Hội thảo Thực trạng Việt Nam về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
20/11/2023 | 12:17 PM
|
Chiều ngày 17/11/2023 tại Học viện Quân y, Bộ Y tế phối hợp với Hội hỗ trợ sinh sản Hà Nội tổ chức hội thảo “Thực trạng Việt Nam về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tống Trần Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1998 và đến nay đã có 147.000 trẻ ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, khoảng 400 trẻ ra đời bằng kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hiện toàn quốc có 54 cơ sở được công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (đến 31/12/2022 là 49 cơ sở), 7 bệnh viện được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ bằng mục đích nhân đạo.
Quang cảnh hội thảo.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam, cho rằng, sau 8 năm thực hiện Nghị định 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, cần thiết phải có Nghị định mới thay thế với những quy định thiết thực, hợp lý hơn với sự phát triển của xã hội. GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, những hội thảo như này là thực sự cần thiết bởi chúng ta đang sống trong một xã hội làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Làm theo Luật, quy định có thể gặp những khó khăn trong thủ tục hành chính nhưng cũng nhờ đó, chúng ta có cơ sở làm những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ thuận lợi hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên, vẫn cần có những quy định rõ ràng, linh hoạt hơn trong Nghị định thay thế Nghị định 10/2015/NĐ-CP, tạo điều kiện cho những gia đình đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý, quy định trong việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ có cơ hội đón những đứa con của mình…
Tại hội thảo, Đại tá PGS.TS Trịnh Thế Sơn, Giám đốc Viện mô phôi lâm sàng Quân đội (Học viện Quân y) nhất trí với phần dự thảo của Nghị định thay thế Nghị định 10/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo ý kiến của Đại tá Trịnh Thế Sơn, cần xem xét và quy định chặt chẽ hơn trong việc vận chuyển phôi qua các đơn vị bảo quản phôi để kiểm soát chặt chẽ, tránh những rủi ro như thất lạc, nhầm lẫn phôi… Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm các trung tâm hỗ trợ sinh sản nếu bị giải thể thì phải có trách nhiệm chuyển phôi, tinh trùng, noãn… an toàn đến những trung tâm, cơ sở được Bộ Y tế cấp phép...
Theo đại diện Bệnh viện 16A, một trong 7 đơn vị được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì hiện tại Nghị định 10/2015/NĐ-CP còn vướng quá nhiều thủ tục. Do đó, ông đề nghị Nghị định mới cần quy định các thủ tục cần đơn giản hơn để tạo điều kiện cho những người thực sự mong muốn có con dễ dàng hơn trong tìm người mang thai hộ. Không để những đối tượng xấu lợi dụng tâm lý khao khát có con của nhiều cặp vợ chồng để làm “chui”, kiếm tiền bất hợp pháp…
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến tâm huyết để xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 10/2015/NĐ-CP để tạo điều kiện cho những người mong muốn có con có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ nhờ những kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu./.
Tin liên quan
- Tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam đổi mới, sáng tạo trong thời kỷ nguyên số
- Người phụ nữ 3 lần sinh mổ, có rối loạn kinh nguyệt vẫn không biết mình mang thai
- Phú Yên: Ra Nghị quyết giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập
- Gia đình xin về, bác sĩ quyết tâm cứu bệnh nhi mắc khối u tuyến tùng nguy hiểm
- Trẻ hóc dị vật đường thở, bác sĩ chỉ ra sai lầm trong sơ cứu
- Ngành Y tế Hà Nội tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sởi
- Giun dài 14 cm sống trong mắt nhiều ngày