Chuyên gia sản khoa: Sản phụ chỉ sinh con tại nhà trong trường hợp bất đắc dĩ
12/06/2024 | 08:55 AM
|
Trào lưu "sinh con thuận tự nhiên" được khởi xướng và lan truyền trong một bộ phận các bà mẹ. Đã có nhiều trường hợp nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Vào tháng 11/2019, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã tiếp nhận sản phụ N.T.T. (32 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện vào tuần thai thứ 40. Lúc đó, chị T. đã có dấu hiệu chuyển dạ, thai to, khung xương chậu nhỏ, cổ tử cung không mở với vết mổ cũ.
Các bác sĩ đánh giá sản phụ không thể sinh tự nhiên, nên chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo tính mạng cho thai nhi. Thế nhưng, sản phụ cùng gia đình không đồng ý.
Hai giờ sau nhập viện, chị T. bị vỡ ối, nước ối vàng, đau bụng dữ dội, sốt cao, tim thai nhanh. Bác sĩ trực đánh giá chuyển dạ khó khăn, chỉ định truyền dịch, truyền thuốc hạ sốt, nhưng chị T. và gia đình vẫn không đồng ý thực hiện bất cứ can thiệp nào.
Gia đình còn đưa ra rất nhiều yêu cầu như không được thăm khám âm đạo, không để sản phụ sinh trên bàn mà phải sinh trong tư thế đứng, không được tiêm kháng sinh, truyền hạ sốt cho sản phụ, không được tiêm vaccinne cho trẻ khi sinh ra, phải để nửa tiếng mới được cắt dây rốn... Thậm chí còn ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm khi xảy ra trường hợp xấu. Chỉ đến khi dấu hiệu nguy hiểm lên thai đến mức báo động, lãnh đạo khoa kiên quyết giải thích rằng mổ lấy thai là để cứu sống thai nhi, lúc đó sản phụ và gia đình mới đồng ý để bác sĩ can thiệp.
Ca mổ thành công nhưng do để vỡ ối lâu nên mẹ con sản phụ đều phải tiêm kháng sinh, riêng em bé phải hỗ trợ hô hấp.
Trước đó, bé gái sơ sinh con của sản phụ T.N.Y.N. (ngụ quận 11, TPHCM) cũng được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, dây rốn và bánh nhau đều đã bị khô. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hồi sức tích cực cho bé trong suốt 30 phút, nhưng bé đã không qua khỏi.
Theo người nhà của bé, vì bà nội bé cũng từng sinh ở nhà, nên giờ gia đình cũng để bé sinh ra tại nhà.
Gần đây nhất, trên mạng xã hội cũng đã chia sẻ bài viết về trường hợp sinh con theo trào lưu "thuận tự nhiên".
Theo đó, tài khoản facebook với tên N.M. đã chia sẻ câu chuyện về việc vợ chồng em của mình đã hạ sinh thành công một bé trai nặng 3,3kg tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Thậm chí, sau sinh, trẻ cũng không được cắt dây rốn hay tiêm vaccine, kèm theo đó là những lời ngợi ca và cho rằng, việc sinh ở bệnh viện kiến những đứa trẻ phải "ra đời trong tay của người xa lạ".
Ngay dưới chân bài viết, rất nhiều người đã để lại những bình luận cảnh báo về cách "sinh con thuận tự nhiên" đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ sự đồng thuận và ngưỡng mộ với những người mẹ sinh con theo phương pháp này.
Chỉ sinh con tại nhà trong trường hợp ‘bất đắc dĩ’
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cho biết, trên thế giới hay ở Việt Nam cũng có rất nhiều trường hợp phụ nữ sinh con tại nhà, nhưng là được sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay các "cô đỡ thôn bản". Những trường hợp này bắt buộc phải sinh con tại nhà, do không có điều kiện đến các cơ sở y tế như giao thông không thuận tiện, hoặc chuyển dạ quá nhanh…
"Tự đẻ tại nhà thì cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt với những trường hợp đã từng có vết mổ đẻ cũ, ngôi thai không thuận, thai quá to… thì càng nguy hiểm hơn", TS.BS Phan Chí Thành nhấn mạnh.
