6 điều nên làm để phòng bệnh mùa thu - thời điểm dễ ốm trong năm
02/10/2023 | 12:59 PM
|
Mùa thu được coi là mùa đẹp nhất, tuy nhiên với nhiều người, sức khỏe lúc giao mùa từ hạ sang thu lại là lúc cơ thể dễ mắc bệnh nhất. Nên chủ động phòng bệnh mùa thu, tăng cường đề kháng để sức khỏe được nâng cao.
1.Thời tiết thuận lợi cho vi sinh vật phát triển vì vậy cần phòng bệnh mùa thu
Mỗi khi chuyển mùa, nhiều người dễ bị nghẹt mũi, ngứa hoặc đau họng, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, chất nhầy chảy từ mũi xuống cổ họng, sốt cao, đau nhức cơ bắp, mỏi khớp…
Có thể có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển và khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm là hai lý do quan trọng.
Theo Ths.BS Hà Hùng – BV Lão khoa Trung ương, mặc dù thời tiết mùa thu được coi là giai đoạn dễ chịu nhất trong năm nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người cao tuổi và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu.
Trong đó phổ biến là các nhóm bệnh như sốt và cảm lạnh, cảm cúm; bệnh tim mạch gia tăng do cơ thể thay đổi để thích ứng với thời tiết thay đổi đột ngột làm quá tải hệ thống tim mạch; nhóm các bệnh đường hô hấp dễ bùng phát; đau nhức xương khớp và bệnh dị ứng cũng rất dễ mắc.
Đặc biệt sự gia tăng virus và chất gây dị ứng trong không khí gây nhiều phiền toái, khó chịu và cả sự sa sút về sức khỏe.
Thời tiết chuyển từ mùa hè sang mùa thu là yếu tố thuận lợi cho virus phát triển.
Bị ho hoặc cúm khi thay đổi theo mùa thường là do sự thay đổi nhiệt độ tạo điều kiện cho virus phát triển. Ví dụ, rhinovirus và coronavirus là hai loại virus chính gây cảm lạnh thông thường. Những loại virus này nhân lên nhanh chóng khi chuyển mùa, do đó làm tăng số người bị cảm lạnh thông thường và sốt theo mùa. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính gây bệnh không phải do sự thay đổi nhiệt độ mà là sự phát triển của một số loại virus trong thời gian này. Điều này xảy ra chủ yếu khi mùa hè chuyển sang thu hoặc từ thu sang đông…
2. Các cách chủ động phòng bệnh mùa thu
Theo ThS.BSCKII Hà Phan Thắng, có một số yếu tố khác nhau có thể khiến nhiều người dễ bị ốm khi chuyển mùa. Do đó, để phòng bệnh mùa thu và các bệnh giao mùa khác, nên thực hiện các thói quen tốt trong lối sống giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh theo mùa.
- Uống nhiều nước: Giữ nước cho cơ thể trong hầu hết các thời điểm là rất quan trọng, nhất là khi không khí khô hơn. Việc hydrat hóa sẽ giúp ích về lâu dài vì uống đủ nước giúp loại bỏ các độc tố, loại bỏ chất nhầy ra khỏi cơ thể và giữ ẩm cho đường mũi, cổ họng, tạo ít cơ hội cho vi khuẩn bám vào.
Luôn uống đủ nước nhất là khi thời tiết hanh khô.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp cải thiện lưu thông máu và giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, giúp chống lại virus và giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh khi thời tiết chuyển mùa.
- Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi cân bằng: Kết hợp trái cây và rau quả tươi trong bữa ăn, bổ sung lượng vitamin và khoáng chất lý tưởng, sau đó ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi sức khỏe, giúp cơ thể luôn trong tình trạng ổn định và tạo sức mạnh chống lại bệnh tật. Tăng cường ăn thực phẩm giàu vitamin C. Một số thực phẩm giàu vitamin C bao gồm ổi, ớt ngọt đỏ, cam và nước ép bưởi. Tiêu thụ thực phẩm giàu kẽm để chống nhiễm trùng.
- Thực hành vệ sinh đúng cách: Đại dịch toàn cầu đã dạy chúng ta tầm quan trọng của việc vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào các bề mặt như tay nắm cửa hoặc công tắc, che mặt khi ho hoặc hắt hơi… Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tiềm ẩn cho bản thân cũng như những người xung quanh.
Nên sử dụng khẩu trang như một biện pháp phòng ngừa hữu ích để giữ ấm, giữ sạch vùng mũi để tránh nhiễm virus và nâng cao khả năng phòng vệ miễn dịch. Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hạn chế chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng cũng là cách để ngăn vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể một cách hiệu quả.
- Tiêm phòng: Khi chuyển từ mùa này sang mùa khác, virus liên tục thay đổi và thường không rõ nguồn gốc, tốt nhất nên tiêm phòng cúm để phòng ngừa.
- Chẩn đoán kịp thời: Hầu hết các bệnh gây viêm đều có thể dẫn đến sốt. Điều quan trọng là phải gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị phù hợp. Hàng năm, với những thay đổi theo mùa xảy ra ở các vùng miền thường khác nhau sẽ làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh, ví dụ ở thời điểm này người dân miền Bắc đang bị ảnh hưởng do sốt xuất huyết gia tăng.
