Nhớ mãi một người thầy, người anh - GS.BS. Nguyễn Văn Thủ
26/06/2014 | 08:00 AM
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Văn Thủ(1915 - 1984), một nhà trí thức yêu nước, tấm gương sáng của ngành y tế Việt Nam và là Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt đầu tiên của Việt Nam.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ sinh ngày 27/2/1915, tại xã Trung Hậu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông mất ngày 24/6/1984 tại TP.HCM.
Sau khi tốt nghiệp tú tài năm 1933, gia đình gửi ông sang Pháp để học bác sĩ nha khoa. Khi còn là sinh viên, chàng thanh niên Việt Nam sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và đã tham gia hoạt động chính trị cùng với một số Việt kiều yêu nước tại Paris... Đến năm 1940, ông tốt nghiệp bác sĩ nha khoa chuyên ngành răng hàm mặt tại Pháp.
Các đồng nghiệp, học trò chụp ảnh lưu niệm bên tượng GS.BS. Nguyễn Văn Thủ.
Do sớm giác ngộ cách mạng, hiểu được cảnh đời nô lệ, nghèo khổ của dân ta luôn bị áp bức do sống dưới chế độ thuộc địa của Pháp, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Trước bối cảnh đó, là một trí thức giàu lòng yêu nước, bác sĩ sẵn sàng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã từ bỏ sự giàu sang, phú quý và những điều kiện hành nghề y tư nhân để trở thành giàu có, bác sĩ cũng rời xa bạn bè, tình cảm gia đình riêng để tham gia kháng chiến chống Pháp cùng với người bạn thân thiết là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và đồng chí Hà Huy Giáp.
Ông tham gia cách mạng tháng 5/1944, được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam) tháng 9/1947. Chính thức tháng 12/1947.
Ông được Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam vào ngày 17/5/1984. Cũng trong năm 1984, ông được phong học hàm Giáo sư.
Đi theo anh suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chúng tôi học tập ở anh đức tính luôn luôn hăng say và tận tụy với công việc, khiêm tốn, giản dị, dũng cảm, vô tư không đòi hỏi gì cho mình, cũng không đòi hỏi gì quá đáng cho ngành mình. Anh đã thể hiện rõ một cán bộ vừa hồng vừa chuyên, không sợ gian khổ, dám nghĩ, dám làm, đi sát cơ sở, gần gũi quần chúng. Là người lãnh đạo y tế, anh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc, vận dụng một cách sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng vào việc đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, biết kết hợp chặt chẽ phương châm phòng bệnh với chữa bệnh.
Nói đến sự trưởng thành của ngành răng hàm mặt hiện nay, chúng ta không sao quên được sự đóng góp đáng kể của anh. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng của anh là những năm tháng cống hiến tất cả trí tuệ, sức lực của mình cho cách mạng, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi 3 lời dặn của giáo sư Nguyễn Văn Thủ đối với ngành RHM Việt Nam:
1. Tăng cường sự hợp tác quốc tế với thế giới và các nước trong khu vực để tranh thủ sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật nhằm theo kịp sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trên thế giới.
2. Quan tâm đến công tác chỉ đạo tuyến, làm tốt công tác phòng bệnh và chăm sóc răng miệng cho học sinh và người dân tại các vùng sâu, vùng xa. Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tuyến cơ sở giúp các tỉnh, thành làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng ban đầu cho người dân.
3. Cố gắng chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên tại bệnh viện, tạo điều kiện cho họ làm việc, phấn đấu và đóng góp công sức cho sự phát triển của bệnh viện và đóng góp cho ngành RHM Việt Nam.
Các đồng nghiệp, học trò và thế hệ trẻ ngành răng hàm mặt Việt Nam rất trân trọng những cống hiến của GS.BS. Nguyễn Văn Thủ đối với ngành y tế và ngành răng hàm mặt Việt Nam. Ông là “Một nhà trí thức yêu nước, tấm gương sáng của ngành y tế Việt Nam”.
BS. NGUYỄN QUANG LỘC (Nguyên Phó Viện trưởng Viện RHM TP.HCM)
Tin liên quan
- Bác sỹ tiêu biểu người dân tộc Mường
- Người góp công lớn về y tế trong hai cuộc kháng chiến tại Nam Bộ
- Bác sỹ 30 năm ngoài đảo, bố mẹ chết không được nhìn mặt
- Sự cống hiến thầm lặng
- Kỷ lục của lòng nhân ái
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú
- Lần đầu can thiệp phình động mạch chủ bụng bằng stent graft