Chú trọng công tác vận động hiến và ghép mô, tạng

16/11/2024 | 07:52 AM

 | 

Trong 28 ca hiến tạng chết não có 26 ca tại 10 tỉnh, thành phố ở phía bắc, 2 ca tại TP Hồ Chí Minh, còn 52 tỉnh trên toàn quốc không có ca nào hiến mô, tạng chết não. Đây là khoảng trống đòi hỏi công tác vận động hiến mô, tạng phải được đẩy mạnh trên toàn quốc, đặc biệt tăng cường các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện tham gia vào công tác vận động.

PGS, TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia phát biểu.

Chiều 15/11, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia và Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh tổ chức chương trình Tập huấn về hiến mô, tạng từ người chết não.

Chú trọng phát triển vận động hiến và ghép tạng

PGS, TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 28 ca chết não hiến mô, tạng, tăng gấp đôi so với năm 2023. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.

Song so với thế giới, con số này còn quá ít ỏi. Trong khi các nước, hiến tạng từ người cho chết não là chủ yếu, thì ở Việt Nam, nguồn tạng hiến vẫn là từ người cho sống.

Thạc sĩ Phạm Thị Đào, Phụ trách Phòng tư vấn điều phối ghép tạng, Trung tâm Điều phối tạng quốc gia cho biết, Quảng Ninh nằm trong top 10 tỉnh có người chết não hiến tạng nhiều của cả nước. Đến nay, đã có 4 ca chết não là người Quảng Ninh hiến tạng.

Sự kiện “Lần đầu tiên lấy đa tạng từ người cho chết não tại bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí” diễn ra đầu tháng 4/2024, tại Quảng Ninh đã hồi sinh nhiều sự sống đánh dấu đậm nét về bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên lấy đa tạng thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh.

Đây là kết quả trong trong việc đào tạo, tập huấn của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cùng với chiến lược phát triển của ngành y tế tỉnh Quảng Ninh, nỗ lực tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tư vấn, vận động hiến tặng mô tạng sau chết kết hợp với khám chữa bệnh, phát triển song song y tế chuyên sâu và y tế cơ sở.

Với lộ trình và nền tảng phát triển y tế chuyên sâu nhiều năm, ngành y tế đã tạo tiền đề về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho lộ trình triển khai kỹ thuật Ghép tạng và tư vấn vận động hiến tặng mô, tạng tại Quảng Ninh.

Từ năm 2022 đến nay, Sở Y tế Quảng Ninh đã giao 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ trì phối hợp với Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Bãi Cháy xây dựng Đề án triển khai hoạt động hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người, từng bước trở thành hoạt động thường quy của đơn vị.

Trên cơ sở căn cứ pháp lý, định hướng phát triển kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng của ngành Y tế cả nước và của tỉnh Quảng Ninh, để bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, Sở Y tế đã báo cáo UBND tỉnh phê duyệt “Đề án Ghép thận từ người hiến sống và người hiến chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh” tiến tới triển khai thành lập Trung tâm Ghép mô, bộ phận cơ thể người tỉnh Quảng Ninh (lồng ghép vào Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cơ sở 2 tại thành phố Hạ Long).

Ngày 17/5/2024, Chi hội Hội vận động hiến mô bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh được thành lập đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác tư vấn vận động hiến tạng tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, góp phần xây dựng và mở rộng mạng lưới hiến tạng trên toàn quốc mà Bộ Y tế; Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã và đang nỗ lực xây dựng.

Sau khi thành lập Chi hội, trong thời gian từ ngày 28/5 đến ngày 31/5/2024, Chi hội Hội vận động hiến mô bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh đã tổ chức phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô tạng tại 33 đơn vị tổ chức hoàn thành Lễ phát động hưởng ứng Đăng ký hiến mô, tạng cứu người tại đơn vị. Từ đó, đưa tổng số người đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người trong ngành y tế Quảng Ninh lên 1.650 người.

Bên cạnh đó, Sở Y tế còn chỉ đạo các đơn vị mở chuyên mục hiến, tặng mô, tạng; tạo đường dẫn và banner liên kết đến chuyên mục hiến, tặng mô, tạng của Sở Y tế trên các Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và phối hợp với các cơ quan truyền thông tỉnh, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người dân trên địa bàn biết và tham gia.

Xây dựng hướng tiếp cận Vận chuyển cấp cứu trong quá trình tư vấn hiến tạng

Là lực lượng y tế đầu tiên có mặt tại hiện trường để cấp cứu tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 tỉnh Quảng Ninh không ngừng nỗ lực phấn đấu, chuyển mình, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh nhất, tốt nhất và an toàn nhất cho người dân cần hỗ trợ y tế khẩn cấp, cơ động, hiện đại và hiệu quả.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại chương trình.

Bình quân mỗi ngày, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Quảng Ninh tiếp nhận từ 150-200 cuộc gọi đến tổng đài 115, điều phối trực tiếp và kịp thời vận chuyển cấp cứu cho khoảng 10 chuyến/ngày trên địa bàn. Tổng đài 115 với 15 máy điện thoại luôn đảm bảo thông suốt, thường trực 24/24, tiếp nhận và xử lý tất cả các thông tin cấp cứu trong tỉnh.

Nắm bắt được vai trò quan trọng của việc tiếp cận bệnh nhân cấp cứu 115 trong vai trò vận chuyển bệnh nhân, người được tiếp cận bệnh nhân nặng đầu tiên trong quá trình vận chuyển tới viện, đây cũng được xem là nhóm bệnh nhân có nguy cơ chết não tiềm năng lớn.

Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tiếp tục phối hợp với Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đào tạo nâng cao kiến thức cho đội ngũ y tế vận chuyển cấp cứu về hiến tặng mô tạng sau chết. Các bài giảng tập trung vào vài trò của nhân viên 115 về hiến mô, tạng từ người chết; chẩn đoán và hồi sức chết não; tư vấn gia đình người chết não tiềm năng hiến tặng mô, tạng...

Phát biểu tại khóa tập huấn, PGS, TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ, khóa đào tạo, tập huấn dành cho nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân 115 là khóa đào tạo đầu tiên được thí điểm tại Quảng Ninh, vì hệ thống 115 nơi đây hoàn chỉnh. Ở các nước trên thế giới rất thành công từ mô hình này, hy vọng từ điểm mẫu của Quảng Ninh sẽ thành công và được nhân rộng trên các tỉnh, thành phố trên cả nước...

Có mặt tại lớp tập huấn, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: "Không có hiến tạng sẽ không có ghép tạng. Trong thời gian tới ngành Y tế Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng sau chết. Tập trung phát triển hệ thống ghép để trên bản đồ ghép tạng Việt Nam sẽ được mở rộng tới Quảng Ninh để mang lại sự sống cho người bệnh...".

Với những nỗ lực không ngừng của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Sở Y tế Quảng Ninh cùng các bệnh viện trực thuộc đang từng bước mở hướng đi mới phù hợp với thực tế, phát triển nguồn hiến mô tạng tiềm năng để tìm lại hy vọng kéo dài sự sống cho các bệnh nhân suy mô, tạng khác.

Nguồn: nhandan.vn

 


Thăm dò ý kiến