Khi nào nên tầm soát ung thư đường tiêu hoá?
14/10/2023 | 09:55 AM
|
Hiện nay có nhiều khuyến cáo về việc tầm soát ung thư đường tiêu hoá ở các độ tuổi khác nhau. Vậy khi nào nên tầm soát ung thư đường tiêu hoá?
Chia sẻ bên lề Hội thảo khoa học Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai - Đại học Nagoya Nhật Bản lần thứ 8 ngày 14/10, PGS.TS Nguyễn Công Long – Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, BV Bạch Mai cho biết, ung thư đường tiêu hóa là một trong những bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam. Việc sàng lọc, tầm soát ung thư giúp phát hiện và chẩn đoán sớm cùng với những phác đồ điều trị ở giai đoạn sớm sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội kéo dài sự sống, khả năng khỏi bệnh cao.
Các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa phổ biến hiện nay, đứng đầu là ung thư đại tràng, ung thư dạ dày và ung thư thực quản. Tại nhiều quốc gia phát triển, trong đó có Nhật Bản, việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư giúp cơ hội sống của bệnh nhân nhiều hơn.
Khi ở giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ cần điều trị cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi, hiệu quả điều trị cao, bệnh nhân hồi phục nhanh. Ngược lại, người bệnh phát hiện muộn thường phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn (nội soi hoặc mổ mở), việc điều trị phức tạp hơn.
PGS.TS Nguyễn Công Long – Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, BV Bạch Mai chia sẻ về việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đường tiêu hoá.
Theo PGS. Long, tầm soát phát hiện sớm ung thư ống tiêu hóa qua nội soi là phương pháp hiệu quả và gần như chắc chắn nhất hiện nay. Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa nên được tiến hành ở người bình thường độ tuổi trên 50. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ xuất hiện tổn thương ở ống tiêu hoá.
Ngoài ra, những người hút thuốc lá nhiều, uống rượu bia nhiều nên tầm soát vì nguy cơ cao mắc ung thư thực quản.
Người có tiền sử gia đình, bố mẹ mắc ung thư dạ dày, ung thư đại tràng cũng nên đi kiểm tra hàng năm để phát hiện tổn thương tiền ung thư.
Bên cạnh đó, nhóm đối tượng phát hiện viêm dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày nặng cũng cần phân loại tầm soát hàng năm để có dữ liệu xem bao lâu thì nên tầm soát lại bằng soi thực quản dạ dày hay soi đại tràng.
"Người trẻ tuổi, khỏe mạnh bình thường nếu không có triệu chứng gì đặc biệt thì không cần thiết phải đổ xô đi tầm soát ung thư đường tiêu hoá" – PGS. Long nhấn mạnh và khuyến cáo người dân cần chú ý đến các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa bao gồm:
- Đường tiêu hóa trên gồm khoang miệng, thực quản, dạ dày, tuyến tụy, gan, đường mật, ruột non. Những rối loạn và triệu chứng như khó nuốt, đầy hơi, khó tiêu, trào ngược dạ dày, đau bụng, nôn khan và nôn ra máu kéo dài kèm theo mệt mỏi, sụt cân...
- Đường tiêu hóa dưới gồm đại trực tràng, hậu môn. Những rối loạn và hiện tượng như táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, đại tiện ra máu... thì nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời.
Với những bệnh nhân ung thư dạ dày, thực quản ở giai đoạn đầu đã được các y bác sĩ cắt tách niêm mạc dạ dày, thực quản bằng phương pháp nội soi, không phải cắt bỏ dạ dày hay thực quản.
Thống kê tại Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi tháng có khoảng 100 ca ung thư đường tiêu hóa được phát hiện sớm và điều trị cắt tổn thương ung thư qua nội soi, chủ yếu ở người trên 50 tuổi.
Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành của Đại học Nagoya Nhật Bản có nhiều bước hợp tác, nghiên cứu để nâng cao chất lượng chẩn đoán điều trị, áp dụng các phương pháp tiến bộ nhất để cứu chữa người bệnh.
Tại hội thảo lần này, chuyên gia 2 bên sẽ chia sẻ, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa như: Chỉ định ESD dạ dày từ đơn giản đến phức tạp: Kinh nghiệm từ chuyên gia Nhật Bản (ESD là kỹ thuật nội soi cho phép cắt bỏ khối ung thư ở giai đoạn sớm ở niêm mạc ống tiêu hóa, phổ biến nhiều ở dạ dày, đại tràng, thực quản mà không cần mổ mở); Tiếp cận các kỹ thuật mới và trí tuệ nhân tạo trong ESD để điều trị tổn thương polyp lớn đại trực tràng; Nội soi can thiệp tại Bệnh viện Bạch Mai; Siêu âm nội soi trong tổn thương tụy; Can thiệp đường mật dưới hướng dẫn siêu âm nội soi…
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Giá trị tư tưởng của Lê Hữu Trác với nền y học Việt Nam
- Sốt xuất huyết tăng giảm bất thường ở Thừa Thiên Huế
- Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền
- Bàn giao 42 bác sĩ chuyên khoa cấp I về công tác tại 26 huyện khó khăn, biên giới
- Chậm kinh, chướng bụng và ngất, người phụ nữ 30 tuổi mới biết mình chửa ngoài tử cung
- Hà Tĩnh triển khai nhiều biện pháp khống chế bệnh sởi
- CDC Hà Nội cảnh báo bệnh nhân mắc sởi đang gia tăng