Người góp công lớn về y tế trong hai cuộc kháng chiến tại Nam Bộ
13/03/2015 | 06:31 AM
GS.BS. Nguyễn Văn Thủ như một điển hình, trí thức giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ, tham gia cách mạng ngay từ mở đầu thời kỳ tiền khởi nghĩa, một thầy thuốc tận tụy với nghề, say sưa với ngành cho đến hơi thở cuối cùng. (GS. Trần Văn Giầu)
GS.BS. Nguyễn Văn Thủ sinh ngày 27/2/1915, từ trần ngày 24/6/1984.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Y tế - Xã hội của Quốc hội khóa VI. Trưởng ban Dân y miền Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quý khác.
Ông sinh trưởng trong một gia đình khá giả, từ quê hương Vĩnh Long, lên học Tú tài ở Trường Tây Sài Gòn. Năm 1933, gia đình gửi ông sang Pháp để học bác sĩ nha khoa, là sinh viên Việt Nam duy nhất hay về nghỉ hè ở quê nhà bằng đường máy bay rất tốn kém. Ở Paris, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thủ rất lịch lãm, khiêu vũ giỏi, đánh tennis đẹp, nhưng sớm giác ngộ, đã tham gia hoạt động của các Việt kiều yêu nước. Năm 1940, ông tốt nghiệp bác sĩ nha khoa. Không vương vấn với cuộc sống xa hoa tại kinh thành Paris hoa lệ, năm 1942 ông trở về nước, có phòng khám và chữa trị nha khoa nổi tiếng ở Sài Gòn. Tháng 3 năm 1945, BS. Nguyễn Văn Thủ được Đảng giao nhiệm vụ cùng BS. Phạm Ngọc Thạch tổ chức Thanh niên Tiền phong Sài Gòn - Chợ Lớn và giữ chức vụ Phó Chủ tịch. Tháng 5/1944, BS. Thủ được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn, là lực lượng nòng cốt để giành chính quyền sau này.
Cách mạng Tháng Tám thành công, BS. Thủ được cử làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ và khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được cử làm Ủy viên UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn, được phân công phụ trách y tế và kinh tế. Là một nhà hoạt động chính trị xã hội xuất sắc, BS. Nguyễn Văn Thủ đã đóng góp nhiều công lao cho công cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và sau khi hòa bình lập lại.
Phó Tư lệnh Y tế miền Nam trong kháng chiến lần thứ nhất
Tuy ở xa Trung ương nhưng với trách nhiệm Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Quân Dân Nam Bộ, cùng với Giám đốc - BS. Nguyễn Văn Hưởng, ông đã lãnh đạo, xây dựng, tổ chức bộ máy y tế của Nam Bộ với các hoạt động phù hợp với phương châm của Trung ương đề ra: Vệ sinh phòng bệnh, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, kết hợp chặt chẽ quân y với dân y, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Tư lệnh Y tế miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, năm 1964, BS. Nguyễn Văn Thủ được điều động về chiến trường và được cử làm Trưởng ban Y tế Trung ương Cục miền Nam.
Trước khi BS. Nguyễn Văn Thủ lên đường vào Nam chi viện cho chiến trường, Bác Hồ đã mời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đến nhà Bác dự bữa cơm tiễn BS. Thủ về miền Nam. Bác Hồ đã căn dặn BS. Thủ về Nam cố gắng công tác để sớm thống nhất đất nước đón Bác về thăm đồng bào. BS. Thủ đã bày tỏ nguyện vọng với Bác Hồ, với Thủ tướng việc xây dựng Viện Răng Hàm Mặt của Việt Nam. Ông đã trở về Nam bằng đường biển trên một chuyến tàu không số, rồi từ Bến Tre tới khu giải phóng.
Với trách nhiệm là Trưởng ban Dân y miền Nam, BS. Nguyễn Văn Thủ đã chỉ đạo công tác y tế toàn miền: phối hợp chặt chẽ với quân y trong mọi công tác, tích cực đào tạo cán bộ phục vụ cho chiến trường và vùng giải phóng, đẩy mạnh vệ sinh phòng bệnh, sản xuất một số thuốc thông thường để cung cấp kịp thời cho bộ đội ở khắp các chiến trường và bà con vùng giải phóng. Ông có tầm nhìn xa trong việc bố trí các trí thức tài năng vào nội thành Sài Gòn để xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch nhằm đấu tranh với địch từng bước tiến tới ngày thắng lợi hoàn toàn.
Tại căn cứ địa Tây Ninh, cuối năm 1968, ông đã được gặp lại người bạn cố tri đã đưa ông theo con đường cách mạng là Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch vào chỉ đạo công tác y tế. Nhưng hai vị không được làm việc bên nhau nhiều ngày, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã lâm bệnh nặng và hy sinh tại đây. Ngày 7/11/1968, BS. Nguyễn Văn Thủ đã đau xót khóc tiễn đưa Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch theo các vị tiền bối của cách mạng. Sau ngày đại thắng, đất nước thống nhất, BS. Nguyễn Văn Thủ là Thứ trưởng Bộ Y tế, đã tổ chức đưa hài cốt BS. Phạm Ngọc Thạch từ biên giới Campuchia, ngay đầu sông Vàm Cỏ Đông, về Nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh.
