Ngăn chặn bạo lực học đường: Tăng cường tính chủ động

20/11/2019 | 08:57 AM

 | 

Những ngày gần đây, tại một số địa phương liên tục xảy ra các vụ việc học sinh đánh nhau khiến dư luận bức xúc, phụ huynh học sinh lo lắng.

Tăng cường tính chủ động, lấy giáo dục, nêu gương là chính, quyết tâm không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” là mục tiêu đang được ngành Giáo dục và các nhà trường thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

Bạo lực học đường vẫn phức tạp

Trong khi phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 29-10-2019 về việc 5 nữ sinh đánh một bạn nữ cùng lớp tại Hưng Yên phải tạm ngừng để tiếp tục làm rõ nhiều tình tiết, thì những ngày qua tại một số địa phương vẫn xảy ra các vụ việc học sinh đánh nhau.

Có thể điểm lại một vài vụ việc như: 3 học sinh nữ lớp 8 Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (tỉnh Bình Dương) đánh một học sinh lớp 9 cùng trường; một học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ (tỉnh Quảng Ninh) dùng bình xịt hơi cay làm 19 bạn cùng lớp bị thương; một học sinh nữ Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão (thành phố Hồ Chí Minh) bị hai bạn nữ học cùng trường đánh...

Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), để ngăn chặn các hành vi bạo lực trong học sinh, riêng về hệ thống văn bản, Bộ đã ban hành tới 25 thông tư, chỉ thị, hướng dẫn... Với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và hệ thống văn bản này, về cơ bản các nhà trường đã bảo đảm tốt công tác an ninh trường học, ngăn chặn được nhiều vụ việc. Tuy nhiên, có lúc, có nơi vẫn để xảy ra hiện tượng học sinh đánh nhau.

Nhìn lại các vụ việc cho thấy, nguyên nhân nảy sinh chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn, xích mích nhỏ. Đơn cử như lý do dẫn đến vụ đánh nhau của học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (tỉnh Bình Dương) chỉ là những lời nói qua lại giữa hai bên về màu sắc của một đôi giày; còn sự việc ẩu đả của nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão (thành phố Hồ Chí Minh) là những mâu thuẫn khi trao đổi với nhau trên mạng xã hội...

Thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh đánh nhau, trong đó cơ bản là do các trường học thường quan tâm nhiều đến việc truyền đạt kiến thức, coi nhẹ giáo dục đạo đức.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng, ở ngõ 176 phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên) nhận định: "Xét từ nguồn cơn dẫn đến những vụ việc xảy ra vừa qua, có thể thấy các cháu đang trong giai đoạn phát triển tâm lý, dễ bị kích động, trong khi nhận thức về các vấn đề chưa đầy đủ, nên hành động bột phát, thiếu kiểm soát".

Cùng chủ động vào cuộc

Thực tế cho thấy, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chỉ đạo các đơn vị, trường học cụ thể hóa các giải pháp ngăn chặn bạo lực trong học sinh, quyết tâm không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2 triệu học sinh, Sở đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với gia đình, xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục, coi trọng việc xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện.

Ngoài ra, các trường học trên địa bàn thành phố còn tăng cường giáo dục đạo đức, khơi dậy ý thức nhân văn trong học sinh bằng nhiều hình thức như tổ chức cho các em đi trải nghiệm thực tế, tặng quà tại các trung tâm trẻ mồ côi, khuyết tật, nhà dưỡng lão; hỗ trợ bạn gặp khó khăn...

Là người đã tổ chức thử nghiệm nhiều mô hình giáo dục có hiệu quả đối với học sinh chưa ngoan, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) chia sẻ: "Nắm bắt diễn biến tâm lý, kịp thời hóa giải để phòng ngừa những va chạm, mâu thuẫn và hỗ trợ, định hướng cho học sinh nhận thức, ứng xử đúng là cách làm cho thấy rõ hiệu quả. Để làm tốt việc này, nhà trường đã thành lập phòng tư vấn học đường, có chuyên gia tư vấn chuyên trách làm việc hằng ngày để không chỉ hỗ trợ học sinh, mà còn giúp giáo viên, phụ huynh giải quyết những vấn đề trong quản lý, giáo dục con em mình".

Theo ông Kiều Trọng Sỹ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ, với quy mô hơn 40.000 học sinh, trong đó hầu hết học sinh đều có bố, mẹ làm nghề nông, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, ít có điều kiện quan tâm đến con, nên các nhà trường xác định rõ trách nhiệm trong việc cân đối giữa việc dạy chữ và dạy người. Coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh bằng cách “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, nhân rộng những điển hình người tốt, việc tốt là giải pháp đang được ngành Giáo dục huyện tích cực triển khai, nhằm hạn chế các hành vi chưa đẹp trong học sinh.

Ông Bùi Văn Linh Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đang chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường thực hiện hiệu quả những chương trình, đề án của ngành như chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường; đề án phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên…

“Bộ cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh triển khai đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời chú trọng việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường, nêu cao vai trò nêu gương của nhà giáo, nhằm lan tỏa những hành động đẹp, ngăn chặn hiệu quả các hành vi bạo lực trong học sinh”, ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh.