở phụ nữ thường cao hơn so với nam giới khi uống cùng một lượng rượu. Điều này dẫn đến tác động nhanh và mạnh hơn của rượu trên hệ thần kinh và tim mạch ở phụ nữ.

Những người có bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc tăng huyết áp dễ bị tổn thương hơn bởi các tác động tiêu cực của rượu.

Uống rượu với liều lượng nhỏ hàng ngày có làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Trước đây, một số nghiên cứu cho thấy uống rượu với liều lượng nhỏ, ví dụ một ly rượu vang mỗi ngày, có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch do khả năng làm tăng mức HDL-cholesterol (cholesterol tốt).

Tuy nhiên, lợi ích này không áp dụng đồng đều cho mọi người và không bảo vệ người uống khỏi nguy cơ đột quỵ. Một phân tích tổng hợp gần đây cho thấy ngay cả khi tiêu thụ rượu ở mức thấp, nguy cơ đột quỵ vẫn tăng nhẹ so với những người không uống rượu.

Một nghiên cứu trên Tạp chí The Lancet cho thấy, nguy cơ đột quỵ thiếu máu não cục bộ tăng 14% khi tiêu thụ khoảng 10g ethanol/ngày. Vì vậy, ngay cả lượng rượu nhỏ cũng có thể gây tác động tiêu cực, đặc biệt với người có nguy cơ sẵn có như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rung nhĩ, đái tháo đường.

Dấu hiệu cảnh báo trước về đột quỵ khi uống rượu

Khi xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau, cần khẩn cấp đến Trung tâm y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời: Tăng huyết áp đột ngột sau khi uống rượu; đau đầu dữ dội; chóng mặt hoặc mất thăng bằng; yếu hoặc tê một bên cơ thể; nói khó, không rõ chữ hoặc méo miệng.

Biện pháp phòng ngừa đột quỵ trong dịp Tết

Một trong những biện pháp phòng ngừa đột quỵ tốt nhất chính là không sử dụng bia rượu. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ đột quỵ cao nhất trong 1 đến 2 giờ đầu ngay sau khi uống rượu do tăng huyết áp đột ngột, rối loạn nhịp tim. Có một số lưu ý khi tiêu thụ rượu bia trong dịp Tết, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ đột quỵ.

Giới hạn lượng rượu tiêu thụ: Đàn ông không nên uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày và phụ nữ không nên vượt quá 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn tương đương 1 lon bia 330 ml hoặc 1 ly rượu vang 100 ml). Trong một lần uống rượu, cần giới hạn lượng rượu tiêu thụ thấp nhất. Không tiêu thụ rượu liên tục mỗi ngày. Theo định nghĩa của WHO, uống rượu bia ở mức nguy hại được định nghĩa là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên.

Không uống rượu khi đói: Vì lúc đói lượng cồn trong máu sẽ tăng nhanh đột ngột, điều này có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.

Uống đủ nước: Tiêu thụ rượu sẽ khiến cho cơ thể bài tiết tiểu nhiều hơn, ngoài ra trong quá trình uống rượu có thể kèm theo các tình trạng có thể xảy ra như nôn ói, tiêu chảy. Điều này khiến cho cơ thể rơi vào tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng. Hệ quả làm cho lưu lượng máu trong tuần hoàn giảm, dẫn đến não sẽ thiếu oxy, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Vì vậy, cần xen kẽ việc uống nước lọc và tiêu thụ rượu. Trước và sau khi uống rượu cần uống nhiều nước. Không nên kết hợp uống rượu cùng với các chất kích thích khác như cà phê, nước tăng lực hoặc đồ uống có gas.

Không tiếp xúc với lạnh và gió lùa khi uống rượu: Vì điều này sẽ làm cho các mạch máu co lại đột ngột, dẫn đến cơn tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ.

Nguồn: Nhandan.vn

 


Thăm dò ý kiến