Hội thảo và Triển lãm Công nghệ Y tế 4.0 (MEDTECH 4.0)

21/06/2022 | 17:26 PM

 | 

 

Ngày 20/6/2022, tại Hà Nội, Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp với Hội thiết bị Y tế Việt tổ chức hội thảo và Triển lãm Công nghệ Y tế 4.0 (MEDTECH 4.0).

Với chủ đề “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể và toàn diện, thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số tại bệnh viện,” sự kiện nhằm nâng cao nhận thức và truyền tải thông điệp mạnh mẽ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số bệnh viện.

Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 1.000 lãnh đạo các bệnh viện, các khoa, phòng chuyên môn liên quan, lãnh đạo và cán bộ quản lý về công nghệ thông tin, hơn 1.000 lượt khách tham quan triển lãm Công nghệ Y tế 4.0.

GS. TS Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh báo Vietnamnet

GS. TS Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... đã giúp kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa, vật lý, sinh học giữa thế giới thực và không gian số. 

Riêng trong lĩnh vực y tế, đầu tiên chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ các cơ quan, đơn vị ngành Y. Cách thức lãnh đạo, quản lý công việc trong ngành Y thời gian tới sẽ chính xác, kịp thời và hiệu quả hơn nhờ nền tảng công nghệ số.

Không chỉ vậy, việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế sẽ được chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi

Chuyển đổi số trong ngành Y còn tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ đó hình thành nên người thầy thuốc số. Ngày càng có nhiều giải pháp công nghệ xuất hiện để hỗ trợ cho lĩnh vực y tế.

Trong đại dịch COVID-19, nhờ việc hội chẩn, điều trị online, bệnh nhân là một phi công nước ngoài tưởng không qua khỏi nhưng đã trở lại được cuộc sống bình thường.

“Từ đại dịch COVID-19, chúng ta đã học được cách làm việc online trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ số để chẩn đoán, tư vấn và điều trị từ xa. Nhờ hệ thống Telemedicine này mà các bệnh nhân ở những quần đảo ngoài xa cũng có thể được cấp cứu kịp thời”, GS. TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ.

Theo GS. TS Nguyễn Văn Kính, một trong những thách thức lớn nhất đối với chuyển đổi số ngành Y tế là về vấn đề cơ sở hạ tầng. Hạ tầng tại nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam vẫn còn chưa được hoàn chỉnh để thực hiện ứng dụng các công nghệ số; hệ thống y tế nước ta chia thành nhiều tuyến, mỗi tuyến lại có cơ cấu nhân lực, trang thiết bị khác nhau. Với những thách thức như vậy, việc triển khai công nghệ số trong khám chữa bệnh, cung ứng và liên kết dịch vụ đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của từng đơn vị…

GS. TS Nguyễn Văn Kính cũng đặc biệt nhấn mạnh về sự cần thiết của việc triển khai bệnh án điện tử, ứng dụng CNTT trong dữ liệu phòng lab, dữ liệu chẩn đoán hình ảnh và các dữ liệu khác liên quan đến người bệnh.

Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo. Ảnh báo Vietnamnet

Về các vấn đề trong chuyển đổi số y tế tại Việt Nam giai đoạn 2022-2025, ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) cho biết, chuyển đổi số đã hiện diện trong các bệnh viện tại Việt Nam.

Trước đây, khi bác sĩ muốn khám cho bệnh nhân, người bệnh phải đến cơ sở y tế để bác sĩ trực tiếp “sờ, nhìn, gõ, nghe”, giờ đây, với chuyển đổi số, bác sĩ có thể khám, chẩn đoán cho bệnh nhân từ xa.

“Trong nhiều trường hợp, nếu không dựa vào công nghệ số và việc chẩn đoán từ xa, chắc chắn người bệnh sẽ không thể được cứu khỏi. Đây là ví dụ cho thấy rõ nhất công nghệ số và chuyển đổi số đã giúp biến nhiều điều không thể thành có thể”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT, sắp tới chúng ta sẽ làm sao để xây dựng bệnh viện 3 không “không giấy tờ, không xếp hàng, không thanh toán bằng tiền mặt”.

Việt Nam sẽ đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa để người dân không đến bệnh viện mà vẫn có thể tiếp cận được dịch vụ y tế thông qua công nghệ số. Chủ động chăm sóc sức khỏe người dân chính là định hướng chuyển đổi số ngành Y tế trong giai đoạn tới.

Trong phiên toàn thể, hội thảo tập trung vào các vấn đề nóng trong chuyển đổi số y tế tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025; vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh trong quá trình chuyển đổi số tại các bệnh viện; chia sẻ kinh nghiệm thực tế của một mô hình bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể và toàn diện điển hình tại Việt Nam; thách thức hiện tại và kỳ vọng cho tương lai.

Trong phiên tọa đàm cấp cao với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành đến từ nhiều bệnh viện, tập đoàn công nghệ... sẽ đem lại những thông tin mới nhất và khuyến nghị về giải pháp cho Việt Nam từ góc nhìn đa chiều xoay quanh chủ đề “Chuyển đổi số y tế tại bệnh viện: Từ chính sách đến thực tiễn”.

Tại phiên chuyên đề 1 có chủ đề “Bệnh án điện tử và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt” bao gồm những chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng dụng bệnh án điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cũng như thảo luận về quá trình tích hợp các công cụ tiện ích khác liên quan.

Phiên chuyên đề 2 có chủ đề “Ứng dụng trí tuệ AI trong chẩn đoán hình ảnh” giới thiệu và chia sẻ về các thông tin mới nhất, kết quả bước đầu của nghiên cứu ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam cũng như kỳ vọng về năng lực tự chủ công nghệ lõi của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra triển lãm riển Triển lãm Công nghệ Y tế 4.0 (MEDTECH 4.0) giới thiệu giải pháp công nghệ y tế số mới nhất mở cửa cho khách thăm quan tự do trong cả ngày./.


Thăm dò ý kiến