Ổ dịch bệnh bạch hầu ở Nghệ An đã được kiểm soát
16/07/2024 | 09:59 AM
|
Gần hai tuần từ khi ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu, Nghệ An không ghi nhận ca nhiễm mới. Tất cả các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân tử vong đều được cách ly, sức khỏe ổn định.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết, ổ dịch bạch hầu tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn đã được kiểm soát.
Ngoài bệnh nhân P.T.C. (18 tuổi, trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh) tử vong vào ngày 4/7 do bệnh bạch hầu, Nghệ An không ghi nhận ca nhiễm mới. Đến nay, 119 người tiếp xúc với nữ bệnh nhân này đều được cách ly, cho uống thuốc kháng sinh dự phòng; sức khỏe của họ đều ổn định và không có dấu hiệu bất thường. Các mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng và mẫu máu đều cho kết quả âm tính.
Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm với người tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong vì bạch hầu ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Trạm y tế xã Phà Đánh cho biết, khu vực này có tổng cộng 4 bản là nơi sinh sống của khoảng 200 hộ dân. Sau khi điều tra dịch tễ, đã phát hiện có 15 người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C., và tình trạng sức khỏe của họ vẫn ổn định.
"Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu đều được cách ly theo dõi tại nhà và được uống thuốc kháng sinh dự phòng", bà Huệ nói và cho biết thêm, địa phương đang rà soát, tiêm vét vaccine phòng bạch hầu cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm phòng.
Riêng trường hợp bệnh nhân M.T.B. - 18 tuổi, trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh - người tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C. (đã tử vong) có kết quả dương tính với bạch hầu, sức khỏe của bệnh nhân cũng đang tiến triển tốt.
Sau thời gian điều trị bằng kháng sinh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân không còn triệu chứng và thể trạng ổn định nên đã được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để tiếp tục điều trị.
Kết quả tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu trong mũi 5 trong 1 năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An đạt tỉ lệ 90,9% (yêu cầu của trung ương tỉ lệ từ 90%), riêng huyện Kỳ Sơn chỉ đạt tỉ lệ 64,8%.
Về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, ở thời điểm này, ngành Y tế nghệ An và các địa phương liên quan đã và đang tiếp tục thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe hằng ngày và cho uống thuốc dự phòng tất cả các trường hợp tiếp xúc với người bệnh; theo dõi ổ dịch trong vòng 14 ngày theo quy định.
Bác sĩ Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, cho biết: bệnh bạch hầu lưu hành trong nhiều năm tại huyện này. Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh, huyện đang thực hiện việc truyền thông sử dụng cả tiếng Việt và tiếng địa phương (Khơ Mú) tại các xã để nâng cao nhận thức của người dân. Cũng như khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo từ ngành Y tế, đồng thời kêu gọi phụ huynh đưa các con em trong độ tuổi phù hợp đi tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh.
Một số khó khăn dẫn đến việc huyện Kỳ Sơn đạt tỉ lệ tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu thấp là do đây là huyện miền núi, biên giới rất khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội, chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống. Mặc dù ngành y tế đã tổ chức tiêm chủng lưu động tại các bản làng và hộ gia đình hằng tháng, nhưng do nhận thức của một bộ phận người dân, họ không muốn và không đưa trẻ đi tiêm phòng dù đã được trạm y tế và y tế thôn bản thông báo lịch tiêm chủng.
Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ.
Hiện nay, Nghệ An có 83 điểm tiêm lưu động và Kỳ Sơn có 23 điểm tiêm lưu động. Trong thời gian tới ngành y tế Nghệ An sẽ đẩy mạnh việc rà soát các đối tượng tiêm chủng mà chưa được tiêm để có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc tiêm chủng lưu động tại các bản làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để bao phủ tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tiêm chủng…
Trao đổi với phóng viên, TS.BS Nguyễn Văn Thương, phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh "Người dân không nên quá hoang mang và lo lắng. Bởi vì bệnh bạch hầu hiện nay đã có thuốc kháng sinh để điều trị, cũng như có thuốc kháng độc tố và vaccine để phòng ngừa bệnh".
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện truyền thông không chính thống, không tự ý tiêm chủng vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan y tế trong vùng có dịch.
Bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau đây:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân ở trong vùng có dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam đổi mới, sáng tạo trong thời kỷ nguyên số
- Người phụ nữ 3 lần sinh mổ, có rối loạn kinh nguyệt vẫn không biết mình mang thai
- Phú Yên: Ra Nghị quyết giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập
- Gia đình xin về, bác sĩ quyết tâm cứu bệnh nhi mắc khối u tuyến tùng nguy hiểm
- Trẻ hóc dị vật đường thở, bác sĩ chỉ ra sai lầm trong sơ cứu
- Ngành Y tế Hà Nội tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sởi
- Giun dài 14 cm sống trong mắt nhiều ngày