Trạm y tế xã được thực hiện gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
11/11/2024 | 09:36 AM
|
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 30/2024/TT - BYT, quy định danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế thực hiện. Theo đó, từ ngày 19/12/2024, các trạm y tế xã, phường, thị trấn được thực hiện gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS…
Theo đó các gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện tại trạm y tế sẽ bao gồm:
-
Dự phòng lây nhiễm HIV
1.1. Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch
- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã hoặc tại cơ sở y tế.
- Đối tượng: Người nghiện chích ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, những người có quan hệ tình dục với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV trên địa bàn (theo số lần cung cấp dịch vụ).
- Nội dung:
+ Tư vấn cho các đối tượng trên về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp can thiệp phù hợp với nguy cơ, tư vấn chuyển gửi điều trị;
+ Cung cấp và hướng dẫn sử dụng các vật dụng dự phòng (bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn và các vật dụng giảm tác hại khác);
+ Lập hồ sơ và quản lý đối tượng.
1.2. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP)
- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã hoặc tại cơ sở y tế.
- Đối tượng: Người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao, bao gồm người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính; người sử dụng ma túy, người bán dâm; vợ, chồng người nhiễm HIV; vợ, chồng của người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, người sử dụng ma túy, người bán dâm; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV…
- Nội dung: Tư vấn cho các đối tượng trên về các yếu tố nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc HIV bằng các kỹ thuật đơn giản; quy trình điều trị PrEP (các yếu tố nguy cơ và quy trình khám, tái khám...).
1.3. Cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế
- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã hoặc tại cơ sở y tế.
- Đối tượng: Người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
- Nội dung: Cấp phát thuốc cho người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
2. Giám sát dịch tễ học HIV/AIDS
- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã hoặc tại cơ sở y tế.
- Đối tượng: Nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV tham gia điều tra, người nhiễm HIV/AIDS.
- Nội dung:
+ Rà soát, hiệu chỉnh, cập nhật thông tin người nhiễm HIV trên hệ thống HIV-INFO sau khi nhận được thông tin về người nhiễm HIV, người nhiễm HIV đang điều trị HIV/AIDS đang sinh sống hoặc thường trú trên địa bàn xã;
+ Phối hợp với cán bộ tư pháp xã nơi người nhiễm HIV tử vong sinh sống hoặc thường trú thu thập thông tin, cập nhật lên hệ thống HIV - INFO hoặc gửi bằng văn bản cho cơ quan giám sát dịch HIV/AIDS cấp huyện;
+ Phối hợp với cơ quan giám sát dịch HIV/AIDS cấp huyện đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV khi có số người nhiễm HIV gia tăng theo hướng dẫn chuyên môn;
+ Thực hiện báo cáo tổng hợp số liệu giám sát ca bệnh HIV/AIDS định kỳ hằng quý và hằng năm;
+ Phối hợp với Cơ quan giám sát dịch HIV/AIDS cấp tỉnh và cơ quan giám sát dịch HIV/AIDS cấp huyện tổ chức triển khai giám sát trọng điểm hằng năm.
Từ ngày 19/12/2024, các trạm y tế xã, phường, thị trấn được thực hiện gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS…
3. Chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà
- Địa điểm thực hiện tại nhà người bệnh.
- Đối tượng: Người bệnh HIV điều trị thuốc ARV đang được quản lý, chăm sóc tại xã.
- Nội dung: Tư vấn hỗ trợ tuân thủ điều trị thuốc ARV; giáo dục và tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng cho người nhiễm HIV; tư vấn về dự phòng lây nhiễm HIV về tình dục an toàn, tiêm chích an toàn, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn, xét nghiệm HIV cho các thành viên khác trong gia đình; chăm sóc và hỗ trợ cho trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC).
Thực hiện chăm sóc giảm nhẹ, hướng dẫn cách tự chăm sóc, xử trí các triệu chứng đau, các triệu chứng thông thường khác tại nhà và phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cần chuyển tới cơ sở y tế tuyến trên.
Sàng lọc phát hiện các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần (lo âu, trầm cảm) hỗ trợ tâm lý, tinh thần cho người bệnh HIV/AIDS, giới thiệu đến cơ sở y tế để khám chuyên khoa nếu cần và chăm sóc cuối đời.
4. Xét nghiệm sàng lọc HIV
4.1. Xét nghiệm sàng lọc HIV tại Trạm Y tế xã
- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã.
- Đối tượng: Người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và người có nhu cầu xét nghiệm HIV.
- Nội dung: Tư vấn trước xét nghiệm HIV; làm xét nghiệm HIV; lấy máu gửi xét nghiệm khẳng định đối với trường hợp xét nghiệm sàng lọc HIV có phản ứng; bảo quản và vận chuyển mẫu máu đến phòng xét nghiệm khẳng định HIV; trả kết quả, tư vấn sau xét nghiệm (bao gồm giới thiệu người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính tham gia điều trị và người âm tính tiếp cận với can thiệp dự phòng lây nhiễm).
4.2. Xét nghiệm sàng lọc HIV lưu động
- Địa điểm thực hiện tại đĐiểm cung cấp dịch vụ tại cộng đồng (ngoài cơ sở y tế).
- Đối tượng: Người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
- Nội dung: Vận động người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao đi làm xét nghiệm HIV; tư vấn trước xét nghiệm HIV; làm xét nghiệm HIV; lấy máu gửi xét nghiệm khẳng định đối với trường hợp xét nghiệm sàng lọc HIV có phản ứng; bảo quản và vận chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm khẳng định HIV; trả kết quả, tư vấn sau xét nghiệm (bao gồm giới thiệu người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính tham gia điều trị và người âm tính tiếp cận với can thiệp dự phòng lây nhiễm).
5. Tiếp cận người nhiễm HIV và kết nối điều trị HIV
- Địa điểm thực hiện tại cộng đồng (ngoài Trạm Y tế xã).
- Đối tượng: Người nhiễm HIV chưa tham gia điều trị hoặc đã bỏ điều trị HIV.
- Nội dung: Xác định người nhiễm HIV chưa được điều trị hoặc đã bỏ điều trị HIV; tiếp cận, tư vấn và kết nối người nhiễm HIV chưa được điều trị hoặc đã bỏ điều trị với hoạt động điều trị HIV.
6. Quản lý người bệnh điều trị thuốc kháng HIV tại Trạm Y tế xã
- Địa điểm thực hiện tại Trạm Y tế xã.
- Đối tượng: Người bệnh HIV điều trị thuốc ARV đang được quản lý, chăm sóc tại xã.
- Nội dung:
+ Tiếp nhận người bệnh, kiểm tra đối chiếu thông tin cá nhân trên giấy tờ tùy thân của người bệnh với thông tin trên Giấy chuyển tuyến;
+ Cấp thuốc theo đơn thuốc được ghi trong Giấy chuyển tuyến và Sổ khám bệnh của người bệnh. Trước khi cấp thuốc, cần khám bệnh, sàng lọc lao và đánh giá tuân thủ điều trị của người bệnh. Trường hợp không có dấu hiệu bất thường, người bệnh tuân thủ điều trị tốt, cấp thuốc kháng HIV hằng tháng theo đơn. Ghi rõ tên thuốc, số lượng thuốc đã cấp và hướng dẫn sử dụng thuốc vào Sổ khám bệnh của người bệnh. Trường hợp có dấu hiệu bất thường thì xử trí trong phạm vi chuyên môn. Nếu vượt quá khả năng chuyên môn thì chuyển tuyến theo quy định;
+ Nhắc lịch người bệnh đến khám lại định kỳ tại cơ sở điều trị theo lịch hẹn trên Sổ khám bệnh và Giấy chuyển tuyến...
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
- Giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm nhờ truy xuất nguồn gốc
- Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm
- Sáu quan điểm cơ bản xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế
- Số ca mắc sởi của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gia tăng
- Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân
- Bệnh nhân suy gan cấp hồi phục kỳ diệu sau 5 tháng điều trị, chưa cần ghép gan