Những nhóm đối tượng nào được hỗ trợ mức đóng BHYT từ 1/7/2025?
09/12/2024 | 15:01 PM
|
Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024, có 9 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT từ ngày 1/7/2025. Cũng từ thời điểm này, người mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo... được BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi khám bệnh vượt tuyến...
Bổ sung thêm 04 trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT
Tại khoản 4, Điều 12 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024, số 51/2024/QH15 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT bao gồm:
Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
Học sinh, sinh viên;
Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật;
Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;
Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật;
Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Chính phủ;
Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa;
Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024, có 9 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT từ ngày 1/7/2025.
Như vậy Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024 đã bổ sung thêm 04 trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT bao gồm:
Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;
Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật;
Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.
Căn cứ theo khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024, mức đóng hằng tháng của nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng tối đa bằng 6% mức tham chiếu do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cũng nêu rõ: Người thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật này. được lựa chọn tham gia theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Cũng theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024, nhóm tự đóng BHYT bao gồm:
Người thuộc hộ gia đình tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình;
Người sinh sống và làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo;
Người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động;
Và những người không thuộc 3 trường hợp quy định kể trên.
Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán các chi phí nào?
Khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;
Vận chuyển người bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i, o và r khoản 3 Điều 12 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024 trong trường hợp đang điều trị nội trú hoặc cấp cứu phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 27 của Luật này;
Chi phí cho sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.
Người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Trong một số trường hợp mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Người tham gia BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, không đúng quy định về chuyển người bệnh quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều này, được quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ phần trăm của mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này như sau:
100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
100% mức hưởng đối với người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu;
100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu;
100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản;
100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 01/01/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Gia đình 2 người bệnh chết não hiến tạng của người thân để hồi sinh cho 12 cuộc đời
- Nhập viện cấp cứu vì uống Oresol chữa tiêu chảy không đúng cách
- Bến Tre tăng cường các giải pháp phòng, chống bệnh thủy đậu
- Tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam đổi mới, sáng tạo trong thời kỷ nguyên số
- Người phụ nữ 3 lần sinh mổ, có rối loạn kinh nguyệt vẫn không biết mình mang thai
- Phú Yên: Ra Nghị quyết giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập
- Gia đình xin về, bác sĩ quyết tâm cứu bệnh nhi mắc khối u tuyến tùng nguy hiểm