Người nước ngoài tới Việt Nam điều trị hiếm muộn

31/10/2024 | 11:24 AM

 | 

Trước đây, người dân đã phải ra nước ngoài để điều trị vô sinh, hiếm muộn nhằm hiện thực hóa ước mơ làm cha, làm mẹ của mình. Thế nhưng, xu hướng này thậm chí giờ đây còn ngược lại.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Bộ môn Mô - Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - BV Đại học Y Hà Nội.

Vô sinh, hiếm muộn từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít các cặp vợ chồng. Vô sinh không chỉ tước đi cơ hội làm cha, làm mẹ mà còn đe doạ trực tiếp đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, hiện nay tình trạng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng trẻ hoá. Mới đây, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) đã khẳng định thụ tinh ống nghiệm (IVF) là lĩnh vực hỗ trợ sinh sản phát triển bậc nhất trong ngành y tế. 

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện là nơi có tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công cao đứng top đầu cả nước. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Bộ môn Mô - Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - BV Đại học Y Hà Nội, xung quanh câu chuyện này.

- Trước đây, người dân Việt Nam phải  đi ra nước ngoài để điều trị vô sinh, hỗ trợ sinh sản. Hiện nay xu hướng này có thay đổi?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Nếu so với cách đây 20 - 30 năm thì y tế của Việt Nam đã phát triển rất mạnh, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Nhiều bệnh nhân nước ngoài đã sang Việt Nam khám, chữa bệnh. Tại Việt Nam, những bệnh nhân nặng thay vì ra nước ngoài chữa bệnh như trước đây thì nay đã ở lại trong nước điều trị.

Tỷ lệ thành công của các phương pháp hỗ trợ sinh sản của Việt Nam tương đối cao trong khi chi phí lại tương đối thấp.

Đối với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cũng vậy, trước đây, người dân đã phải ra nước ngoài để điều trị nhằm hiện thực hóa ước mơ làm cha, làm mẹ của mình. Thế nhưng, xu hướng này thậm chí giờ đây còn ngược lại. Đó là người nước ngoài hoặc các trường hợp có các yếu tố nước ngoài tìm đến Việt Nam để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Thông thường, họ hoặc là đã từng thực hiện hỗ trợ sinh sản ở nước ngoài nhưng thất bại nên quay về Việt Nam để làm. Nhóm thứ hai là bệnh nhân vốn là người Việt Nam, kết hôn với người nước ngoài và về Việt Nam để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Một năm, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận khoảng 50-60 trường hợp có yếu tố nước ngoài. Họ hoàn toàn có cơ hội điều trị tại nước ngoài nhưng vẫn quay về Việt Nam để can thiệp hỗ trợ sinh sản.

PV: Bác sĩ có thể lấy ví dụ được không?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Mới đây, có một cặp đôi cả hai vợ chồng là người Việt Nam nhưng làm việc và nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Người vợ 38 tuổi, bị vô sinh nguyên phát 5 năm. Khi làm IVF, mỗi lần chuyển chỉ chuyển được một phôi. Họ làm 3 lần đều thất bại. Sau đó, dù vẫn còn lưu phôi tại Nhật Bản và được đội ngũ bên đó giúp tìm con nhưng không thành công. Cuối cùng, cặp đôi quyết định về Việt Nam để can thiệp. Tại đây, chúng tôi hỗ trợ họ chọc được 10 trứng, tạo được 7 phôi, chuyển 2 phôi ngày 3 thì thành công luôn. Chúng tôi đánh giá có thể do khi về Việt Nam, việc tăng số lượng phôi trong một lần chuyển khiến tỷ lệ thành công cao hơn. Hoặc cũng có thể khi ở trong nước, tâm lý của họ cũng thoải mái hơn, từ đó khả năng thành công cao hơn.

 

Bệnh nhân tìm tới điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

PV: Vậy hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của Việt Nam được đánh giá như thế nào so với thế giới thưa bác sĩ?Đâu là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam để điều trị?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Thứ nhất là tỷ lệ thành công của các phương pháp hỗ trợ sinh sản của chúng ta tương đối cao trong khi chi phí lại tương đối thấp. Chẳng hạn, chi phí thụ tinh trong ống nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ khoảng 60 đến 80 triệu thôi, và trong đấy chi phí cơ bản chỉ có khoảng 30 triệu thôi. Chi phí như thế này được đánh giá là rất thấp so với nước ngoài.

Thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được đo lường bằng tỷ lệ có thai và hiện tại tất cả kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản Việt Nam đều làm được. Thế giới có gì hay thì chúng ta làm được cái đó. Có một điều rằng ở Việt Nam, số lượng bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn nhiều nên các bác sĩ được thực hành lâm sàng rất nhiều, từ đó có được kinh nghiệm và tay nghề thực hiện rất tốt.

- Xin bác sĩ cho biết hiện tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam là bao nhiêu?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện là nơi có tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công cao đứng top đầu cả nước. Chúng tôi đã khám hơn 10.000 ca hiếm muộn, hơn 2.500 ca thụ tinh trong ống nghiệm, tỷ lệ có thai gần 60%.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng trong điều trị hỗ trợ sinh sản, có những bệnh nhân đáp ứng và có bệnh nhân không. Mặc dù bây giờ kỹ thuật rất phát triển, tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm là khoảng 50 đến 60% ở tất cả các trung tâm, tức là mình phải hiểu nôm na là vẫn còn khoảng 40 đến 50% những bệnh nhân chúng ta không thể can thiệp được.

Phòng Truyền thông Y tế


Thăm dò ý kiến