TỔNG THUẬT: Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương
14/11/2024 | 15:18 PM
|
Sáng 14/11, tại Hà Nội, Cổng TTĐT Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chủ trì Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương năm 2024.
Dự Hội nghị có đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương; Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải; Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm; lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu chào mừng Hội nghị - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu chào mừng Hội nghị: Trước tiên, thay mặt UBND thành phố Hà Nội, chúng tôi xin gửi lời chào mừng tới toàn thể quý vị đại biểu khách quý đã đến dự Hội nghị tổng kết việc tổ chức, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành và địa phương được tổ chức tại Thủ đô Hà nội ngày hôm nay.
Sự kiện này không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của quý vị đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ trên môi trường mạng mà còn khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của chúng ta trong việc chuyển đổi số và cải cách hành chính một vấn đề trọng yếu của các địa phương hiện nay.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Hà Nội là Thủ đô trái tim của cả nước, thành phố vì hòa bình, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, là đô thị đặc biệt và đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Hà Nội có diện tích hơn 3.300km2 và là một trong 20 Thủ đô có diện tích tự nhiên lớn nhất thế giới, với số dân hơn 8,5 triệu người.
Quy mô kinh tế của Thành phố năm 2023 khoảng 55 tỷ USD, chiếm khoảng gần 13% quy mô nền kinh tế cả nước. Thu ngân sách chiếm khoảng 23% cả nước, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 26%.
10 tháng đầu năm 2024, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo; GRDP 9 tháng của Thành phố tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%); Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 10 tháng đầu năm 2024 là trên 425.000 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán, tăng 21,8% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm Thành phố đã thu hút trên 1,6 tỷ USD vốn FDI, trong đó có 233 dự án đăng ký mới.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, Thành phố đang phải đối mặt với nhiều thách thức, dân số đông,mật độ dân cư không đều (tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành 9.343người/km2, ngoại thành 1.394 người/km2). Vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đang nổi lên là điểm nghẽn cần được khơi thông để bứt phá phát triển,…
Để phát triển xanh, bền vững, bao trùm, bên cạnh việc phát triển hạ tầng đồng bộ hiện đại kết nối thông suốt, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cải cách hành chính, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực là giải pháp đột phá quan trọng mà thành phố Hà Nội đang thực hiện.
Ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 "Xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…"
Với quan điểm và mục tiêu như vậy, thành phố Hà Nội đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, tổ chức triển khai và bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực thể hiện ở một số kết quả:
(1). Về cơ chế chính sách:
Cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến: Thành phố Hà Nội đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua luật thủ đô sửa đổi.
Rà soát xây dựng Quy hoạch, quy chế, và hệ thống qui chuẩn tiêu chuẩn định mức ktkt.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID).
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết quy định Mức thu bằng "không" áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến.
(2). Đầu tư phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng quan trọng, các Ứng dụng công nghệ số như: xây dựng hệ thống thông tin báo cáo số, ký số toàn hệ thống 3 cấp của tp, xây dựng phòng họp thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố được triển khai đồng bộ toàn Thành phố
(3). Các Ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp, phát triển xã hội số được Thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt, đặc biệt là Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) là nơi người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền Thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực;
+ Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố - quản lý khám chữa bệnh đã được kết nối với 651 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; 3,5 triệu sổ sức khỏe của người dân Thủ đô được sẵn sàng hiển thị trên ứng d ụng VneID);
+ Cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụngVNeID;
+ Ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) được triển khai thử nghiệm cho vận tải hành khách công cộng. +Ngoài ra, Thành phố cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tăng 19 bậc (từ năm 2020 đến năm 2022). Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT. Hà Nội đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam.
Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023, Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Trong bài viết của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 2/9/2024 đã khẳng định: "Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ... Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – "phương thức sản xuất số" ", là nguồn lực, động lực thúc dẩy sự chuyển mình của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số và khoa học công nghệ.
Thành phố Hà Nội nhận thức và xác định điều này không chỉ mang tính cách mạng trong việc áp dụng công nghệ, mà còn là cuộc cách mạng trong nhận thức, tư duy, văn hóa và cấu trúc xã hội.
Thành phố Hà Nội đề ra phương châm hành động "1 mục tiêu - 3 nguyên tắc - 6 phấn đấu":
- 1 mục tiêu: Phát triển thủ đô Hà Nội: Văn hiến - Văn minh- Hiện đại, xanh , thông minh; thanh bình, thịnh vượng, Thành phố kết nối toàn cầu; với các giá trị cốt lõi "Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc".
- 3 Nguyên tắc: Thượng tôn pháp luật- Luôn luôn lắng nghe- Thái độ phục vụ
- 6 phấn đấu: Nhận thức đầy đủ - Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo- Giải pháp thông minh- Hành động quyết liệt- Kết quả sản phẩm thực chất.
Quyết tâm phấn đấu xây dựng phát triển thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 như Nghị quyết 15/2022 của Bộ Chính trị đã định hướng:
"Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".
Xin trân trọng cảm ơn và xin chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý sức khỏe, hạnh phúc vàthành công.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
08:32 ngày 14/11/2024
Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm báo cáo tình hình hoạt động của Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương và Cổng TTĐT Chính phủ - Ảnh: VGP/Hải Minh
Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm báo cáo tình hình hoạt động của Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương và Cổng TTĐT Chính phủ.
Báo cáo tình hình hoạt động của Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương và Cổng TTĐT Chính phủ
08:55 ngày 14/11/2024
Ông Trần Ngọc Luân, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu điện tử Cổng TTĐT Chính phủ giới thiệu giải pháp kỹ thuật kết nối, tích hợp thông tin giữa Cổng TTĐT Chính phủ với Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương.
09:34 ngày 14/11/2024
Đại tá Nguyễn Thị Phương, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an, trình bày tham luận tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hải Minh
Đại tá Nguyễn Thị Phương, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an, tham luận về "Một số kinh nghiệm kết nối đảm bảo thông tin chỉ đạo điều hành về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử":
Trong những năm gần đây, thách thức đối với an ninh, trật tự bên ngoài, bên trong, truyền thống, phi truyền thống gia tăng, tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với bảo đảm an ninh, trật tự. Trong bối cảnh đó, bám sát và triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lấy ấm no, hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an đổi mới mạnh mẽ các mặt công tác Công an, thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, kiên quyết, kiên trì chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững an ninh, trật tự trong mọi tình huống. Bám sát chỉ đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an, công tác kết nối đảm bảo thông tin chỉ đạo điều hành về an ninh, trật tự xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử cũng có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả hết sức tích cực, có thể rút ra 03 vấn đề có tính kinh nghiệm, sau đây:
Thứ nhất, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an luôn đặt mục tiêu cao nhất đối với thông tin trên hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử Bộ Công an đó là phải góp phần tạo dòng thông tin chính thống, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự vào thực tiễn cuộc sống, vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, nay là Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần chỉ đạo thông tin phải thực chất, thực lòng mới đi được vào lòng người, lòng dân; hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử Bộ Công an phải làm tốt công tác truyền thông chính sách, nhất là những vấn đề dư luận quan tâm; thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an phải phản ánh trung thực, khách quan, nhanh nhất, kịp thời nhất công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, kịp thời những vụ án, vụ việc mà dư luận quan tâm, cảnh báo phương thức thủ đoạn của tội phạm… Bám sát và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm, những thông tin thực chất, thực lòng, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân trên hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử của Bộ Công an đã tự giác đi vào lòng người, lòng dân và có giá trị lan toả cao.
Thứ hai, tăng cường công tác điều phối của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an với hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử trong Công an nhân dân. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Đề án thống nhất chỉ đạo nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trên môi trường mạng, trong đó Cổng thông tin điện tử Bộ Công an có vị trí trung tâm điều phối toàn bộ hoạt động của các Cổng, trang thông tin điện tử trong thế trận thông tin chung thống nhất của Bộ Công an về truyền thông chính sách, cảnh báo phương thức thủ đoạn mới của các loại tội phạm, tuyên truyền lan toả hình ảnh đẹp trong bảo đảm an ninh, trật tự, về những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Ngoài ra, Bộ Công an còn giao Công an các địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin bảo đảm hoạt động của Cổng thông tin điện tử của Bộ, lấy đây là một trong những tiêu chí xét thi đua hằng năm; hàng tháng lãnh đạo Bộ đều theo dõi, đánh giá công tác tuyên truyền trên hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử và định hướng cung cấp thông tin tháng tiếp theo; xây dựng, phát triển hoạt động của trang thông tin Bộ Công an trên mạng xã hội Facebook với lượng tương tác cao. Qua đó nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo thông tin chỉ đạo điều hành về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng trong hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử Công an nhân dân.
Thứ ba, phối hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa Cổng thông tin điện tử Bộ Công an với Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, lấy đây là một trong những yếu tố căn cơ để Cổng thông tin điện tử Bộ Công an hoàn thành nhiệm vụ. Những năm qua, Cổng TTĐT Chính phủ đã phối hợp, giúp đỡ rất hiệu quả đối với Văn phòng Bộ Công an và Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý về tổ chức cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin điện tử, công tác vận hành hệ thống các Trang thông tin điện tử thành phần, tổ chức cung cấp thông tin bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là xây dựng, phát triển Trang thông tin trên mạng xã hội Facebook. Có thể nói, Bộ Công an là một trong những Bộ đầu tiên triển khai xây dựng Trang thông tin Bộ Công an trên nền tảng Facebook để cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 42, có được kết quả này, có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ quý báu của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
09:45 ngày 14/11/2024
Ông Nguyễn Đăng Hòa, Phó Trưởng Ban Biên tập, Giám đốc Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh, trình bày một số kinh nghiệm trong việc quản lý cung cấp thông tin của Cổng TTĐT tỉnh - Ảnh: VGP/Hải Minh
Ông Nguyễn Đăng Hòa, Phó Trưởng Ban Biên tập, Giám đốc Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh, trình bày một số kinh nghiệm trong việc quản lý cung cấp thông tin của Cổng TTĐT tỉnh với các Cổng TTĐT thành phần trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh:
Chúng ta cần đặt câu hỏi, nếu không có Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) thì tính trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch đối với người dân thì sẽ như nào?
Vì vậy, chúng tôi đã triển khai lan toả thông tin đến tận cấp xã.
Hiện, trên hệ thống Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh có 156 Cổng TTĐT. Trong đó, có 155 Cổng, các thành viên Ban biên tập làm kiêm nhiệm. Cổng TTĐT tỉnh có 37 biên chế. Chúng tôi cũng có Facebook, Zalo… Mỗi tháng có khoảng 7-8 triệu lượt truy cập (đối với Facebook)…
Đối với 156 Cổng TTĐT trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao Cổng TTĐT tỉnh gửi thông tin để các Cổng TTĐT đăng lại và Cổng TTĐT tỉnh lấy thông tin của các địa phương để đăng lại trên Cổng TTĐT tỉnh.
Hằng tháng, chúng tôi chấm điểm các Cổng TTĐT và giao Cổng TTĐT cấp huyện chấm điểm cấp xã. Do vậy, các thông tin của Cổng TTĐT tỉnh đều được đăng lại trên 156 Cổng TTĐT địa phương.
Nếu làm được như Cổng TTĐT Chính phủ hiện nay thì các thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lan toả rộng tới hơn 5000 Cổng TTĐT trên cả nước rất hiệu quả, mạng lưới tuyên truyền này rất tốt.
