Nặng lòng tâm sự của bác sĩ về Trung thu 'đặc biệt' tại nơi điều trị bệnh nhân COVID-19
21/09/2021 | 21:31 PM
Tết Trung thu năm nay có lẽ sẽ đặc biệt và đáng nhớ hơn rất nhiều không chỉ đối với các bệnh nhân đang điều trị COVID-19 mà còn cả với y bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tết Trung thu ấm tình thương
Để có một Tết Trung thu ấm áp, tràn đầy tình thương và đặc biệt là khích lệ tinh thần cho bệnh nhân điều trị COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 3 (khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, TP Thủ Đức) đã phối hợp cùng Công đoàn TP HCM, mạnh thường quân và các đoàn cơ sở chuẩn bị hơn 400 suất quà để tặng bệnh nhân, đặc biệt là các em nhỏ tại Bệnh viện.
Được biết, có khoảng 150 em nhỏ là F0 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3. Tết Trung thu năm nay trở nên đặc biệt hơn rất nhiều đối với các em vì phải ở khu cách ly, xa gia đình, không được cùng bạn bè rước đèn, phá cỗ…
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCKI Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện dã chiến số 3) cho biết: "Có lẽ Tết Trung thu năm nay sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ không chỉ với bệnh nhân mà còn cả với những người đang ở tuyến đầu chống dịch như chúng tôi. Năm nay sẽ có rất nhiều người ngắm trăng tại khu cách ly mà không được cùng quây quần với gia đình.
Ở đây chúng tôi coi những bệnh nhi đang điều trị COVID-19 như con của mình. Tết Trung thu là ngày của các bạn nhỏ, đáng lẽ phải được quây quần cùng gia đình phá cỗ, đi chơi thì giờ lại phải ở khu cách ly. Chắc chắn là sẽ có rất nhiều bạn buồn và tủi thân. Thấu hiểu được điều đó, Bệnh viện đã phối hợp cùng các nhà tài trợ, tổ chức tặng quà nhằm động viên, an ủi, khích lệ tinh thần tích cực cho các con.
Sau khi được nhận quà bạn nào cũng vui mừng, nhìn những nụ cười nở trên môi cũng làm các y bác sĩ chúng tôi ấm lòng, đỡ nhớ nhà, nhớ con và có động lực để tiếp tục cuộc chiến đẩy lùi giặc Cô Vít".
Mặc dù đón Tết Trung thu trong Bệnh viện dã chiến, không có gia đình ở bên nhưng những món quà dù không mang nhiều giá trị vật chất đã giúp các em cảm nhận được tình yêu thương, sự ấm áp và biến ngày Tết này trở nên ý nghĩa, đặc biệt hơn.
"Bao giờ thì ba, mẹ về?"
Đối với nhiều y bác sĩ, Trung thu cũng là khoảng thời gian làm họ nhớ nhà, bố mẹ, con cái nhiều hơn.
Trong trận chiến chống dịch COVID-19 lần này, cả hai vợ chồng BS Công đều ở tuyến đầu, một người điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 3, người còn lại làm việc ở Bệnh viện 30/4 (TP.HCM). Đã nhiều tháng nay, anh chị vẫn chưa về nhà thăm con, bố mẹ của mình mà chỉ có thể "gặp" qua màn hình điện thoại.
BS Công tâm sự: "Đã 2 năm kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở nước ta, thời gian tôi về nhà rất ít, chủ yếu là ở khu dã chiến hoặc bệnh viện. Trung thu năm nay cũng xa nhà và các con, không biết bao giờ mới có thể về thăm bố mẹ già và ôm các con vào lòng.
Nhiều lúc gọi điện về nhà thấy các con hỏi "bao giờ thì ba mẹ mới về?" hay "con nhớ ba mẹ lắm rồi" mà muốn rơi nước mắt. Chỉ biết hẹn các con khi nào hết dịch ba mẹ về sẽ bù đắp lại, những Trung thu sau gia đình mình có thể quây quần với nhau.
Vì cả ba mẹ đều làm trong ngành Y nên hai bé cũng đã quen với việc chúng tôi không ở nhà thường xuyên. Các cháu cũng luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tự chăm sóc bản thân từ rất sớm. Ngày nào hai vợ chồng cũng tranh thủ sau giờ làm việc gọi về cho con để động viên, nhắc nhở, nếu có vấn đề gì thì nhờ hàng xóm giúp đỡ…".
Những mùa Trung thu không dịch bệnh như nhiều năm trước, các bác sĩ có thể tụ họp lại cùng gia đình trò chuyện, ăn bánh trung thu, trẻ con thì phá cỗ, rước đèn. Tết Trung thu năm nay thì đặc biệt hơn, các bác sĩ có thể ngồi chung một bàn với nhau ở nơi làm việc để cùng chia sẻ, tâm sự, trao đổi công việc, chuyên môn với nhau. Tận dụng "cây nhà lá vườn" để hát cho nhau nghe, tạo động lực, không khí vui tươi cho mọi người, giải tỏa căng thẳng và đặc biệt là ấm lòng, gần gũi như có gia đình ở bên.
"Chúng tôi cảm thấy phấn khởi hơn khi được rất nhiều sự quan tâm trong dịp Tết Trung thu này. Bệnh viện cũng bố trí nhiều suất quà để gửi về tận tay gia đình, các con của y bác sĩ, điều dưỡng đang làm việc tại đây. Thời điểm hiện tại, chỉ mong dịch bệnh nhanh qua để cuộc sống trở về bình thường, bệnh nhân được trở về nhà và nhân viên y tế như chúng tôi cũng sẽ được đoàn tụ cùng gia đình vì đi lâu quá rồi…", BS Công chia sẻ.
Nguồn: SKĐS
Tin liên quan
- Vụ cháy nhà ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh: 2 nạn nhân nguy kịch phải thở máy
- Hàng trăm bệnh nhi 'quên' cơn đau đón Giáng sinh yêu thương, an lành
- Xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc tại Trung tâm Hội nghị ở Long Biên, Hà Nội
- Sức khoẻ 4 nạn nhân vụ hoả hoạn ở Hà Nội ổn định hơn
- Thêm 2 ca ghép tủy đồng loại thành công, mở hy vọng cho bệnh nhi tan máu bẩm sinh
- Tắm khuya – Thói quen gây nguy cơ đột quỵ
- Kiên Giang: Phẫu thuật thành công khối u 15kg cho bệnh nhân nữ