Ngoài ra, hãy ngủ đủ 8 tiếng, ở trong nhà khi bị ốm, tham khảo ý kiến bác sĩ khi dị ứng kéo dài… là một số biện pháp có thể giúp mọi người tăng sức miễn dịch, giảm nguy có mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa.
3. Dinh dưỡng tốt giúp phòng bệnh mùa thu như thế nào?
Mùa thu là mùa của nhiều loại rau củ và trái cây hoàn hảo, thơm ngon có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt, chế độ ăn nhiều rau, trái cây cùng với protein, ngũ cốc và các loại đậu sẽ hỗ trợ một trái tim khỏe mạnh. Với việc chọn các thực phẩm theo mùa, bạn sẽ tăng cường lợi ích sức khỏe bản thân vì tận dụng được nhiều dinh dưỡng từ thực phẩm.
Táo là loại quả rất tốt cho sức khỏe.
Các loại rau củ quả dưới đây rất tốt trong việc giúp tăng cường sức khỏe phòng bệnh mùa thu:
- Táo: Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một quả táo cỡ trung bình có gần 4,8 g chất xơ. Nên để nguyên vỏ táo vì chứa rất nhiều chất xơ cũng như polyphenol được gọi là flavonoid (hợp chất có lợi), vỏ táo còn cung cấp rất nhiều vitamin C (mỗi quả táo cỡ vừa có tới 9,2 mg). Táo còn được chứng minh là có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đái tháo đường type 2 cùng với việc phục hồi tổn thương phổi do hút thuốc - theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hô hấp Châu Âu năm 2017.
- Lê: Một quả lê cỡ trung bình có 5,5 g chất xơ và chỉ chứa 101 calo. Theo USDA, bạn cũng sẽ nhận được gần 8 mg vitamin C và 206 mg kali trong một quả lê cỡ trung bình. Kali rất quan trọng để giúp các tế bào hoạt động tốt, điều hòa tim và giữ cho cơ bắp cũng như dây thần kinh hoạt động bình thường.
- Quả nam việt quất: Nửa cốc quả nam việt quất cắt nhỏ chứa khoảng 2 g chất xơ, khoảng 7,5 mg vitamin C. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những con số này làm cho quả nam việt quất trở thành một loại thực phẩm tốt cho tim, có thể cải thiện huyết áp và cholesterol. Ngoài ra, anthocyanin tạo nên màu đặc trưng cho những loại trái cây nhỏ màu đỏ này có thể làm giảm căng thẳng oxy hóa.
Khoai lang chứa nhiều vitamin A và C.
- Khoai lang: Khoai lang chứa nhiều vitamin A và C giúp tăng cường miễn dịch. Khoai lang chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ, vitamin A và vitamin C. Trên thực tế, một củ khoai lang cỡ vừa chứa 3,6 g chất xơ; 1.150 mcg vitamin A; 18,2 mg vitamin C.
- Súp lơ xanh: Bông cải xanh chứa sulforaphane, một hợp chất có thể bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Một chén bông cải xanh cắt nhỏ cung cấp 2,3 g chất xơ; 78,5 mg vitamin C và 92,8 mcg vitamin K.
- Bí ngô: Bí ngô rất giàu beta carotene được chuyển hóa thành vitamin A, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho cơ thể. Theo USDA, một cốc bí ngô sống cắt khối cung cấp 3.600 mcg beta- carotene. Bạn cũng sẽ nhận được tổng cộng 494 mcg vitamin A mỗi cốc. Bí ngô cũng cung cấp 10,4 mg vitamin C mỗi cốc, 7,1 g chất xơ...
- Tỏi tây: Tỏi tây là thực phẩm chống viêm giúp chống lại bệnh tật. Tỏi tây là một loại thực phẩm mùa thu bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe nhờ có hàm lượng flavonoid cao, đặc biệt là kaempferol, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tim. Theo USDA, 1 cốc tỏi tây cung cấp khoảng 1,6 g chất xơ và chỉ 54 calo. Theo Hiệp hội Đo thị lực Hoa Kỳ, bạn cũng sẽ nhận được khoảng 1.690 mcg lutein và zeaxanthin khiến tỏi tây trở thành nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa này có thể giúp ngăn ngừa bệnh về mắt, bao gồm đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bệnh nhân suy gan cấp hồi phục kỳ diệu sau 5 tháng điều trị, chưa cần ghép gan
- Thuốc kháng virus thế hệ mới mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch HIV/AIDS
- New Zealand ngừng xuất khẩu gia cầm sau khi phát hiện gà nhiễm cúm H7N6
- Cụ ông 86 tuổi để lại di nguyện hiến mô tạng hồi sinh sự sống cho bệnh nhân khác
- WHO: Tử vong do nhiễm HIV/AIDS tăng vọt ở Tây Thái Bình Dương
- Diễn biến mới về bệnh bạch hầu ở Cao Bằng
- Khuyến khích người dân tham gia phòng, chống ngộ độc thực phẩm