Chúng tôi cũng tập huấn nghiệp vụ đến tận cấp xã, ngoài việc gửi thông tin, chúng tôi còn cầm tay chỉ việc để hướng dẫn họ thực hiện.
Một vấn đề nữa là hệ thống loa phát thanh, ở các nơi khu phố, cư dân rất khó nghe và cũng không nghe được. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu thông tin đăng trên loa phát thanh cũng phải đăng trên Cổng TTĐT của các địa phương để người dân vào xem bất kỳ lúc nào.
Về kinh nghiệm, chúng tôi có 4 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, cần tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản. Hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ TTĐT của năm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó nổi bật nhất là 2 văn bản của UBND tỉnh: Quyết định số 96/QĐ-UBND ngày 18/03/2021 ban hành Quy chế phối hợp quản lý cung cấp thông tin trên các Cổng TTĐT.
Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 21/8/2024 về việc Phát triển nội dung của Cổng Thông tin điện tử các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Thứ hai, vì Ban biên tập các Cổng TTĐT đang kiêm nhiệm nên cần phải quy định vị trí Trưởng Ban, Phó Trưởng ban của các sở, ngành và cấp huyện, xã để có hệ thống thống nhất nhân sự…
Thứ ba, tăng cường tổ chức hội thảo khoa học để tranh thủ tiếp thu các ý kiến, sáng kiến của các đồng chí tham gia hội thảo. Từ đó để chúng ta có bài học, gợi ý áp dụng vào địa phương nhằm hoạt động tốt hơn.
Thứ tư, nâng cao bản lĩnh chính trị, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ Cổng TTĐT, nhất là người đứng đầu.
Về đề xuất, thứ nhất chúng tôi đề xuất xây dựng hệ thống các cơ quan Cổng TTĐT đồng bộ. Theo đó, đồng bộ về tổ chức, cơ chế hoạt động. Tôi đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ tham mưu, triển khai xây dựng hệ thống các Cổng TTĐT bộ, ngành và đặc biệt là Cổng TTĐT cấp tỉnh được đồng bộ về tổ chức, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh và cơ chế hoạt động.
Đồng bộ về tên gọi, đề nghị lấy tên là Cổng TTĐT, tiếp sau là tên tỉnh, thành phố.
Thứ hai, đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ chia các đơn vị theo khu vực để tổ chức phong trào thi đua để các đơn vị có động lực hoạt động tốt hơn cũng như học hỏi kinh nghiệm của nhau.
Thứ ba, cần chia sẻ, trao đổi, lan tỏa thông tin. Thời gian vừa qua, Cổng TTĐT Chính phủ đã chia sẻ với Bắc Ninh về kho dữ liệu chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để lan tỏa thông tin.
Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị Cổng TTĐT Chính Phủ chia sẻ thông tin của địa phương để đăng lên Cổng TTĐT Chính phủ.
09:55 ngày 14/11/2024
Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành, phát triển Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng - Ảnh: VGP/Hải Minh
THAM LUẬN CỦA CỔNG TTĐT BỘ QUỐC PHÒNG
Tham luận chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành, phát triển Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng và triển khai chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến với các Cổng TTĐT thành phần, Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng nêu 5 điểm kiến nghị, đề xuất:
Thứ nhất, Cổng TTĐT Chính phủ tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, dẫn dắt nghiệp vụ đối với hoạt động của trang Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương thông qua nhiều hình thức như đề xuất, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, Thông tư, hành lang pháp lý, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn; tổ chức các Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm, các Hội nghị chuyên đề, tập huấn.
Thứ hai, tăng cường hoạt động điều phối, kết nối giữa Cổng TTĐT Chính phủ với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, hình thành mạng lưới thống nhất theo hướng xây dựng mã ngành của Trung ương, địa phương. Thông qua đó nâng cao hiệu quả của 5.635 trang Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, đề xuất Bộ Nội vụ và Chính phủ thống nhất về tổ chức biên chế, nhân lực, tránh tình trạng nhân lực trang Cổng TTĐT kiêm nhiệm, số lượng không thống nhất do phân công làm thêm, dẫn đến hạn chế trong công việc.
Thứ tư, Cổng TTĐT Chính phủ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu.
Thứ năm, thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ và có hướng dẫn chỉ đạo hàng năm toàn diện, bao gồm cả công tác chuyên môn và công tác tài chính.
10:12 ngày 14/11/2024
TS. Nguyễn Viết Phan, Ban Cơ yếu Chính phủ, tham luận về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho các hệ thống Cổng TTĐT - Ảnh: VGP/Hải Minh
TS. Nguyễn Viết Phan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ, tham luận về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho các hệ thống Cổng TTĐT:
Trong bối cảnh phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Cổng TTĐT của các cơ quan Nhà nước đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tương tác với người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong quản lý nhà nước. Các hệ thống này giúp giảm tải quy trình thủ tục hành chính, thúc đẩy tính minh bạch, và cải thiện sự hài lòng của người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ công.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, hệ thống Cổng TTĐT cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn về an ninh, an toàn thông tin. Cụ thể:
Tốc độ tăng trưởng nhanh của hệ thống: Việc mở rộng và tích hợp nhiều tính năng trên hệ thống Cổng TTĐT như tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến, và xử lý hành chính khiến cho khối lượng dữ liệu nhạy cảm lưu trữ trong hệ thống tăng cao. Điều này làm tăng nguy cơ bị tấn công nếu không có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin chặt chẽ. Hệ thống bảo mật chưa được đầu tư đúng mức: Một số cơ quan, tổ chức vẫn sử dụng các hệ thống sử dụng các nền tảng công nghệ đã lỗi thời, không được cập nhật hoặc chưa được đầu tư hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, chưa thực hiện việc nâng cấp, cập nhật bản vá lỗ hổng bảo mật thường xuyên. Việc này dẫn đến việc tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng mà tin tặc có thể lợi dụng để xâm nhập và đánh cắp dữ liệu. Thiếu đồng bộ trong các chính sách bảo đảm an toàn an ninh thông tin: Thực tế hiện nay, đa phần chưa xây dựng đầy đủ và thống nhất các chính sách an ninh an toàn cho các cơ quan, đơn vị, dẫn tới khó khăn trong quản lý, theo dõi, đánh giá và áp dụng. Đặc biệt, chưa có chiến lược dài hạn về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho tổng thể hệ thống. Nhận thức về bảo mật thông tin thực tế hiện nay còn hạn chế: Nhiều cán bộ, công chức, người dùng của các hệ thống Cổng TTĐT nói chung chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của an ninh, an toàn thông tin, dẫn đến việc sử dụng mật khẩu yếu, không cập nhật phần mềm thường xuyên hoặc truy cập vào các trang web không an toàn.
Những thực trạng này đã và đang tạo ra nhiều lỗ hổng cho hệ thống Cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước, làm gia tăng nguy cơ bị tấn công mạng từ cả trong và ngoài nước.
Các hệ thống TTĐT đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh mạng nguy hiểm và tinh vi. Những mối đe dọa này không chỉ làm gián đoạn hoạt động của các hệ thống thông tin mà còn có thể dẫn đến tổn thất dữ liệu quan trọng, gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý của Nhà nước.
Dưới đây là các mối đe dọa chính:
Mã độc (malware): Mã độc là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống Cổng TTĐT. Mã độc có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Ransomware, Trojan, Worms, Spyware và Adware… Trong đó: Ransomware là loại mã độc nguy hiểm thực hiện các hành vi mã hóa dữ liệu trong hệ thống và yêu cầu tiền chuộc để khôi phục dữ liệu. Ransomware có thể gây tổn thất lớn về tài chính và thời gian, đặc biệt nguy hiểm khi nó tấn công vào các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khiến các dịch vụ này bị đình trệ. Còn Trojan thường được ngụy trang dưới dạng phần mềm hợp pháp, và khi được cài đặt, có thể làm bàn đạp cho kẻ tấn công xâm nhập hệ thống. Đây là các loại mã độc thường được sử dụng trong các cuộc tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào các hệ thống TTĐT. Theo kết quả báo cáo của các hãng công nghệ về lĩnh vực an toàn thông tin, từ đầu năm tới nay, ghi nhận khoảng 84 triệu loại mã độc mới, trung bình hàng tháng khoảng 8 triệu mã độc và biến thể mới xuất hiện. Điều này cho thấy tình hình nguy cơ mất an toàn thông tin mạng ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi hơn. Tấn công từ chối dịch vụ (DDoS): Tấn công DDoS là một dạng tấn công phổ biến mà tin tặc gửi lượng lớn yêu cầu từ nhiều nguồn khác nhau để làm quá tải hệ thống, khiến người dùng không thể truy cập được vào dịch vụ công. Cuộc tấn công DDoS có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, gây gián đoạn hoạt động của hệ thống và làm ảnh hưởng đến tính sẵn sàng dịch vụ công trực tuyến. Phishing và Social Engineering: Phishing là hình thức tấn công lừa đảo qua email hoặc trang web giả mạo nhằm đánh cắp thông tin của người dùng. Social Engineering là hành động lợi dụng tâm lý và hành vi của người dùng để chiếm đoạt thông tin nhạy cảm. Đây là một trong hình thức tấn công dễ thực hiện và rất phổ biến hiện nay. Tấn công có chủ đích (APT): APT là các cuộc tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng và thực hiện trong thời gian dài nhằm đánh cắp thông tin nhạy cảm hoặc làm phá hủy dữ liệu làm gián đoạn hoạt động của hệ thống. Các cuộc tấn công APT thường nhằm vào các hệ thống TTĐT quan trọng và một khi xâm nhập thành công, các tổ chức tin tặc có thể ở lại trong hệ thống mà không bị phát hiện trong một thời gian dài, gây nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin và lộ lọt dữ liệu nhạy cảm.
Về lỗ hổng bảo mật: Các lỗ hổng bảo mật trong phần mềm hoặc hệ điều hành là một trong những mục tiêu chủ yếu của tin tặc. Những lỗ hổng này có thể tồn tại trong các ứng dụng web hoặc phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, và nếu không được vá lỗ hổng bảo mật kịp thời, hệ thống công nghệ thông tin sẽ dễ dàng bị tấn công, khai thác. Theo số liệu ghi nhận, tính đến tháng 10/2024, ghi nhận 30.420 lỗ hổng bảo mật mới, trong đó có 4.056 lỗ hổng ở mức thấp, 12.592 lỗ hổng ở mức trung bình, 9.988 lỗ hổng ở mức cao và 3.784 lỗ hổng ở mức rất nghiêm trọng. Các lỗ hổng bảo mật ở mức cao và nghiêm trọng thường được tin tặc tận dụng để thực hiện tấn công mạng. Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi tấn công của tin tặc.
Về kết quả cụ thể, từ tháng 1/2024 đến nay, thông qua hoạt động giám sát và bảo đảm an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ đã phát hiện tổng số 53.304 nguy cơ liên quan đến các loại hình tấn công mạng. Trong đó có 16.981 nguy cơ tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật, đây là các loại hình tấn công khai thác lổ hổng bảo mật nghiêm trọng vào các hệ thống cổng thông tin điện tử, hệ thống điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, nhiều đợt tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật vào các hệ thống thư điện tử xảy ra thường xuyên, cho phép tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển, kiểm soát các máy chủ, dịch vụ khi khai thác lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng; 1.789 nguy cơ tấn công mã độc, trong đó có nhiều loại hình tấn công mã độc nguy hiểm có chủ đích nhắm vào các hệ thống máy chủ, máy tính người dùng nhằm đánh cắp thông tin dữ liệu nhạy cảm…
Toàn cảnh Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương năm 2024 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ mới, cấp bách được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó. Đặc biệt là các nhiệm vụ: Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin và các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước, đảm bảo bảo mật, bảo vệ bí mật Nhà nước theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước…
Các giải pháp bảo vệ trên từng lớp cụ thể như sau:
Đối với lớp người dùng: Triển khai máy tính đa giao diện chuyên dụng của ngành Cơ yếu kết hợp với các giải pháp bảo mật tệp, mã hoá ổ đĩa lưu trữ, phòng chống mã độc hay thiết bị lưu trữ chuyên dụng để di chuyển dữ liệu giữa các giao diện một cách an toàn. Các giải pháp này giúp bảo vệ người dùng trước các dạng tấn công bằng mã độc, tấn công giả mạo tấn công xen giữa.
Đối với lớp ứng dụng, nghiệp vụ, nền tảng: Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo mật, xác thực, ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Ngoài ra có thể triển khai các bộ công cụ, thư viện mật mã phục vụ bảo mật cho các hệ thống thông tin…
Trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo cung cấp trên 1 triệu chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, đối với cơ quan cấp bộ, ngành, tỉnh/thành phố đạt 100% chứng thư số cho tổ chức và 94% cho cá nhân.
Đối với lớp cơ sở dữ liệu: Ban Cơ yếu Chính phủ đã phát triển giải pháp bảo mật cơ sở dữ liệu, bảo mật lưu trữ chuyên dụng cho các máy chủ cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Bằng giải pháp này, tin tặc cho dù có thể tấn công vào ứng dụng qua các phương thức thông thường nhưng cũng không thể đánh cắp các thông tin đã được bảo vệ bởi mật mã của ngành Cơ yếu.
Đối với lớp mạng, truyền dẫn: Với hệ thống bảo mật kênh truyền (site to site, client to site) dữ liệu được truyền đi trên các mạng truyền số liệu chuyên dụng hoặc mạng Internet đều được bảo vệ bằng lớp bảo mật của ngành Cơ yếu. Với hệ thống bảo mật kênh truyền, người dùng hoặc các cơ quan, đơn vị luôn được an toàn trước các dạng tấn công xen giữa, nghe lén.
Để bảo vệ hệ thống Cổng TTĐT khỏi các mối đe dọa an ninh ngày càng phức tạp, cần triển khai các giải pháp toàn diện, từ cấp độ kỹ thuật đến chính sách quản lý và nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, tổ chức.
Về một số giải pháp cụ thể như sau:
Tiếp tục hoàn thiện khung chính sách và quy định về an ninh, an toàn thông tin: Các cơ quan, tổ chức cần xây dựng và triển khai các quy định, tiêu chuẩn an ninh, an toàn thông tin đồng bộ và cập nhật thường xuyên. Đồng thời, cần có các quy trình giám sát và đánh giá định kỳ về việc tuân thủ các chính sách bảo mật. Việc giám sát an ninh, an toàn thông tin và đánh giá định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, các điểm yếu, lỗ hổng bảo mật trong hệ thống, từ đó có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Ứng dụng các giải pháp công nghệ: Các cơ quan, tổ chức cần đầu tư vào các công nghệ giải pháp bảo đảm an toàn thông tin như hệ thống IDS/IPS phòng nhập xâm nhập, hệ thống SIEM, hệ thống EDR, các giải pháp mã hóa dữ liệu và sao lưu định kỳ để đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin. Hệ thống giám sát an ninh, an toàn thông tin mạng 24/7 cần được triển khai để phát hiện và xử lý kịp thời các cuộc tấn công. Đào tạo và nâng cao nhận thức về an ninh thông tin: Cán bộ, nhân viên cần được đào tạo định kỳ về an ninh, an toàn mạng, từ các biện pháp cơ bản như bảo vệ tài khoản đến các tình huống phức tạp như phát hiện các hình thức tấn công. Đồng thời cần nắm rõ các quy trình và trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin nói chung. Bổ sung nguồn nhân lực về an toàn thông tin: Cần tiếp tục quan tâm và bổ sung nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức: Các cơ quan, tổ chức xây dựng chương trình hợp tác và cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan để cập nhật nhanh chóng các nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin mới và học hỏi từ kinh nghiệm của các cơ quan, đơn vị khác. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin, giám sát ATTT. Kính thưa các đồng chí, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho hệ thống Cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược trong thời đại số. Với các giải pháp đồng bộ từ chính sách, kỹ thuật đến đào tạo nhân lực, tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống thông tin an toàn, bảo mật, góp phần vào sự thành công của tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
10:33 ngày 14/11/2024
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP/Hải Minh
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu chỉ đạo Hội nghị: Đảng, Nhà nước luôn lấy người dân làm trung tâm, phục vụ lợi ích cho nhân dân, luôn đề cao vai trò giám sát cũng như vai trò phản biện của nhân dân và luôn mong muốn người dân tham gia vào hoạt động giám sát quyền lực của các cơ quan Nhà nước. Để thực hiện hiệu quả vai trò này, việc cung cấp thông tin thông suốt giữa chính quyền các cấp với người dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng mở rộng của không gian số, chúng ta có thêm nhiều phương thức trao đổi thông tin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền và nhân dân hữu hiệu hơn, đột phá hơn. Các Cổng thông tin điện tử, các Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước không còn thuần tuý là nơi để đăng tải, cung cấp thông tin mà còn là sự hiện diện của cơ quan nhà nước trên không gian số, nơi tương tác, trao đổi thông tin hai chiều giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp và xã hội,…
Cổng/Trang TTĐT là nơi cập nhật những thông tin chính thống về chính sách, pháp luật, thông báo, hướng dẫn và các hoạt động của cơ quan nhà nước dẫn dắt người dân thực hiện những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Điều này giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tránh tình trạng thông tin sai lệch.
Cổng/Trang TTĐT là kênh để người dân có thể giao tiếp và tương tác với các cơ quan nhà nước. Người dân có thể gửi ý kiến hoặc phản ánh các vấn đề lên các Cổng/Trang TTĐT này, góp phần tăng cường sự minh bạch trong quản lý và điều hành của Chính phủ.
Thông qua việc công khai thông tin và cung cấp dữ liệu về các hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân có thể thực hiện tốt hơn vai trò giám sát và đánh giá các quyết định và hoạt động của chính quyền. Điều này góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.
Đến nay, các Cổng/Trang TTĐT là "cầu nối" vô cùng quan trọng giữa chính quyền và người dân trong thời đại số này.
Theo đánh giá của Cổng TTĐT năm 2024, tính đến tháng 10 năm nay, chúng ta có nhiều dấu ấn đáng ghi nhận của Cổng/Trang TTĐT của cả nước. Theo hệ thống giám sát EMC của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi đã ghi nhận hoạt động của 30 Cổng/Trang TTĐT của các Bộ, ngành, 65 Cổng/Trang TTĐT cấp tỉnh. Có những Bộ ngành mặc dù có lượng truy cập hơn 100 triệu lượt truy cập. Lượng truy cập lớn này thể hiện sự quan tâm của người dân, người dân sử dụng các Cổng/Trang TTĐT không chỉ của chính quyền Trung ương mà còn cả các Bộ, ngành, địa phương. Do đó, các hệ thống thông tin của các đồng chí cần thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời, chính xác.
Đặc biệt, qua theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng TTĐT Chính phủ thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, quan trọng nhất là mạng lưới kết nối giữa Cổng TTĐT Chính phủ với các Cổng TTĐT Bộ, ngành, địa phương rất hiệu quả. Cổng TTTĐ Cính phủ không chỉ thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Lãnh đạo Chính phủ mà còn có thông tin của các Bộ, ngành, địa phương. Đây là một sự thay đổi lớn, cung cấp thông tin một cách toàn diện, tổng thể cấp quốc gia.
Thứ hai, cách thức tiếp cận thông tin trên Cổng TTĐT Chính phủ hiệu quả, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về tiết kiệm chi phí đầu tư mà vẫn thể hiện vai trò thông tin của Cổng.
Ngoài ra, cách thức cung cấp thông tin của Cổng TTĐT Chính phủ rất đa dạng. Trước đây chỉ đưa tin lên websize nhưng hiện nay Cổng TTĐT Chính phủ đưa thông tin lên cả các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, viber, youtuber. Hình thức đưa tin đa dạng như inforgraphic, clip ngắn, dài...; đặc biệt nếu những clip được đưa được đến với người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi thì rất hiệu quả.
Qua theo dõi trên mạng xã hội đưa tin, bài của Cổng TTĐT Chính phủ cho thấy, có những tin bài lên hàng chục triệu người xem. Đây là cách thức thông tin hiệu quả. Do đó, các Cổng/Trang TTĐT của Bộ, ngành, địa phương nên nghiên cứu thêm, triển khai rộng rãi hơn.
Từ những kết quả đó, đến nay, Cổng TTĐT Chính phủ đã có hàng triệu lượt người xem, hằng tháng có đến hàng chục triệu lượt người truy cập. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá đây là hình thức thông tin rất nổi bật, hiệu quả.
Để làm được điều này, có sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu VPCP. Đồng thời, ghi nhận Cổng TTĐT Chính phủ đã luôn chủ động, sáng tạo trong công tác thông tin truyền thông.
Hội nghị "Kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương" hôm nay là một sự kiện quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng và Thông tư 22/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho Cổng TTĐT và Trang TTĐT của cơ quan nhà nước.
Sau hội nghị hôm nay, căn cứ trên các ý kiến, kiến nghị của Cổng TTĐT Chính phủ và các cơ quan, ban ngành liên quan, tôi cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông tham dự hội nghị này tiếp thu, nghiên cứu và có hướng xử lý đối với kiến nghị của cơ quan ban ngành đề xuất.
Ngoài ra để đạt được sự đồng bộ và nâng cao chất lượng cung cấp thông tin của các Cổng/Trang TTĐT trên toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đồng chí lưu ý một số nội dung sau:
Các Cổng/Trang TTĐT nghiêm túc tuân thủ các quy định, các yêu cầu của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP và Thông tư 22/2023/TT-BTTTT. Trong các văn bản này, đã có quy định, hướng dẫn cụ thể về mặt kỹ thuật, về cấu trúc, bố cục, về trải nghiệm người dùng….
Để quản lý được thì phải đo lường, giám sát được. Bộ TT&TT đã có Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC), đề nghị các đồng chí sớm khẩn trương thực hiện kết nối với Hệ thống này và khai thác số liệu giám sát từ hệ thống, phục vụ cho chính nhu cầu quản lý của mình.
Hằng năm, Bộ TT&TT cũng sẽ thực hiện đánh giá định kỳ về chất lượng và hoạt động của các Cổng/ Trang TTĐT của cơ quan nhà nước trên toàn quốc. Đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ cũng như các đồng chí chủ quản các Cổng/Trang TTĐT bộ, ngành, địa phương phối hơp với Bộ TT&TT triển khai việc đánh giá này.
Ngoài ra, học tập Cổng TTĐT Chính phủ từ hình thức truyền thông, cách thức gửi thông tin đa dạng hơn như mạng xã hội, inforgraphic,…
Việc kết nối đồng bộ giữa Cổng TTĐT Chính phủ và các Cổng TTĐT của các bộ, ngành, địa phương là yêu cầu quan trọng để bảo đảm luồng thông tin thống nhất, xuyên suốt. Sự đồng bộ này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ mà còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin và dịch vụ công trực tuyến một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể, các Cổng/ Trang TTĐT của các bộ, ngành, địa phương thì hết sức lưu tâm, phối hợp. Trong quá trình phối hợp của các đồng chí, Bộ TT&TT luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ.
Trong tháng 12/2024, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Cổng TTTĐ Chính phủ triển khai hợp tác để cung cấp thông tin cho hoạt động cơ sở. Đây là hình thức truyền thông nhanh, hiệu quả.
Tôi tin tưởng, với sự đồng lòng, quyết tâm của tất cả chúng ta, chất lượng các Cổng/ Trang TTĐT của cơ quan nhà nước sẽ có bước tiến đột phá trong thời gian tới, trở thành kênh thông tin dẫn dắt, kênh thông tin tương tác hiệu quả giữa chính quyền và người dân, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của các cơ quan nhà nước trên không gian mạng.
10:48 ngày 14/11/2024
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Hải Mình
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị: Hôm nay, chúng ta tổ chức Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng Thông tin điện tử các bộ ngành, địa phương năm 2024.
Về cơ bản, tôi nhất trí với Báo cáo của Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm; bài phát biểu chào mừng của đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ý kiến phát biểu tham gia của các đồng chí đại diện cho một số Cổng TTĐT các bộ ngành, địa phương. Các báo cáo và các bài phát biểu đã nói rõ, đầy đủ những kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc và những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Hiện nay, chúng ta đang có 2 Cổng ở các bộ, cơ quan: Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng TTĐT Bộ ngành, địa phương.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia có 3 nhiệm vụ chính: (i) Tích hợp và cung cấp các thông tin trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính: Hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 6.300 thủ tục hành chính ở 4 cấp chính quyền ; (ii) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến: Ta đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong đó có cả toàn trình; mức độ 1, 2 triển khai được khoảng 70% trong số 6.300 thủ tục hành chính ; (iii) Tiếp nhận xử lý các phản ánh kiến nghị của người dân, các tổ chức, trong đó cả doanh nghiệp. Chính phủ thường xuyên có Báo cáo về các hoạt động này kể cả công tác cải cách thủ tục hành chính.
Hôm nay, chúng ta bàn về việc Cổng TTĐT Chính phủ kết nối, chia sẻ, liên thông với các Cổng TTĐT bộ ngành, địa phương phục vụ không những sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn phục vụ chỉ đạo của các bộ ngành, địa phương. Nhiệm vụ rất nhiều nhưng với 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Truyền thông chính sách kịp thời đến người dân và doanh nghiệp; phục vụ sự chỉ đạo không chỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn của các bộ ngành, địa phương).
Theo báo cáo, trong 89 bộ ngành, địa phương, có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trong đó có 14/18 bộ và cơ quan ngang bộ; 6/8 cơ quan thuộc Chính phủ) đã cung cấp đầy đủ thông tin. Các cơ quan bộ ngành còn lại chưa cung cấp đầy đủ thông tin ; đề nghị các đồng chí báo cáo lãnh đạo trong thời gian sớm nhất cung cấp đầy đủ.
Trong 63 tỉnh, thành phố, có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp đầy đủ các thông tin. Chúng ta còn 6 địa phương; đề nghị sau Hội nghị này, các đồng chí báo cáo với lãnh đạo địa phương mình khẩn trương hoàn thiện, hoàn thành nhiệm vụ này.
Đã có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp kịp thông tin đến cấp huyện và có 29 tỉnh, thành phố Trung ương cung cấp thông tin đến cấp xã, phường, thị trấn. Đề nghị các đồng chí báo cáo với lãnh đạo địa phương quan tâm để sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đến kịp thời người dân; để kết nối thông tin nhanh, trực tiếp, hiệu quả.
Hiện nay, chúng ta có 43 Cổng TTĐT các bộ ngành, địa phương đã tích hợp đầy đủ với các Trang, Cổng TTĐT. Những bộ ngành, địa phương nào chưa làm được thì cố gắng tích hợp. Tất nhiên, còn vấn đề nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực để vận hành, không khác gì thời kỳ chúng ta phấn đấu 1 cửa cải cách thủ tục hành chính, rồi phấn đấu 1 cửa liên thông, xong thành lập Trung tâm hành chính công các tỉnh, thành phố. Ngoài biên chế ở Trung tâm dịch vụ công, các sở ngành liên quan phải cử người kiêm nghiệm giải quyết công việc.
Sau bước tiến nữa, các bộ phận 1 cửa liên thông này không phụ thuộc vào địa giới hành chính nữa. Năm 2024 có 5 địa phương thí điểm Trung tâm dịch vụ hành chính công 1 cấp trong đó có Hà Nội. Phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói tương đối rõ điều này. 5 tỉnh, thành phố Trung ương làm rất tốt việc này, trong đó có Bắc Ninh. Bắc Ninh giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (dịch vụ hành chính công) là một những tỉnh đứng đầu cả nước, kể cả mức độ công khai, minh bạch kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Vấn đề số hóa, hồ sơ ở Bắc Ninh cũng rất cao. Mức độ phản ánh và xử lý kiến nghị ở Bắc Ninh cũng làm rất tốt. Còn nhiều tỉnh nữa nhưng hôm nay có đại diện Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh phát biểu nên tôi nói thêm.
Trong báo cáo của Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, các bài tham luận của các đơn vị và bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nói rõ, thời gian tới, để phục vụ 2 nhiệm vụ căn bản (Truyền thông chính sách kịp thời đến người dân và doanh nghiệp; phục vụ sự chỉ đạo không chỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn của các Bộ ngành, địa phương), tôi đề xuất mấy nhiệm vụ sau:
Một là, đề nghị các đồng chí báo cáo lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, nhất là các đồng chí đứng đầu phải quan tâm; có kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin. Đây là vấn đề mấu chốt. Chúng ta nâng cấp hệ thống thông tin ở các bộ ngành, địa phương sau đó mới kết nối, liên thông, chia sẻ. Mục tiêu ta đang đi là: Hiện nay, ta thành lập ở 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Trung tâm dịch vụ hành chính công 1 cấp để sau này người dân ở xã chỉ cần đến xã là có thể giải quyết được các thủ tục hành chính mà kết nối được với Trung ương, không phải về Trung ương nữa. Vậy, Cổng TTĐT của chúng ta cũng phải thế.
Về cơ chế chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định cho phép dùng vốn chi thường xuyên để đầu tư, nâng cấp các hệ thống thông tin; trong đó có việc kết nối, liên thông thông tin. Do vậy, vấn đề về vốn không mắc nữa. Nên chúng ta phải đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống thông tin để phục vụ tích hợp, kết nối thông tin.
Thứ hai, phải đầu tư nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực làm việc trực tiếp.
Thứ ba, về tổ chức, đề nghị các bộ ngành, địa phương thống nhất Cổng TTĐT trực thuộc Văn phòng. Ở địa phương, Cổng TTĐT trực thuộc Văn phòng của UBND tỉnh, thành phố còn ở Bộ thì trực thuộc Văn phòng Bộ. Hiện nay, chúng ta có bộ phận 1 cửa ở Văn phòng cấp Bộ. Ở địa phương thì có địa phương nằm ở một số sở; có địa phương thì có Trung tâm dịch vụ hành chính công. Việc này phải triển khai ngay vì Nghị định 42 ban hành và triển khai từ năm 2022 rồi.
Thứ tư, những kiến nghị hôm nay tương đối nhiều về các khó khăn, vướng mắc. Đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ tổng hợp lại; phân nhóm kiến nghị, khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề nghị cấp đó xem xét, xử lý. Cổng TTĐT tổng hợp lại những kiến nghị và báo cáo hôm nay của Cổng TTĐT Chính phủ, cũng như phát biểu một số đồng chí đại diện cho một số Bộ ngành, địa phương.
Thứ năm, đề nghị Cổng TTĐT các bộ ngành, địa phương phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ không những truyền thông chính sách một cách kịp thời mà còn phải xử lý những kiến nghị, phản ánh của người dân một cách kịp thời; đồng thời, phối hợp với các bộ ngành làm tốt các chức năng, nhiệm vụ. Nghị định 42 đã nói và trong bài phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cũng đã nói rõ từng nhiệm vụ với mục tiêu là không những truyền thông chính sách mà tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, bức xúc nhất của người dân và doanh nghiệp để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời. Thực chất việc này cũng giúp Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành.
Thay mặt cho các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành, UBND TP. Hà Nội và các đồng chí đại diện các Cổng TTĐT của các bộ ngành, địa phương đã đến dự Hội nghị rất quan trọng này. Sau Hội nghị này, chúng ta về triển khai các công việc tốt hơn. Chúc nhiệm vụ kết nối, liên thông các thông tin để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương ngày càng tốt hơn.
11:08 ngày 14/11/2024
Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm phát biểu đáp từ, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo:
Chúng tôi sẽ nghiêm túc quán triệt và thực hiện các chỉ đạo cụ thể, có tính chiến lược và rất sâu sắc của Bộ trưởng.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ không thể hoàn tốt nhiệm vụ nếu như không có sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ hằng ngày của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; các Phó Chủ nhiệm VPCP.
Hội nghị đã nghe 4 ý kiến tham luận rất hay, rất cụ thể, thiết thực, có trách nhiệm và có tính gợi mở để Cổng TTĐT Chính phủ có những định hướng, tham mưu cụ thể với lãnh đạo, các cấp lãnh đạo để có những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ của Hội nghị hôm nay, sẽ còn rất nhiều nội dung chưa thể nói hết ở đây, chúng tôi sẽ tổng hợp lại các ý kiến, chỉ đạo của các đồng chí để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Riêng về phần công nghệ, để kết nối, chia sẻ, chúng tôi sẽ ngay lập tức thiết lập một đường dây nóng để hỗ trợ các Cổng TTĐT có thể triển khai ngay các phần việc của mình.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo các văn phòng, bộ, ngành, địa phương, các đồng chí Giám đốc các Cổng TTĐT đã đồng hành với chúng tôi trong suốt thời gian vừa qua.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, đồng hành của các đồng chí để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Về phía Cổng TTĐT Chính phủ, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, cùng nhau thiết lập lên một hệ sinh thái của Cổng TTĐT Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương để làm tốt hơn sứ mệnh mà lãnh đạo giao phó.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí đã tham dự hội nghị./.
Nguồn: chinhphu.vn
Related news
- Tài liệu Hội nghị Cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Y tế năm 2024
- Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh sự sống từ tạng hiến của người cho chết não
- Bộ Y tế ban hành Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt
- Chính thức cấm kinh doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thuốc lá mới
- Bộ Y tế công bố 62 bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến được hưởng BHYT 100%
- Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Kenya tăng lên 31
- Pakistan có 68 ca mắc bệnh bại liệt năm 2024