Nhân rộng mô hình hình cộng đồng an toàn
16/02/2017 | 08:30 AM
Xây dựng cộng đồng an toàn là một trong những vấn đề được các nước trên thế giới quan tâm và được xem là một chiến lược Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng.
Ở Việt Nam, sau khi Chính sách quốc gia phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2002 - 2010 ra đời, xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng là một trong bốn nội dung chủ yếu được Chính phủ giao cho ngành Y tế thực hiện.
TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2002, mô hình cộng đồng an toàn đã được triển khai tại 112 xã thuộc 12 tỉnh trên toàn quốc. Tại cộng đồng, các hoạt động phòng chống đuối nước tập trung vào hỗ trợ xây dựng cầu bê tông tại các vùng sông nước, hàng rào quanh nhà hay quanh ao cá và những hồ nước trong khu vực nhà ở, nơi trẻ dễ tiếp cận; làm nắp giếng và nắp dụng cụ chứa nước, làm chấn song cho cầu thang, đảm bảo cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang đủ cao, có chấn song ở ban công hoặc cửa sổ để trẻ không chui hoặc trèo qua được;trẻ em dưới 6 tuổi được người lớn trông giữ hoặc được gửi ở nhà trẻ/mẫu giáo, hướng dẫn người dân trong cộng động các biện pháp và kỹ năng an toàn khi tiếp cận nước.
Riêng đối với địa phương có các khu du lịch biển, sông, hồ, ngành y tế đã chỉ đạo và hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch an toàn và sẵn sàng cứu đuối khi cần thiết.
Cho đến tháng 12 năm 2013, đã có 96 cộng đồng được công nhận là cộng đồng an toàn Việt Nam tại 17 tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội, Hưng Yên, Lâm Đồng, Long An, Ninh Bình, Quảng Bình, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bến Tre, Kon Tum, trong đó 10 cộng đồng được công nhận là thành viên của mạng lưới cộng đồng an toàn quốc tế.
Từ năm 2014 đến nay, Ban Chỉ đạo Phòng chống tai nạn thương tích – Xây dựng mô hình cộng đồng an toàn ở các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình cộng đồng an toàn.
Thực tế cho thấy, kết quả ngăn ngừa tai nạn thương tích tại các cộng đồng an toàn này là đáng khích lệ. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Long Thành (Đồng Nai), từ năm 2011, mô hình cộng đồng phòng chống tai nạn thương tích điểm ở xã Long An đã giúp kiểm soát và giảm dần được tình trạng tai nạn thương tích. Cụ thể: Tai nạn thương tích (TNTT) năm 2012 đã giảm 5% và năm 2013 đã giảm 23% so với năm 2012 và 27,5% so với trước khi triển khai mô hình. Năm 2014 số trường hợp TNTT là 49, giảm 18% so với năm 2013. Sau khi thẩm định, đã có 2.918/3.423 hộ gia đình trong toàn xã (đạt 85,25%) được cấp Giấy Chứng nhận Ngôi nhà an toàn; 6/6 trường học (đạt 100%) được công nhận đạt chuẩn Trường học an toàn. Tỷ lệ hộ gia đình có kiến thức đúng về phòng chống tai nạn thương tích đạt 93%. Tỷ lệ hộ gia đình có thực hành đúng đạt 92%...
Tương tự như vậy, cuối tháng 12/2014, Ban Chỉ đạo Phòng chống tai nạn thương tích – Xây dựng cộng đồng an toàn thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, thẩm định công tác này tại 3 phường điểm đầu tiên của quận Thanh Xuân là các phường Thanh Xuân Nam, Khương Mai và Kim Giang. Theo kết quả thẩm định, hầu hết các trường hợp mắc tai nạn thương tích đều giảm dần theo các năm. Phường Thanh Xuân Nam trong năm 2014 có 14 ca mắc tai nạn thương tích, giảm 4 ca so với năm 2013; Phường Khương Mai, số vụ tai nạn thương tích đã giảm từ 14 ca năm 2013 xuống còn 8 ca trong năm 2014; đối với phường Kim Giang, năm 2014 có 13 ca mắc tai nạn thương tích, giảm 10% so với năm 2013; không có phường nào để xảy ra tử vong do tai nạn thương tích. 100% trường học trên địa bàn 3 phường đạt trường học an toàn, cán bộ y tế học đường và giáo viên đều được tập huấn, nâng cao kiến thức về Phòng chống tai nạn thương tích, các cách sơ cấp cứu khi có tai nạn thương tích xảy ra. Cả 3 phường đều được đoàn thẩm định đề nghị UBND quận xem xét ra Quyết định công nhận Cộng đồng an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam. Từ kết quả này, quận Thanh Xuân tiếp tục mở rộng xây dựng Cộng đồng an toàn ra 11/11 phường thuộc quận…
Ngày 22/1/2015, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 203/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch xây dựng Cộng đồng an toàn - phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em năm 2015. Cục Quản lý môi trường y tế là đơn vị đầu mối của Bộ Y tế trong việc triển khai Quyết định số 2158/QĐ-TTg cũng đã ban hành Công văn số 284/MT-LĐ chỉ đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Quyết định này.
Báo cáo của 44 địa phương năm 2015 cho thấy, có 29 tỉnh/thành phố đưa nhiệm vụ xây dựng các mô hình an toàn/phòng chống tai nạn thương tích trong kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích giai đọan 2011- 2015 với tổng số đăng ký xây dựng 510 Cộng đồng an toàn Việt Nam. Đến hết năm 2015 cả nước có 201 xã/phường đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn, trong đó có 112 Cộng đồng an toàn Việt Nam và 10 Cộng đồng an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đạt 105% kế hoạch đề ra.
Theo Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích 2016 – 2020, cả nước phải xây dựng được 300 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn. Đây không phải là con số nhỏ, đòi hỏi Bộ Y tế tiếp tục nỗ lực, chủ trì phối hợp với các Bộ hữu quan và địa phương đảm bảo việc xây dựng Cộng đồng an toàn ngày một bài bản, nhằm vừa thực hiện được về số lượng vừa nâng cao chất lượng mô hình Cộng đồng an toàn. Qua đó góp phần vào việc tạo môi trường an toàn, ngăn ngừa, giảm thiểu tỷ lệ đuối nước nói chung, nhất là với trẻ em .
Thu Trang
Related news
- Phấn đấu 100% các quận, huyện, thị xã tổ chức chương trình bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước và dạy bơi cho trẻ em
- Ngăn chặn bạo lực học đường: Tăng cường tính chủ động
- Tai nạn thương tích ở trẻ em và cách đề phòng
- Chung tay phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
- Hướng dẫn sơ cứu khi trẻ bị bỏng nhiệt và chăm sóc vết bỏng đúng cách
- Thông tin chương trình hỗ trợ thải độc trì cho trẻ em và người lao động tái chế thôn Đông Mai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên