Cảnh giác ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể

16/11/2023 | 09:34 AM

 | 

Thời gian qua, tại một số địa phương vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở trường học... Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số này, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

 

Ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Mới đây khi ăn cơm trưa tại trường và bữa phụ buổi chiều, nhiều trẻ tại trường Mầm non xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn có triệu chứng đau bụng, buồn nôn,... có 3 trường hợp phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm. Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm. Sau gần 2 ngày, sức khỏe của trẻ đã ổn định.

Ngay sau đó, đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về làm việc tại trường Mầm non xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, có 10/17 trẻ đã ổn định sức khỏe, đến lớp bình thường; 4 trẻ còn lại có triệu chứng tương tự được theo dõi ở nhà. Đoàn đã lấy mẫu thức ăn về và chuyển sang CDC để xét nghiệm, qua đó tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Cảnh giác ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể- Ảnh 1.

Kiểm tra bếp ăn tập thể tại Hà Nội.

Trước đó, cuối tháng 9/2023, gần 30 học sinh lớp 4A1 trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) có biểu hiệu nôn ói, đau bụng, tiêu chảy phải vào viện cấp cứu sau khi liên hoan Trung thu do phụ huynh tổ chức tại lớp học. Các em được cấp cứu tại TTYT huyện Tiền Hải, Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải (Thái Bình) với biển hiện nghi ngộ độc thực phẩm.

Vụ việc xảy ra vào trưa 28/9, phụ huynh học sinh lớp 4A1 trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải tổ chức tiệc liên hoan Trung thu cho 37 học sinh trong lớp. Thực phẩm sử dụng trong bữa liên hoan gồm bánh bông lan trứng muối cùng một số đồ ăn khác. Trong bữa liên hoan này, 28 học sinh ăn bánh bông lan trứng muối và 9 học sinh không ăn. Đến chiều cùng ngày, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt.

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cho biết ngộ độc thực phẩm ở các nhà bếp tập thể cũng như bếp bán trú trường học có thể xảy ra bất cứ lúc nào và là nỗi lo của bất cứ gia đình nào có con em đi học ăn bán trú. Vì vậy, nhiều gia đình vẫn lo lắng không đăng ký cho trẻ ăn tại trường.

Chuyên gia này nhận định để tránh mất an toàn thực phẩm ở trường học, cơ sở giáo dục cần đảm bảo các quy định của Bộ Y tế như thực phẩm nhập vào bếp nấu phải có giấy kiểm định, đảm bảo tươi. Khu vực bếp ăn phải đặt ở vị trí cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh. Môi trường bếp phải đảm bảo sạch sẽ, có các khu riêng biệt như rửa, sơ chế, khu nấu, vị trí để thức ăn chín.

Dụng cụ chế biến như nồi, chảo, dao, thớt phải rửa thật sạch sẽ, không dùng chung dụng cụ cho đồ ăn sống và đồ ăn chín. Lưu ý, nên cho học sinh ăn ngay sau khi thực phẩm nấu nướng xong, tránh mang đi xa dễ dẫn đến tình trạng nhiễm vi khuẩn

Tập trung tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10 cả nước xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 261 người bị ngộ độc (6 người tử vong). Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số này, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, Bộ Y tế đã từng ban hành Công văn số 787/BYT-ATTP đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung triển khai tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.

Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với từng đối tượng (công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, nhân viên nhà trường...), chú ý về vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

Cảnh giác ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể- Ảnh 2.

Cơ quan chức năng thăm hỏi động viên các nạn nhân của một vụ nghi ngộ độc thực phẩm.

Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, đặc biệt là Ban quản lý các khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường, Lãnh đạo các cơ sở y tế để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng; biểu dương các cơ sở bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Huy động sự tham gia, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, công đoàn trong khu công nghiệp/khu chế xuất, các cơ sở y tế, ban đại diện cha mẹ học sinh, đoàn thanh niên tại nhà trường, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu nghiệp/khu chế xuất, các bệnh viện, trường học...

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến