Bên trong bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang

07/06/2021 | 08:13 AM

 | 

Phóng viên Sức khỏe & Đời sống gửi đến bạn đọc những bức ảnh cận cảnh bên trong bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang, một trong những địa chỉ mà trái tim cả nước đang hướng về.

Anh phải đi rồi, đất nước đang vẫy gọi /Đồng đội anh, họ cũng đang mệt rồi / Nơi anh đến không một tiếng súng/ Chẳng đạn, chẳng bom mà nguy hiểm muôn trùng/ Địch trong tối, ta ở ngoài ánh sáng/ Biết làm sao khi nó tàng hình/... Khoác trên mình trên vai hai màu áo/ Chiến trường nào mình cũng phải xông pha

Đó là những dòng trong bài thơ Ngày nắng lên anh sẽ quay về của bác sĩ Nguyễn Bá Tùng. Bài thơ này anh gửi cho vợ trước ngày lên đường đến bệnh viện dã chiến số 2 - Bắc Giang

Được đọc những câu thơ, lặng ngắm những bức ảnh của các bác sĩ từ tâm dịch gửi về và lắng nghe những tâm sự của họ về nỗi nhớ nhà, về tinh thần quyết chiến thắng đại dịch, chúng tôi thấu hiểu hơn nỗi vất vả, sự hy sinh của những chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch.

Hiện đang làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang, bác sĩ Nguyễn Bá Tùng tâm sự: “Mình thấy vinh dự và tự hào khi là một trong số 165 cán bộ y bác sĩ của bệnh viện 198 và bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an có mặt tại đây để chung sức chống lại đại dịch COVID-19. Mỗi khi bước chân qua cánh cửa vào phòng bệnh nhân cũng là lúc mình hiểu rằng sẽ đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bất kỳ lúc nào. Thế nhưng tâm lý lo lắng chỉ thoáng qua trong những phút đầu tiên thôi, bởi mình biết không chỉ có mình mà còn rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và cả người dân nữa, tất cả đều đang cố gắng, nỗ lực từng giờ, chạy đua với thời gian để đẩy lùi dịch bệnh”.

                 Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân gọi điện động viên con nhỏ ở nhà đi ngủ sớm.

Là một trong số những điều dưỡng viên trẻ nhất được tăng cường cho bệnh viện dã chiến số 2, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân lạc quan: “Với chúng em mệt mỏi chỉ là cảm giác thôi, chúng em vẫn còn đủ sức để thắng dịch nhà báo ạ”. Khi được hỏi về gia đình thì giọng nói của chị từ bên kia đầu dây điện thoại như chùng xuống: “Bọn em phải  xa gia đình nhưng vẫn còn đang khỏe mạnh, có công việc để làm, có đồng nghiệp để giao tiếp. Còn bệnh nhân, họ vừa có bệnh, lại không có người thân bên cạnh, buồn lắm”

Bữa ăn vội trước khi vào ca làm việc

 Dù không nói về những khó khăn thế nhưng qua những bức ảnh của các bác sĩ từ tâm dịch gửi về, chúng tôi hiểu rằng khi khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ y tế, không ít lần những chiến binh áo trắng mệt lả, kiệt sức và ngất đi… Bao nhiêu giọt mồ hôi đã rơi, bao nhiêu nhọc nhằn cứ trôi theo mỗi ngày, những giấc ngủ tạm bợ chắc chắn không bao giờ thiếu ở nơi này. Tất cả hình ảnh đó là những hy sinh thầm lặng không một ngôn từ nào diễn tả hết!

                                           Nhớ gia đình gọi điện về cho người thân

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến