Chuyên gia chỉ cách phát hiện trẻ mắc viêm phổi sớm nhất tại nhà
03/11/2022 | 08:35 AM
|
Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ đặc biệt là trong thời gian giao mùa. Nếu phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời trẻ có thể gặp các biến chứng như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, áp xe phổi... thậm chí tử vong.
Theo thống kê của WHO, mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 150 triệu trẻ bị viêm phổi, trong đó có tới 11 triệu trẻ phải nhập viện điều trị. Riêng Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.9 triệu trẻ mắc viêm phổi. Việt Nam cũng là một trong 15 quốc gia có lượng trẻ mắc viêm phổi nhiều nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 4.000 trẻ em Việt Nam tử vong do viêm phổi, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Hiện nay, TP.HCM đang vào thời gian chuyển mùa, số trẻ mắc các bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi ngày càng tăng cao. Đặc biệt, theo thống kê từ các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn Thành phố, số bệnh nhân mắc viêm phổi chiếm hơn 50% trên tổng số ca bệnh nhi tới thăm khám và điều trị trong 2 tháng gần đây. Trong đó, có rất nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng do phụ huynh chủ quan hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý có các triệu chứng điển hình với viêm phổi nên cho trẻ nhập viện muộn.
TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ: "Từ tháng 8 tới nay trẻ em mắc bệnh đường hô hấp đến khám tăng mạnh. Thời gian đỉnh dịch, số bệnh nhân điều trị nội trú đã tăng gấp đôi so với số giường bệnh mà bệnh viện có. Tới thời điểm hiện nay, số lượng bệnh nhân đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức cao nên phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Dự đoán, dịch sẽ giảm xuống khi bước sang tháng 11".
Mỗi năm có khoảng 4.000 trẻ em Việt Nam tử vong do viêm phổi, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. (Ảnh: P.T)
Hiện nay vẫn còn rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn viêm phổi với các bệnh khác như cúm, viêm phế quản... dẫn tới tình trạng trẻ nhập viện muộn, trong tình trạng nặng. Theo Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, việc phát hiện trẻ bị viêm phổi sớm rất quan trọng, nếu trẻ được phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng có thể khiến trẻ gặp các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, áp xe phổi... thậm chí tử vong.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ, phụ huynh có thể phát hiện trẻ bị viêm phổi sớm nhất bằng cách quan sát và tính nhịp thở của trẻ. Thở nhanh, thở bất thường được coi là triệu chứng đầu tiên cảnh báo viêm phổi ở trẻ. Thở nhanh còn xuất hiện sớm hơn cả các dấu hiệu mà các bác sĩ có thể phát hiện bằng ống nghe hay chụp X-quang phổi.
Theo đó, phụ huynh chỉ cần 1 chiếc đồng hồ có kim giây đã có thể phát hiện được dấu hiệu thở nhanh của trẻ. Tốc độ thở được coi là nhanh bất thường ở trẻ sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng độ tuổi của trẻ. Trẻ dưới 2 tháng tuổi được coi là có nhịp thở nhanh khi đạt 60 lần/ phút; trẻ từ 2-12 tháng nhịp thở nhanh khi đạt 50 lần/ phút; trẻ từ 1-5 tuổi là 40 lần/ phút; trẻ trên 5 tuổi là 30 lần/ phút.
Khi trẻ thở nhanh đồng nghĩa với việc trẻ bắt đầu bị viêm phổi. Vậy nên, ngay khi trẻ có biểu hiện thở nhanh phụ huynh cũng cần nghĩ ngay tới trường hợp bé bị viêm phổi.
Đặc biệt, các bệnh về hô hấp thường có biểu hiện là ho, nhưng mức độ nặng nhẹ của bệnh không liên quan tới ho ít hay nhiều. Để nhận biết được mức độ viêm phổi của trẻ nặng hay nhẹ, đã cần thiết nhập viện hay chưa thì phụ huynh hãy cho trẻ nằm yên trên giường hoặc trên tay ba mẹ sau đó quan sát lồng ngực và bụng của trẻ khi bé thở. Nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, thở co lõm lồng ngực khi hít thở thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời vì đây là dấu hiệu cảnh báo trẻ đã bị viêm phổi nặng.
Đồng thời, trẻ bị viêm phổi nặng cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, khò khè, trẻ không thể uống được thuốc, ăn uống kém, nôn ói, các triệu chứng bệnh không thuyên giảm khi điều trị ngoại trú...
Phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới các đối tượng như trẻ nhũ nhi, trẻ có bệnh nền, các bệnh lý bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch... Những đối tượng này khi mắc viêm phổi tỷ lệ trở nặng rất cao, dễ gặp phải các biến chứng nặng, thậm chí tỷ lệ tử vong cũng cao hơn so với các đối tượng khác.
Nếu như trẻ được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời thì việc điều trị sẽ rất thuận lợi, ít ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và chi phí thấp. Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ khuyên rằng, phụ huynh nên cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ, vệ sinh mũi miệng cho trẻ sạch sẽ, đồng thời cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa và đồ chơi của bé, người chăm trẻ cần vệ sinh sạch sẽ trước khi chăm bé, hạn chế cho trẻ tới những nơi đông người...
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Người phụ nữ hôn mê sâu tiên lượng xấu, vì uống thuốc bột chữa bệnh dạ dày
- Một người Tày hiến tạng ‘hồi sinh’ 4 cuộc đời
- Từ 1/1/2025, người mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo lên thẳng bệnh viện tuyến trên, BHYT vẫn thanh toán 100%
- Chứng chỉ đào tạo chuyên khoa có dùng để điều chỉnh phạm vi hành nghề?
- Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức nhân dân phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
- Gần 400 y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025