TS.BS Phan Chí Thành cũng khẳng định, đẻ tại nhà dù được người có kinh nghiệm đến hỗ trợ thì vẫn có nguy cơ tử vong thai nhi, tăng nguy cơ suy thai và bại não. Vậy nên, trong trường hợp thai phụ đẻ tại nhà vẫn cần được nhân viên y tế hỗ trợ, trong suốt quá trình mang thai cũng cần được đi khám thai định kỳ.
"Thai phụ cần khám thai, siêu âm đều để phát hiện ra những bất thường của thai nhi hoặc thai phụ. Hay có những trường hợp không thể sinh thường, cần được chỉ định mổ tuyệt đối như thai quá to, thai phụ có những bệnh lý nguy hiểm…
Trên thế giới có nhiều trường hợp đẻ tại nhà thành công, nhưng trước đó người ta cần chuẩn bị mọi thứ rất đầy đủ. Khi sinh có bác sĩ, nữ hộ sinh hỗ trợ và lên phương án khi nào là nguy hiểm, cần phải đến bệnh viện" TS.BS Phan Chí Thành cho hay.
Cũng theo TS.BS Phan Chí Thành, việc để thai phụ sinh con trong bồn nước cũng được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Việc này có ưu điểm giúp thai phụ thư giãn hơn, khung xương chậu của người phụ nữ sẽ giãn nở tốt hơn. Nhưng đó là nguồn nước ở bệnh viện, được đảm bảo sạch tuyệt đối, còn sinh con trong bồn nước tại nhà thì nước thường sẽ không đảm bảo nên sẽ không được khuyến cáo.
"Cái gì thuận về tự nhiên mà tốt cho cả mẹ và con thì tại bệnh viện cũng đã được thực hiện từ lâu. Như cắt dây rốn muộn để lượng máu con nhận được nhiều nhất, áp dụng da kề da ngay sau khi bé chào đời, cho con bú sớm nhất, kể cả với sinh mổ. Do vậy các bà mẹ không cần lo lắng khi đến viện sẽ không được thuận theo tự nhiên. Các bác sĩ làm những gì tốt nhất theo tự nhiên và biết khi nào cần can thiệp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé", TS.BS Phan Chí Thành thông tin.
Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương cũng cho rằng, việc thai phụ tự sinh con theo cách "thuận tự nhiên" tại nhà, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội sẽ gây nguy hiểm nếu nhiều người muốn học theo, mà hiểu sai về phương pháp đẻ tại nhà, không cần bất cứ một sự hỗ trợ nào từ y bác sĩ, "cô đỡ thôn bản".
"Phải khẳng định rằng đẻ tại bệnh viện là an toàn nhất. Việc em bé được sinh và cắt dây rốn ở ngoại viện, không được tiêm uốn ván có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Sản phụ đẻ tại nhà không biết bánh nhau đã sổ hết chưa? Rồi bị rách tầng sinh môn thì cần phải khâu lại, điều trị kháng sinh để kiểm soát nhiễm khuẩn. Sản phụ cũng cần được thăm khám và kiểm tra buồng tử cung… Còn bé sơ sinh cần phải được tiêm phòng uốn ván, vaccine… để đề phòng các nguy cơ cho mẹ và bé", TS.BS Phan Chí Thành lo lắng.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em (Bộ Y tế): "Sinh con tại nhà" là phản khoa học có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn.... thậm chí gây tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh nếu không có sự theo dõi, hỗ trợ của cán bộ y tế.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Chuyên gia chỉ nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt vẫn khiêm tốn
- Những thách thức trong quy định và thực thi chính sách về thuốc lá mới
- Lợi ích kép từ mô hình mẫu triển khai bệnh án điện tử
- Mời gửi báo giá điều hoà không khí
- Mời báo giá Thuê dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng xe ô tô
- Bộ Tư pháp: Công bố Bộ pháp điển Việt Nam-Công cụ tra cứu pháp luật chính thống, toàn diện, khoa học
- Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Thanh tra các Bộ, ngành Khối III