Học sinh, sinh viên bị sốt xuất huyết, đi khám, xét nghiệm có được BHYT thanh toán không?
02/10/2023 | 12:54 PM
|
Tham gia BHYT, người dân nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Khi không may bị ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, học sinh, sinh viên sẽ được Quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí điều trị...
Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên thế nào?
Thông tin tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "BHYT học sinh, sinh viên đồng hành cùng năm học mới" 2023-2024 do BHXH TP Hà Nội vừa tổ chức, ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết, chính sách BHYT cho người dân nói chung, trong đó có nhóm đối tượng HSSV, là quy định bắt buộc trong Luật BHYT. Đây cũng là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta.
"Tham gia BHYT, người dân nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Khi không may bị ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, học sinh, sinh viên sẽ được Quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí điều trị. Điều này giúp bệnh nhân có cơ hội hồi phục sức khỏe, tiếp tục chặng đường học tập. Việc thực hiện tốt chính sách BHYT không chỉ bảo đảm cho học sinh, sinh viên được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm rủi ro khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo"- ông Vũ Đức Thuật nói.
Các chuyên gia tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "BHYT học sinh, sinh viên đồng hành cùng năm học mới" 2023-2024
Thời gian qua, BHXH TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng qua các năm học, năm 2020-1021 là 97,91%, năm 2021-2022 là 98,35%. Trong năm 2022-2023, toàn thành phố có 2,23 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 98,84%. Trong đó, nhiều quận, huyện đạt tỷ lệ bao phủ rất cao, chênh lệch giữa các địa bàn cũng không quá lớn.
Về mức đóng BHYT hằng tháng với nhóm học sinh, sinh viên, đại diện BHXH TP Hà Nội thông tin: Mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 30%; học sinh, sinh viên tự đóng 70%). Do mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng từ tháng 7/2023, nên mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên cũng tăng lên tương ứng, nhưng không đáng kể.
Cụ thể, mức đóng BHYT của học sinh năm học 2023-2024 như sau: Mức đóng bằng 4,5% x 1.800.000 đồng x 12 tháng = 972.000 đồng/người/năm. Trong đó, số tiền được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng là: 291.400 đồng/người/năm; số tiền học sinh, sinh viên thực đóng là 680.400 đồng/người/năm.
Quyền lợi khám chữa bệnh của học sinh sinh viên khi tham gia BHYT thế nào?
Liên quan đến quyền lợi của học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT, đại diện BHXH TP Hà Nội cho biết, học sinh sinh viên khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng quy định thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng.
Trên thực tế, không ít học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng/người/năm.
Thứ nhất, khi học sinh đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT:
Trường hợp khám chữa bệnh BHYT đúng nơi đăng ký ban đầu và thực hiện đầy đủ thủ tục đối với HSSV có thẻ BHYT mã quyền lợi là 4 thì được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh.
Trường hợp BHYT không đúng tuyến: Người bệnh không có giấy chuyển tuyến nhưng xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT, được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ theo quy định như sau:
Tuyến chuyên môn kỹ thuật | Loại hình khám chữa bệnh | Tỷ lệ hưởng (chi phí khám chữa bệnh) |
Bệnh viện tuyến huyện | Ngoại trú, Nội trú | 100% |
Bệnh viện tuyến tỉnh | Nội trú | 100% |
Bệnh viện tuyến Trung ương | Nội trú | 40% |
Trường hợp khám chữa bệnh BHYT không xuất trình đầy đủ thủ tục tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các trường hợp:
+ Khám chữa bệnh ngoại trú, được hưởng mức tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở (tương ứng 270.000 đồng).
+ Khám chữa bệnh nội trú, được hưởng mức tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở (tương ứng 900.000 đồng).
Thứ hai, khi học sinh sinh viên đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT:
Được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các trường hợp:
Khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện được hưởng tối đa 0,15 lần mức lương cơ sở (tương ứng 270.000 đồng).
Khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến huyện được hưởng tối đa 0,5 lần mức lương cơ sở (tương ứng 900.000 đồng).
Khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng tối đa 1 lần mức lương cơ sở (tương ứng 1.800.000 đồng).
Khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến Trung ương được hưởng tối đa 2,5 lần mức lương cơ sở (tương ứng 4.500.000 đồng).
8 tháng đầu năm 2023, cả nước có trên 5 triệu lượt học sinh sinh viên đi khám chữa bệnh BHYT.
Thứ ba, các trường hợp đặc biệt khác được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp theo phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT:
Trong các trường hợp, cụ thể:
Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ BHYT.
Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
Người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Trường hợp cấp cứu tại cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.
Thứ tư, trường hợp cấp cứu: Học sinh sinh viên được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.
Cũng liên quan đến quyền lợi của học sinh sinh viên khi tham gia BHYT, tại chương trình giao lưu có nhiều câu hỏi về việc hiện nay 'một số học sinh, sinh viên bị sốt xuất huyết, nếu đi khám, xét nghiệm có được thanh toán theo BHYT không?', đại diện BHXH TP Hà Nội cho biết: bệnh nhân được thanh toán theo chế độ BHYT xét nghiệm cúm, sốt xuất huyết khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng quy định (khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào) và được bác sỹ chỉ định theo yêu cầu chuyên môn. Mức hưởng sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hay các cơ sở khám chữa bệnh khác.
Không được hưởng chi phí xét nghiệm khi: Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, trung ương nhưng khám chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa hoặc khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện lấy, ghép gan
- Huế ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi, bác sĩ đưa ra khuyến cáo
- Bỗng dưng bị liệt sau mũi tiêm chữa đau vai gáy
- Thầy thuốc và bệnh nhân quây quần bên mâm cơm tất niên ấm cúng
- Bệnh mô liên kết hiếm gặp nhưng dễ biến chứng nguy hiểm
- Bôi dầu nóng chữa gãy xương, người đàn ông bị nhiễm trùng da
- Nhật Bản thông báo số ca mắc cúm cao kỷ lục kể từ năm 1999