Người thầy của ngành răng hàm mặt Việt Nam
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngay tại chiến trường Nam Bộ đầy khó khăn và gian khổ, BS. Nguyễn Văn Thủ luôn quan tâm đến công tác đào tạo để có nhiều cán bộ ngành nha cho các địa phương, đã kiên trì tận tụy tổ chức, xây dựng mạng lưới răng hàm mặt từ không đến có với hàng trăm nha tá phục vụ chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Sau khi hòa bình lập lại, từ năm 1955, trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Răng Hàm Mặt, Trường đại học Y Hà Nội, ông đã thảo ra chương trình đưa ngành răng hàm mặt tiến lên chính quy hiện đại.
Từ năm 1977, BS. Thủ tích cực xây dựng lại ngành trong cả nước. BS. Thủ là người có công đề nghị Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam ra đời, là người sáng lập và là Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam đầu tiên năm 1980. Cùng năm đó, Nhà nước đã phong chức danh Giáo sư cho BS. Nguyễn Văn Thủ. Giáo sư đã đem hết nhiệt tình xây dựng ngành răng hàm mặt Việt Nam, có nhiều công lao trong đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa răng hàm mặt mỗi ngày mỗi lớn mạnh và trưởng thành.
Với y đức cao cả, ông thường căn dặn các đồng nghiệp và học trò: “Con người có 32 cái răng, không mấy ai tránh khỏi đau răng, người ta đau răng là rất khổ, do đó chúng ta là người thầy thuốc chữa trị răng phải phục vụ cho tốt, phải hết sức thông cảm nỗi đau đớn của người bệnh mà tận tâm giúp họ hết cơn đau, xem họ như người thân của mình theo lời Bác Hồ đã dạy, xứng đáng với lương tâm của người thầy thuốc”.
Người lãnh đạo xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Từ năm 1955, BS. Nguyễn Văn Thủ là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, từ 31/7/1976 là Chủ tịch Hội. Dưới sự lãnh đạo của BS. Nguyễn Văn Thủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiến hành hiệu quả nhiều hoạt động cứu trợ xã hội, chăm sóc cho hàng chục vạn gia đình thương binh liệt sĩ, cứu trợ khẩn cấp cho hơn 20 vạn Việt kiều từ Campuchia lánh nạn trở về, cứu trợ cho hàng ngàn gia đình Campuchia sang tỵ nạn tại Việt Nam. Hội cũng đã quyên góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm ủng hộ đồng bào tại các vùng bị lũ lụt ở cả ba miền. Là Trưởng đoàn tham dự các cuộc họp Chữ thập đỏ quốc tế hay các quốc gia, trong các cuộc tiếp xúc với các đoàn khách nước ngoài, BS. Nguyễn Văn Thủ đã tích cực đàm phán, tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ có hiệu quả về vật chất cũng như nâng cao vị thế của tổ chức Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông đã nỗ lực tổ chức tiếp nhận tốt viện trợ nhân đạo khẩn cấp, phòng chống các dịch bệnh và trợ giúp các gia đình có đời sống quá khó khăn tại một số vùng, đã xây dựng một số bệnh viện cấp huyện góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc biệt, ông rất nhiệt tình triển khai mạng lưới tìm kiếm và thông báo tin tức những người bị thất tán, xa cách gia đình, đã bất hạnh vì bị mất liên lạc với thân nhân của mình ở trong và ngoài nước, góp phần hàn gắn đoàn tụ, sum họp cho hàng vạn gia đình.
Hơn 40 năm hoạt động cách mạng là những năm tháng GS.BS. Nguyễn Văn Thủ đã cống hiến tất cả trí tuệ, sức lực của mình cho cách mạng, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Giáo sư đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác như Phó Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Xô, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Ủy viên BCH Tổng công đoàn Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội và là Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và xã hội của Quốc hội khóa VI. Ông bà Nguyễn Văn Thủ không có con. Ông sống chân thành, giản dị, hòa đồng với mọi người và luôn quan tâm đến đời sống cán bộ dưới quyền, ông được cấp trên tin tưởng, cấp dưới mến phục. Nhiều thế hệ thầy thuốc theo gương ông với đức tính cao đẹp luôn luôn hăng say và tận tụy với công việc, khiêm tốn giản dị, dũng cảm vô tư, không đòi hỏi gì cho mình và cũng không đòi hỏi gì quá đáng cho ngành mình.
Năm 1983, GS. Nguyễn Văn Thủ lâm trọng bệnh, mặc dù đã được điều trị tại Pháp và Việt Nam, nhưng giáo sư đã ra đi ngày 24/6/1984 tại TP. Hồ Chí Minh và đã yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thủ Đức. Tại TP. Hồ Chí Minh, một đường phố tại quận I đã mang tên Nguyễn Văn Thủ để ghi nhớ công lao của giáo sư trong hai thời kỳ kháng chiến tại Nam Bộ.
Ngày 27/2/2015 tại quê hương huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Bộ Y tế, Huyện ủy, UBND huyện Vũng Liêm, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.BS. Nguyễn Văn Thủ. Năm 2014, nhân kỷ niệm 30 năm ngày GS. Nguyễn Văn Thủ từ trần (24/6/1984 - 24/6/2014) với sự ủng hộ của nhiều cơ quan, Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, BV Răng Hàm Mặt TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức xuất bản sách “GS.BS. Nguyễn Văn Thủ, người trí thức yêu nước, người thầy thuốc nhân văn”, hoàn thành phim tư liệu truyền hình và dựng Tượng đài GS. Nguyễn Văn Thủ tại BV Răng Hàm Mặt Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh.
Trần Giữu