Phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u tuyến giáp “khủng” cho nữ bệnh nhân
05/10/2024 | 10:42 AM
|
Chiều 4/10, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng vừa thực hiện phẫu thuật thành công cắt toàn bộ bướu giáp kích thước mỗi thùy 15x10x10cm cho nữ bệnh nhân 24 tuổi.
|
Ê-kíp các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật cắt bỏ khối u cho bệnh nhân. |
Bệnh nhân Hà T.P (sinh năm 2000, trú huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) mắc bệnh basedow đã 12 năm. 3 năm gần đây, từ khi mang bầu và sinh con, mắt bệnh nhân ngày càng lồi, khối bướu ở cổ ngày một lớn. Bệnh nhân đã đi nhiều nơi điều trị nhưng vì khối bướu to và có nhiều bệnh kèm nên bác sĩ chỉ cho uống thuốc, không phẫu thuật cắt bỏ bướu.
Bệnh nhân nhập viện Đà Nẵng cấp cứu điều trị trong tình trạng sốt cao. Sau khi được chẩn đoán điều trị cắt sốt, bệnh nhân được chuyển khoa Ngoại lồng ngực để tiếp tục điều trị, phẫu thuật cắt bướu.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Thân Trọng Vũ, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân nhập khoa Ngoại lồng ngực trong tình trạng lồi mắt, khối bướu to chèn ép gây khó thở, khó nuốt, hạ bạch cầu do dùng thuốc kháng giáp. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.
Tuy nhiên, tình trạng cường giáp bệnh nhân chưa ổn định, tuyến giáp quá lớn sẽ gây khó khăn trong việc gây mê, nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật rất lớn. Đồng thời sẽ có nguy cơ khàn tiếng, mất tiếng và hạ canxi máu sau mổ do tổn thương dây thần kinh chi phối giọng nói và tuyến cận giáp cũng như nguy cơ khó thở sau khi thoát mê do khí quản bị xẹp vì bướu lớn chèn ép lâu ngày dẫn đến nhuyễn khí quản.
Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực đã quyết định tăng liều thuốc kháng giáp kết hợp cùng dung dịch lugol, thuốc ức chế beta và an thần, tiêm kháng sinh dự phòng để điều trị ổn định cho bệnh nhân.
Sau gần 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân được lên lịch mổ, tiến hành cắt toàn bộ tuyến giáp.
Quá trình phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn do tuyến giáp rất lớn lui ra sau khí quản thòng xuống lồng ngực, có nhiều mạch máu tăng sinh phát triển dễ gây chảy máu khi chạm vào bướu, bướu lớn đẩy lệch các cấu trúc thần kinh chi phối giọng nói, tuyến cận giáp, gây hẹp khí quản.
Tuy nhiên qua gần 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực và khoa Gây mê hồi sức đã thành công trong việc cắt toàn bộ tuyến giáp cho bệnh nhân mà không để xảy ra biến chứng gì.
Hiện bệnh nhân hết khó thở, ăn uống, nói chuyện bình thường, không co rút tay chân.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm, basedow là một bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch tấn công, kích thích tuyến giáp sản xuất quá mức hormone đưa đến tình trạng ngộ độc hormone giáp. Hệ quả là người bệnh có các triệu chứng trên nhiều cơ quan như: lồi mắt, hồi hộp, cáu gắt, mạch nhanh, bướu cổ lớn, phù niêm...
Nguồn: nhandan.vn
Tin liên quan
- Bệnh nhân suy gan cấp hồi phục kỳ diệu sau 5 tháng điều trị, chưa cần ghép gan
- Thuốc kháng virus thế hệ mới mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch HIV/AIDS
- New Zealand ngừng xuất khẩu gia cầm sau khi phát hiện gà nhiễm cúm H7N6
- Cụ ông 86 tuổi để lại di nguyện hiến mô tạng hồi sinh sự sống cho bệnh nhân khác
- WHO: Tử vong do nhiễm HIV/AIDS tăng vọt ở Tây Thái Bình Dương
- Diễn biến mới về bệnh bạch hầu ở Cao Bằng
- Khuyến khích người dân tham gia phòng, chống ngộ độc thực phẩm