Không quy định cụ thể số con của mỗi cặp vợ chồng
12/07/2024 | 08:26 AM
|
Trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đang đề xuất không quy định cụ thể về số con của mỗi cặp vợ chồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương - Ảnh: VGP/HM
Trao đổi với báo chí nhân ngày Dân số thế giới (11/7), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đang đề xuất không quy định cụ thể về số con của mỗi cặp vợ chồng.
Trước khi đề xuất nội dung này, Bộ Y tế đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị, bộ ngành và các địa phương. Theo đó, Bộ sẽ có những điều chỉnh phù hợp để duy trì mức sinh thay thế trên cả nước và đảm bảo cơ cấu dân số vàng.
Xin Thứ trưởng cho biết tỷ suất sinh hiện nay ở nước ta và ngành Y tế có giải pháp gì để đảm bảo duy trì mức sinh thay thế trên cả nước, thưa Bà?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương: Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2023, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và duy trì kết quả sinh ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (2-2,1 con/gia đình).
Chương trình này đã được triển khai thực hiện nhằm đảm bảo mức sinh thay thế phù hợp với từng vùng miền. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện Chương trình, cùng với sự triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đang đề xuất điều chỉnh đó để đảm bảo mức sinh thay thế.
Hiện nay, có những địa phương có mức sinh thay thế thấp những cũng có những địa phương có mức sinh cao, vượt mức sinh thay thế. Vì vậy, việc chỉnh sửa các giải pháp phù hợp với thực tế là cần thiết, để không xảy ra tình trạng giảm mức sinh mà không thể tăng lại được như một số quốc gia phát triển hiện nay.
Không quy định cụ thể số con của mỗi cặp vợ chồng
Bộ Y tế đang đề xuất không quy định cụ thể về số con của mỗi cặp vợ chồng - Ảnh: VGP/HM
Bốn thách thức lớn trong công tác dân số
Bên cạnh vấn đề về mức sinh thay thế, công tác dân số hiện nay còn gặp những khó khăn, thách thức như nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương: Trong thời gian qua, công tác dân số dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành mà Việt Nam đã duy trì bền vững mức sinh thay thế cũng như thời gia kỳ dân số vàng.
Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế xã hội cũng như sự thay đổi của nhiều yếu tố khách quan thì công tác dân số vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, mức sinh thay thế có xu hướng không đảm bảo bền vững, có những địa phương có mức sinh thấp, thậm chí có địa phương có tỷ lệ mức sinh thấp hơn so với yêu cầu.
Thứ 2, xã hội hoá dân số bắt đầu tăng nhanh.
Thứ 3, mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt một số vùng miền mất cân bằng rất rõ.
Thứ 4, sự lồng ghép của công tác dân số và các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương chưa hiệu quả, toàn diện, dẫn đến thách thức rất lớn.
Trước những thách thức này, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt chỉ đạo Bộ Y tế là đầu mối xây dựng Luật Dân số nhằm giải quyết khó khăn, thách thức, thể chế hoá tất cả chính sách, quy định để công tác dân số ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu về sự phát triển kinh tế xã hội, vấn đề lao động và sức khoẻ của người dân.
Một dẫn chứng điển hình, đó là tuổi thọ của người dân Việt Nam có tăng, tuy nhiên số năm sống khoẻ mạnh của người Việt Nam chưa cao so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2041. Vậy, chúng ta cần tận dụng cơ hội này như thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương: Để tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương vì công tác dân số là sự tham gia liên ngành.
Thời kỳ dân số vàng sẽ liên quan đến lao động, chúng ta phải tận dụng được lực lượng lao động trẻ và làm sao đào tạo, bồi dưỡng chất lượng nguồn nhân lực này tốt nhất, để họ có thể tham gia vào các ngành nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tận dụng thời kỳ dân số vàng để tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội khác, không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tốc độ tăng dân số, quy mô dân số cũng như cơ cấu dân số tại một quốc gia. Nếu mức sinh quá cao sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Nếu mức sinh quá thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt nhóm dân số trong độ tuổi lao động, gia tăng tốc độ già hóa, số lượng và tỷ trọng người cao tuổi, suy giảm quy mô dân số và tăng trưởng âm về dân số. Những điều này sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Nguồn: Chinhphu.vn
Related news
- Phẫu thuật robot điều trị ung thư đại tràng cho cụ bà 89 tuổi
- Chủ động giám sát, phát hiện và kiểm soát bệnh do virus Marburg
- Điều chỉnh thuế thuốc lá vì một Việt Nam khỏe mạnh và thịnh vượng
- Mời báo giá mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho trụ sở cơ quan Bộ Y tế
- Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội
- Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”
- Danh mục chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được xác định mã số HS