Bác sĩ từ chối thu nhập "khủng", khám miễn phí cho người nghèo
27/02/2014 | 03:28 AM
Trưởng thành trong quân ngũ và là một trong 8 bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam chuyên trị ung thư, BS Lê Thanh Thước (Hoàng Mai, Hà Nội) hiểu hơn ai hết nỗi khổ của bệnh nhân cầm trên tay bệnh án với những nét chữ “loằng ngoằng” mà không hiểu rõ bệnh tình của mình.
Hơn 80 tuổi, ông vẫn cùng nhiều đồng nghiệp mở phòng khám từ thiện để khám và tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi của đất nước, người thanh niên tên Lê Thanh Thước lên đường nhập ngũ, được đơn vị cử đi học quân sự ở nước ngoài, liên quan đến y học. Khi về nước làm việc, ông tiếp tục là người ưu tú, được đơn vị tuyển chọn vào Đại học Y Hà Nội học sáu năm, ra trường trở thành bác sĩ chuyên ngành ung thư.
Ông tự hào: “Tôi là một trong 8 bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam chuyên điều trị ung thư”. Ngày ấy khi biết được đi học nghề y, là cơ hội để được cống hiến nhiều hơn, chàng thanh niên thề một tâm niệm: “Đất nước còn nghèo, người bệnh thì nhiều, làm sao phải hết sức mình cứu chữa bệnh cho người bệnh”.
Bác sĩ Thước đang khám cho bệnh nhân.
Xuất ngũ, công tác tại Khoa ung thư Bệnh viện Việt Đức, rồi bệnh viện K, ngày ấy nhiều người còn chưa hiểu biết về ung thư, chỉ “mang máng” đó là một căn bệnh chết người, trong khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, việc nghiên cứu của Việt Nam còn hạn chế nên công việc khi đó khó khăn trăm đường.
Vị bác sĩ ngoài việc khám chữa cho bệnh nhân, còn phải động viên tinh thần, vì bệnh ung thư liên quan nhiều đến vấn đề tâm lý. “Bác sĩ còn là chuyên gia tâm lý cho bệnh nhân, dẹp quan niệm bị ung thư là nằm trong “sổ diêm vương”. Thực tế, nếu phát hiện kịp thời và có phương pháp chữa bệnh hiệu quả, tỉ lệ khỏi bệnh lên đến 85%”, ông nhớ lại.
Gần 40 năm công tác, ông nghỉ hưu ở tuổi 62. Sức khoẻ vẫn tốt, kiến thức và kinh nghiệm nhiều, tâm niệm ngày mới vào nghề trỗi dậy, ông tự nhủ chưa đến lúc hưởng niềm vui an nhàn tuổi già.
Ông cùng một số bác sĩ về hưu tham gia phòng khám từ thiện thuộc Hội chữ thập đỏ phường Giáp Bát, bỏ qua nhiều lời “mời gọi” của một số phòng khám tư nhân với mức lương hậu hĩnh.
“Tôi không nghĩ đến chuyện làm giàu. Lương hưu Nhà nước chu cấp hàng tháng đã đủ sống, con cái cũng đã ổn định, mình tham gia làm từ thiện để vừa giúp người, vừa đem lại cho mình niềm vui, sự thanh thản”.
Phòng khám từ thiện này ra đời cách đây đã gần 20 năm, đặt tại số nhà 18, ngõ 4, phố Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Lịch làm việc do hai bác sĩ phân công rõ ràng: Sáng thứ Hai do bác sĩ Trương Thị Hội Tố, năm nay cũng đã 80 tuổi đảm nhận; sáng thứ Năm đến lượt ông Thước. Tuy nhiên, do bác sĩ Tố nhà xa nên sáng thứ 2 nào ông Thước cũng đến sớm để bệnh nhân không phải chờ lâu, mà đồng nghiệp cũng đỡ vất vả hơn.
Căn phòng chỉ khoảng 20m2 là nơi khám miễn phí cho những bệnh nhân nghèo, tuy nhỏ nhưng ấm tình người. Bệnh nhân đến khám được bác sĩ giải thích tỉ mỉ nguồn gốc bệnh, uống thuốc gì, điều trị ra sao, nên vận động như thế nào.
Nhiều lần như sợ bệnh nhân quên lời dặn, bác sĩ còn cho bệnh nhân số điện thoại để tiện hỏi lại. Ở tuổi 82, tóc đã bạc trắng, nhưng da dẻ hồng hào, khuôn mặt phúc hậu, và niềm nhiệt huyết với người bệnh thì không thua kém một bác sĩ trẻ nào.
Ông cho biết những bệnh nhân đến đây chủ yếu là người già với bệnh thấp khớp, thần kinh toạ, tai biến mạch máu não… đa phần là những bệnh nhân nghèo. Mặc dù chỉ là nơi tư vấn khám bệnh, nhưng với đối tượng khó khăn, phòng khám cũng phát thuốc miễn phí.
Số thuốc này có được do hai bác sĩ tự bỏ tiền ra mua, ngoài ra còn vận động một số nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, các bác sĩ thường giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà gia đình nghèo trong địa bàn cũng như bệnh nhân ở các bệnh viện.
Mỗi ngày phòng khám đón tiếp khoảng 20 bệnh nhân, không chỉ người trong quận mà nhiều người ở xa nghe tin, đến. “Được bệnh nhân tin tưởng, đó là niềm hạnh phúc. Thế nên có hôm bản thân mình ốm, tôi vẫn đến phòng khám bởi biết ở đó có người đang chờ mình”, ông nói.
Động lực làm việc của ông là những cảnh bệnh nhân bị huyết áp cao không đi được nhưng vẫn bắt cháu mang hồ sơ bệnh án đến nhờ tư vấn; hay những cụ già nay đã 80 tuổi mà vẫn chống gậy dìu nhau đến khám bệnh bởi chỉ tin tưởng vào bác sĩ ở đây. Khóe mắt ông rưng rưng khi nhớ về những kỉ niệm như thế.
Suốt cuộc trò chuyện, vị bác sĩ cao tuổi này nhiều lần nhắc đi nhắc lại nỗi niềm trăn trở: Làm sao đào tạo được lớp bác sĩ tâm huyết kế tục sự nghiệp khám chữa bệnh. Lời khuyên của ông với thế hệ sau là “có tài nhưng phải có đức”. Trong cuộc sống hiện đại đầy toan tính này, những tấm lòng như ông Thước quả là đáng quý.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe và Đời sống
Tin liên quan
- Bác sỹ tiêu biểu người dân tộc Mường
- Người góp công lớn về y tế trong hai cuộc kháng chiến tại Nam Bộ
- Bác sỹ 30 năm ngoài đảo, bố mẹ chết không được nhìn mặt
- Sự cống hiến thầm lặng
- Kỷ lục của lòng nhân ái
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú
- Lần đầu can thiệp phình động mạch chủ bụng bằng stent graft