Theo báo cáo của ngành y tế Quảng Bình, số trường hợp đau mắt đỏ tăng đột biến trong khoảng 1 tuần gần đây. Số lượng không nhỏ các trường hợp là trẻ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học nên khả năng lây lan rất cao.
Bác sĩ Vũ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa cho biết, hiện ghi nhận gần 4.000 ca đau mắt đỏ, chủ yếu là trẻ ở các trường mầm non, tiểu học. Một số xã, thị trấn có nhiều ca mắc nhiều, như: Đồng Lê (974 ca), Mai Hóa (453 ca), Tiến Hóa (397 ca), Đức Hóa (256 ca)...
Tại huyện Bố Trạch, hiện ghi nhận hơn 1.500 ca bệnh tại 14/28 xã, thị trấn. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại xã Liên Trạch (613 ca), Hưng Trạch (269 ca)…
"Đối tượng đau mắt đỏ trên địa bàn chủ yếu là trẻ mầm non và học sinh tiểu học. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm virus... nên dễ bùng phát tại các trường học", BS. Đỗ Xuân Tính, Phó Khoa Kiểm soát bệnh tật - Tư vấn điều trị nghiện, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch cho biết.
Còn tại thành phố Đồng Hới, có 495 ca tại 14/15 xã, phường, tập trung nhiều nhất ở các phường: Nam Lý (132 ca), Bắc Lý (131 ca), Đồng Sơn (118 ca). Đáng chú ý, trong tổng số 495 ca đau mắt đỏ tại thành phố Đồng Hới có 492 ca ở lứa tuổi học sinh.
Để thực hiện công tác phòng và chống dịch đau mắt đỏ, Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn Quảng Bình tiến hành phối hợp tổ chức giám sát ca bệnh ở các xã, phường và những trường học có số lượng học sinh mắc nhiều.
Chỉ đạo các trạm y tế tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh ở các thôn, xã và trường học. Hướng dẫn người dân, giáo viên và học sinh các biện pháp phòng, chống.
Đồng thời, thực hiện truyền thông các biện pháp phòng, chống, cách xử lý khi khi mắc bệnh đau mắt đỏ cho người dân trên địa bàn huyện. Chủ động mua, cấp phát thuốc cho các trạm y tế để cấp cho người dân khi bị bệnh.
Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ bùng phát mạnh, Sở Y tế Quảng Bình yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ. Tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp bị bệnh. Chuẩn bị thuốc, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Các bệnh viện sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Tăng cường công tác kiểm soát lây nhiễm chéo tại bệnh viện.
BS. Nguyễn Việt Phong, Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, CDC Quảng Bình cho biết, đơn vị đang phối hợp giám sát diễn biến bệnh đau mắt đỏ và hỗ trợ tuyến y tế cơ sở triển khai các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh đau mắt đỏ.
Theo BS. Nguyễn Linh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt - Nội tiết tỉnh Quảng Bình, bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan trong cộng đồng và thường gây thành dịch.
Bác sĩ khuyến cáo một số biện pháp để chủ động phòng dịch bệnh đau mắt đỏ như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, không dùng các vật dụng cá nhân chung gồm lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính, gối…, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
Vệ sinh mắt, mũi, miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý và các dung dịch nhỏ mắt thông thường, lau chùi các vật dụng trong gia đình và giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và những người nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Khi nói chuyện, tiếp xúc phải đeo khẩu trang, khi bị đau mắt đỏ không tự ý mua thuốc điều trị, không tự ý dùng những biện pháp của dân gian như xông lá trầu không hoặc đắp nước muối. Phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị nếu bị đau mắt đỏ.