Sơn La nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

16/07/2024 | 09:40 AM

 | 

 

Sơn La là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong những năm qua, nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, tài liệu…, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Lò Văn Ánh chia sẻ những kiến thức về chủ đề giáo dục giới tính cho đồng bào xã Chiềng Đen.

Lò Văn Ánh chia sẻ những kiến thức về chủ đề giáo dục giới tính cho đồng bào xã Chiềng Đen.

Xã Chiềng Đen là xã thuần nông thuộc thành phố Sơn La. Xã gồm 8 bản với hơn 6.000 đồng bào dân tộc Thái cùng sinh sống. Ngoài trồng lúa, ngô và các loại nông sản khác, người dân trong xã còn trồng nhiều loại trái cây như mận, xoài, chuối.

Tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã Chiềng Đen so với những năm trước đã giảm đi rất nhiều, các phong tục tập quán lạc hậu hầu như không còn. Tuy nhiên, kiến thức của thanh thiếu niên về sức khỏe sinh sản còn rất hạn chế. Nhiều em có thai ngoài ý muốn khi còn đang đi học. Số lượng thanh thiếu niên học lên cấp trung học phổ thông còn thấp mà phải nghỉ học sớm để đi làm hoặc kết hôn sớm.

Do đó, trang bị kiến thức về giới tính cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số không chỉ hỗ trợ các em trong quá trình hoàn thiện bản thân, mà còn hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Lò Văn Ánh, dân tộc Thái, công tác tại Trạm Y tế xã Chiềng Đen. Ánh là một thành viên tích cực của Dự án “Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025”.

Ngay từ khi được triển khai trên địa bàn, đến nay dự án đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới nhằm giảm tỷ lệ kết hôn trẻ em ở cộng đồng dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La.

Dự án được Chính phủ Canada tài trợ thông qua Tổ chức HealthBridge Foundation of Canada nhằm tăng cường kiến thức và thái độ của người dân cộng đồng, phụ nữ và nam giới, vị thành niên về sức khỏe sinh sản, tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực.

Dự án được Chính phủ Canada tài trợ thông qua Tổ chức HealthBridge Foundation of Canada nhằm tăng cường kiến thức và thái độ của người dân cộng đồng, phụ nữ và nam giới, vị thành niên về sức khỏe sinh sản, tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực.

Sơn La nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ảnh 1

Hoạt động truyền thông sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn tại xã Chiềng Đen, Sơn La.

Hai năm qua, Lò Văn Ánh và nhóm truyền thông của mình đã đi đến các bản làng và tổ chức được 40 buổi truyền thông cho hơn 850 người dân, chủ yếu là trẻ vị thành niên, thanh niên và những cặp vợ chồng trẻ.

“Những buổi đầu tổ chức hoạt động tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, mọi người rất ít khi đề cập đến vấn đề này, vì ai cũng cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ, không chia sẻ nhiều do chủ đề giáo dục giới tính còn nhạy cảm. Sau một vài buổi, các tuyên truyền viên đã truyền đạt trực quan, sinh động bằng tranh ảnh, trò chơi và công cụ của dự án hỗ trợ. Nhờ đó khiến các buổi truyền thông vui vẻ và cởi mở hơn”, Ánh chia sẻ.

Từ năm 2021 đến nay, dự án đã tổ chức 8 khóa tập huấn cho 219 người là giáo viên, cán bộ y tế của tỉnh, huyện, xã và y tế thôn/bản về các chủ đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ. Tổ chức hai chuyến giám sát hỗ trợ tới sáu xã và trường dự án.

Ngoài ra, dự án đã tổ chức 14 sự kiện truyền thông tại 6 trường dự án cho 7568 lượt học sinh; Tổ chức 250 cuộc truyền thông tại cộng đồng cho 5.500 người về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; Hỗ trợ triển khai 6 góc thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục tại 6 trường dự án. Bên cạnh đó, dự án cung cấp phương tiện truyền thông (loa di động, ghế chờ, thùng rác, tủ truyền thông...) cho 6 trạm y tế và 6 trường dự án.

Bảo Trâm một học sinh lớp 9 Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi, thành phố Sơn La. Trâm là một trong nhóm 24 học sinh được tham gia lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục do dự án tổ chức.

Trao đổi với Trâm khi ở lớp tập huấn, Trâm chia sẻ: “Người dân địa phương, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên ở Sơn La gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Tình trạng tảo hôn ở Sơn La chúng em còn nhiều, nhiều em học sinh khi học hết trung học cơ sở là không đi học lên trung học phổ thông mà quyết định ở nhà lấy chồng, hoặc đi làm ăn xa”.

Mẹ Trâm là một bác sĩ, và đã chia sẻ với em nhiều câu chuyện về những bạn trẻ lấy chồng khi chưa đủ tuổi và cả những rủi ro khi em bé được sinh ra ở những bà mẹ “trẻ con”. Trâm thấy thương cho các em bé, và thương cho cả những bà mẹ “trẻ con” ấy. Từ đó, Trâm nuôi một ước mơ sau này cũng trở thành bác sĩ để giúp đỡ được cho cộng đồng của mình ở Sơn La.

Tháng 9 năm 2023, Trâm và bạn của em là Phương tham gia khóa đào tạo về sức khỏe sinh sản và kỹ năng giao tiếp do HealthBridge tổ chức. Sau khi tham gia, Trâm cảm thấy có động lực để chia sẻ những kiến thức mình có được với các bạn trong lớp. Cùng với Phương, hai bạn đã mạnh dạn chuẩn bị bài trình bày và tổ chức nhiều buổi chia sẻ về chủ đề sức khỏe sinh sản cho các bạn trong lớp.

Khi được hỏi tại sao em nghĩ chủ đề này lại quan trọng để chia sẻ, Trâm nói “Đối với em, việc chia sẻ thông tin về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục là rất quan trọng. Tảo hôn và mang thai ngoài ý muốn vẫn còn xảy ra trong cộng đồng chúng ta. Chúng ta nên lên tiếng về những vấn đề này và hành động để ngăn chặn chúng xảy ra. Nó không chỉ là hiện tại mà còn là sự chuẩn bị cho tương lai”. Kế hoạch của Trâm là sẽ tổ chức thêm nhiều buổi chia sẻ nữa ở các lớp khác trong trường.

Nguyên nhân về tỷ lệ tảo hôn tăng cao, do ảnh hưởng của phong tục tập quán và quan niệm lạc hậu, tâm lý phải kết hôn sớm, thậm chí có suy nghĩ lấy vợ sớm để nhà có thêm người lao động.

Tại huyện Vân Hồ, xã Lóng Luông có hơn 1.300 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Nguyên nhân về tỷ lệ tảo hôn tăng cao, do ảnh hưởng của phong tục tập quán và quan niệm lạc hậu, tâm lý phải kết hôn sớm, thậm chí có suy nghĩ lấy vợ sớm để nhà có thêm người lao động.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Vân Hồ Nguyễn Ngọc Cường cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Phòng Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại xã Lóng Luông với hơn 700 lượt người tham gia. Về phía xã, chính quyền cũng tổ chức 15 cuộc với hơn 1.200 lượt người tham gia.

Thời gian tới, Phòng Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị đổi mới công tác tuyên truyền bằng những hình thức phù hợp, như: Tổ chức các phiên tòa giả định, tổ chức xét xử lưu động vi phạm về Luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm xâm hại tình dục trẻ em, để tăng tính giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về việc chấp hành pháp luật, từ đó từng bước thay đổi nhận thức, hành vi.

Chị Tráng Thị Mái (bản Tà Dê, xã Lóng Luông) chia sẻ: Thông qua các cuộc tuyên truyền, nhất là xem phiên tòa giả định, tôi đã hiểu tảo hôn là vi phạm pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy. Tôi hy vọng sẽ có những cuộc tuyên truyền, phiên tòa được tổ chức tới các bản, trường học, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và học sinh.

Sơn La nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ảnh 2

Hoạt động truyền thông sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi, thành phố Sơn La.

Tại các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu… các hoạt động truyền thông cũng được triển khai tích cực. Những bản biệt lập xa trung tâm, chính quyền địa phương xuống tận địa bàn phát tờ rơi, tổ chức phát thanh di động, tuyên truyền đến từng người dân.

Có những địa phương như huyện Yên Châu, để thu hút bà con, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện đã phối hợp Ủy ban nhân dân các xã tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương đã được tỉnh Sơn La trọng tâm vào công tác chăm sóc y tế, dinh dưỡng trẻ em và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên, thanh niên.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương đã được tỉnh Sơn La trọng tâm vào công tác chăm sóc y tế, dinh dưỡng trẻ em và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để tiếp tục đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian tới Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông và giáo dục chuyển đổi hành vi về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (trong đó có giảm dần nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống) theo chỉ đạo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Y tế. Tăng cường đôn đốc, giám sát hoạt động của các mô hình can thiệp giảm dần tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã và các trường phổ thông dân tộc nội trú...

Trên cơ sở đó góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật; đẩy lùi và ngăn chặn nạo phá thai không an toàn trong độ tuổi vị thành niên; góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo cơ hội học tập, lao động cho thanh niên, trẻ vị thành niên và từng bước thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn toàn tỉnh./.

Nguồn: Nhandan.vn


Thăm dò ý kiến