Khát vọng tuổi thanh xuân là cống hiến cho cộng đồng
03/02/2022 | 17:19 PM
Chứng kiến những cán bộ y, bác sĩ, tình nguyện viên chấp nhận nguy hiểm, dấn thân vào tâm dịch khắc nghiệt không kể ngày đêm, mới thấy hết được những giá trị mà họ mang đến cho cộng đồng.
Họ đã chấp nhận đương đầu với thử thách khắc nghiệt, bởi họ đã chọn cho mình con đường... vì cộng đồng.
Tác phong khó bỏ sau chống dịch
"Trạm Y tế lưu động số 33 xin nghe!" - giọng của BS. Đoàn Thị Hoàng Anh hớt hải vang lên ở đầu dây, nhưng khi biết chúng tôi là PV của Báo Sức khỏe &Đời sống, chị cười tủm tỉm, bảo: "Thói quen ở tâm dịch, chưa bỏ được luôn em à".
BS. Đoàn Thị Hoàng Anh đang công tác tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Học viện Quân y). Những ngày giữa tháng 8/2021, số F0 tăng nhanh, ngành y tế TP.HCM khẩn trương thành lập tạm thời Trạm Y tế xã, phường, thị trấn lưu động. Bác sĩ, điều dưỡng của Học viện Quân y là một trong những lực lượng nòng cốt hỗ trợ TP.HCM kiểm soát dịch ngoài cộng đồng. BS. Hoàng Anh là một trong số đó.
5h sáng 23/8/2021, khi nhiều người dân Thủ đô đang chìm sâu trong giấc nồng, BS. Đoàn Thị Hoàng Anh đã "lên đường" đến TP.HCM hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Chị khoác trên mình bộ đồ dã chiến, cùng ba lô, quân tư trang gọn gàng trên vai. Gương mặt của chị tràn đầy khí thế với quyết tâm cứu kịp thời các F0, ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Tại TP.HCM, chị được phân công phụ trách chính Trạm Y tế lưu động số 33 thuộc phường Tân Hưng, quận 7. Trạm Y tế lưu động số 33 phụ trách khu phố số 5 với 33 tổ dân phố, hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 300 F0.
Cũng như bao trạm y tế lưu động khác, Trạm Y tế lưu động số 33 có nhiệm vụ tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho người dân; tiêm chủng vaccine và hướng dẫn, theo sát người dân tự chăm sóc tại nhà; thực hiện khám, điều trị, cấp thuốc cho người bệnh thông thường, bệnh mạn tính, F0 thể nhẹ không và ít triệu chứng.
Song, đến nơi đất khách chống dịch, BS. Hoàng Anh và các học viên không khỏi "choáng" với mật độ dân cư dày đặc nơi đây, lại thêm ngõ nhỏ, lắm hẻm, nhiều ngách, nên việc tiếp cận nhà F0 phải đi qua ngõ ngách là vô cùng khó khăn. Thậm chí, lối vào nhà F0 nhỏ hẹp, lại vào ngách sâu, chị cũng phải vác bình oxy trên vai để chạy nhanh nhất có thể, cứu người bệnh.
Một thời gian "nắm" địa bàn khu phố, chị cùng đồng đội gần như đã thuộc lòng từng con đường, ngõ hẻm. Thậm chí, từng F0, từng hộ dân với nhân khẩu có tình trạng sức khỏe ra sao, cũng được "team" của chị nắm tình hình.
Song, với số lượng F0 khá nhiều, cư dân đông nên việc khám, cấp cứu, chuyển tuyến lúc cao điểm đến hàng chục ca. Chiếc điện thoại cá nhân của các thành viên vốn chỉ liên lạc với người thân, đồng nghiệp, nay cũng bất đắc dĩ trở thành số hotline của trạm y tế. Và những hồi chuông vang lên cả ngày lẫn đêm, BS. Hoàng Anh và đồng đội không chỉ hỗ trợ giải đáp bệnh lý, mà cũng kiêm cả phần việc của chuyên gia tâm lý.
Dưới sự dẫn dắt của BS. Hoàng Anh, Trạm Y tế lưu động số 33 đã trở thành địa chỉ tin cậy của hàng trăm F0, hàng ngàn nhân khẩu trong khu phố số 5. Cũng bởi vậy mà sau một thời gian trở về bên gia đình, trở về với công việc thường nhật, chị vẫn vẹn nguyên những ảnh hưởng của tác phong nơi tâm dịch.
"Thanh xuân là để vào tâm dịch"
Cứ mỗi khi có ai đó hỏi han, Nguyễn Hồng Quân lại nói vui rằng: "Thanh xuân là để vào tâm dịch". Dù là câu nói vui nhưng câu nói vui ấy cũng khiến biết bao người nghe phải cảm phục.
Nguyễn Hồng Quân là học viên lớp DH5EA của Học viện Quân y. Trong thời gian lên đường hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch COVID-19, anh được giao hỗ trợ BS. Hoàng Anh tại Trạm Y tế lưu động số 33. Quân có mặt từ những ngày đầu thành lập trạm.
Những ngày cuối năm, dù đã quay trở lại với việc nghiên cứu, học tập trên giảng đường, nhưng Nguyễn Hồng Quân vẫn vẹn nguyên âm hưởng về những ngày nơi tâm dịch khắc nghiệt. Anh nhớ về những đêm vác bình oxy lên vai chạy vào ngõ sâu để tiếp hơi thở cho F0 nguy kịch; về những lúc nửa đêm hỗ trợ đưa F0 nguy kịch lên bệnh viện dã chiến cấp cứu; những ca trực đường dây nóng với hàng chục cuộc gọi lúc nửa đêm của F0, F1, người thân F0, F1 cần hỗ trợ tư vấn sức khỏe. Anh nhớ cả những ngày một mình đi phát túi thuốc cho F0. Ở đó, anh đã cùng F0 trải qua các cung bậc cảm xúc.
Đó là một ngày đầu tháng 9/2021, vừa nghe điện thoại hotline, Quân vừa ghi vội địa chỉ nhà F0 vào mảnh giấy vàng. Sau cuộc gọi hối hả ấy, anh cùng một tình nguyện viên khác đã tức tốc lên đường đến nhà F0 đang một mình chống chọi với nỗi sợ hãi.
Nơi cư trú của F0 nằm sâu trong hẻm nhỏ với nhiều ngôi nhà xây thấp tầng san sát. Căn nhà của F0 dễ nhận ra hơn cả bởi cửa ra vào được gác tạm bằng một khung sắt nhỏ. Quân làm lại test nhanh và lần này, kết quả hiện rõ 2 vạch. Anh phát thuốc và hướng dẫn F0 sử dụng thuốc tại nhà. Trước khi ra về, anh không quên để lại số điện thoại đường dây nóng và dặn dò F0 gọi để được tư vấn trước khi quyết định uống gói thuốc B.
Làm việc cùng BS. Hoàng Anh tại Trạm Y tế lưu động, trong một ngày trực, nếu Quân trực điện thoại cấp cứu thì những người còn lại sẽ đi phát thuốc, xét nghiệm, thăm khám F0 tại nhà và ngược lại. Anh kể: "Có những ngày đi xét nghiệm cho những F0, khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, họ nhảy lên vui mừng khiến bản thân tôi cũng vui mừng theo".
Thế nhưng, có những lúc, Quân cùng chung sự lo âu, hồi hộp với người vừa có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Với khoảng 300 F0 đang điều trị tại nhà, trong khi nhân sự y tế tại trạm chỉ khoảng 3 - 5 người (chưa kể tình nguyện viên tại chỗ), thì quá tải và làm việc thâu đêm là chuyện dĩ nhiên đối với Quân và các nhân viên y tế tại đây.
Dịch bệnh đã khiến cuộc sống của người dân ở đô thị này bị đảo lộn quá nhiều, nên dù quá tải, Quân và các thành viên Trạm Y tế lưu động số 33 đã góp sức mình để người bệnh khỏe lại. Điều ấy càng làm ý nghĩa hơn cho cuộc hành trình vào Nam chống dịch của Quân và các tình nguyện viên.
Trên cung đường xuyên qua khu phố 5 với các tuyến đường chính của TP.HCM, Quân và các tình nguyện viên đã kết hợp cùng lực lượng công an, quân đội không chỉ tuyên truyền, nhắc nhở người dân đảm bảo an ninh trật tự, mà còn nâng cao ý thức, kiến thức phòng dịch, đeo khẩu trang đúng cách. Đồng thời, nhắc nhở mỗi người dân thường xuyên vệ sinh vật dụng, dụng cụ cũng như cọ rửa nhà cửa sạch sẽ bằng cách rắc vôi, xịt cồn…
Nguồn: SKĐS
Tin liên quan
- Phẫu thuật nội soi cho cụ 88 tuổi bị viêm ruột thừa kèm tràn dịch màng tim nguy hiểm
- Hơn 20.000 bệnh nhân ung thư đã không phải xin giấy chuyển tuyến BHYT ngay ngày đầu năm 2025
- Điện Biên công bố dịch bệnh sởi quy mô cấp xã tại Pú Xi
- Tăng cường tiếp cận thuốc hiếm cho bệnh nhân mắc bệnh hiếm bằng cách nào?
- Người phụ nữ hôn mê sâu tiên lượng xấu, vì uống thuốc bột chữa bệnh dạ dày
- Một người Tày hiến tạng ‘hồi sinh’ 4 cuộc đời
- Từ 1/1/2025, người mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo lên thẳng bệnh viện tuyến trên, BHYT vẫn thanh toán 100%