Sau điều trị lao, ho kéo dài không dứt, bệnh nhân phát hiện mắc bệnh nấm phổi cực nguy hiểm
27/10/2022 | 09:29 AM
|
Sau mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như lao, HIV, ung thư, hay sau phẫu thuật điều trị bệnh phổi … người bệnh có nguy cơ cao mắc nấm phổi - căn bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 50%.
Nhiều người không biết mình thuộc đối tượng nguy cơ cao mắc nấm phổi
Bệnh nhân N.Đ.D, 56 tuổi ở Tân Kỳ, Nghệ An nhập viện ngày 4/10, ông có tiền sử mắc lao phổi năm 2005 và đã đi điều trị lao. Khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân xuất hiện khó thở, ho đờm ít, đôi khi có ít dây máu, bệnh nhân đã đi khám và được điều trị tại bệnh viện tuyến dưới nhưng các triệu chứng không hết.
TS.BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, đây là ca bệnh điển hình của nấm phổi, vì "Bệnh nấm là một bệnh cơ hội, nên thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch toàn thân như bệnh nhân mắc HIV, xơ gan, nghiện rượu, người mắc bệnh máu ác tính, người điều trị hóa chất… hoặc những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch tại chỗ như người đã từng mắc lao phổi, giãn phế quản, mắc những bệnh lý để lại xơ sẹo ở phổi… đều là những đối tượng nguy cơ dễ bị mắc nấm phổi".
Bệnh nhân Đ. bị nấm phổi rất nặng sau mắc lao.
2 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân ho khạc đờm vàng đặc, đôi khi dây máu, khó thở nhẹ, đau ngực, ăn kém, mệt nhiều nên đã tới BV Phổi Trung ương khám bệnh. Hiện tại, bệnh nhân đã có tiến triển nhưng vẫn rất nặng.
Dù đã hơn 10 ngày điều trị, nhưng ông D vẫn ho từng cơn, người nhà bệnh nhân là bà N.T.N chia sẻ với phóng viên, cách đây 2 tháng, tại nhà, ông D. ho rất nhiều. Những cơn ho dồn dập khiến ông không thể nằm ngủ, phải ngồi dậy mới dễ chịu, ông đã tự mua thuốc điều trị triệu chứng ho của mình nhưng không hết, nên gia đình đã đưa ông đến bệnh viện tỉnh sau đó lên bệnh viện tuyến trên để điều trị.
Một trường hợp nhiễm nấm xâm lấn rất nặng khác là bệnh nhân nam 60 tuổi, tên là N.V.L ở Hải Phòng. Cách đây 2 năm bệnh nhân mắc lao phổi và đã điều trị đủ liệu trình. Bệnh nhân có mắc thêm bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh nhân ho nhiều, đờm đặc, sốt kèm theo khó thở tăng dần, đã điều trị ở bệnh viện địa phương.
Ths.BS Đào Thị Huế, Khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng và phải điều trị tích cực ở Khoa cấp cứu, sau đó mới được chuyển lên Khoa Hô hấp nhưng vẫn trong tình trạng thở ôxy. "Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm nấm xâm lấn, tăng huyết áp, nhập viện điều trị từ ngày 17/10". Đến nay bệnh nhân có tiến triển những vẫn rất nặng.
Đa số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc đã từng mắc lao, viêm phổi nặng hay ung thư… đều không biết mình có nguy cao mắc nấm phổi. Chỉ đến khi có dấu hiệu ho, khạc đờm, sốt, khó thở …. mới đi khám, tất cả bệnh nhân đều không biết rằng đây là những triệu chứng của nhiễm nấm phổi. Các bác sĩ cho biết, điều này cũng dễ hiểu bởi những triệu chứng trên rất giống với lao hay bất cứ một bệnh đường hô hấp nào khác, nó không đặc hiệu nên dễ gây nhầm lẫn cho cả bệnh nhân và bác sĩ.
Ths.BS Đào Thị Huế thăm khám cho bệnh nhân
Thận trọng khi chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân nguy cơ cao
Theo ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn, nấm phổi mãn tính do Aspergillus ghi nhận trên 50.000 trường hợp. Tuy nhiên số người được chẩn đoán vô cùng ít ỏi, chỉ khoảng 1/1000 ca mắc, điều này cho thấy số người mắc bệnh mà không được chẩn đoán và tiếp cận điều trị rất lớn.
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, từ khi BV phổi Trung ương phát triển mảng chẩn đoán nấm, mỗi năm Khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương chẩn đoán khoảng 100 ca nấm phổi xâm lấn trở lên. "Riêng nấm phổi mãn tính, chúng tôi được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế những kít test chẩn đoán, nên mỗi năm chúng tôi chẩn đoán trên 1000 ca nấm phổi mãn tính đến khám và điều trị", TS Ngọc cho biết.
TS.BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương
Lý giải nguyên nhân bệnh nấm phổi thường hay xuất hiện ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, sau mắc lao và các căn bệnh phổi khác, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, sau mắc lao phổi, bệnh nhân thường để lại sẹo xơ lớn trên phổi, là nơi nấm cư trú và phát triển. Các bào tử nấm xuất hiện rất nhiều bên ngoài môi trường, nên khi bệnh nhân hít phải các bào tử nấm vào phổi gặp điều kiện tốt sẽ phát triển.
TS.BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc giải thích, bệnh nhân L. nói trên vừa có tiền sử lao, đái tháo đường nên suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm nấm phổi mãn tính do Aspergillus. Các triệu chứng của bệnh đã kéo dài 3 tháng, bệnh nhân mới đến BV Phổi trung ương điều trị khoảng 10 ngày nhưng vẫn trong tình trạng nặng vì tổn thương của bệnh nhân rộng.
Bệnh nấm phổi thường phải điều trị trong thời gian dài, tương đương với thời gian điều trị lao. Hiện nay, bảo hiểm y tế chi trả cho các thuốc chống nấm vẫn hạn chế, do đó nếu mắc nấm phổi mà không có bảo hiểm y tế sẽ gây ra gánh nặng tài chính lớn cho bệnh nhân.
TS.BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc nói thêm: "Nhân viên y tế cần phải lưu tâm đến những trường hợp đã từng mắc bệnh lao, bệnh phổi… mà có những dấu hiệu giống lao, đi khám bác sĩ không tìm thấy vi khuẩn lao, lúc đó hãy nghĩ đến bệnh nấm phổi". Bởi đây là căn bệnh cần phải phát hiện sớm, điều trị bao vây kịp thời mới cứu sống được bệnh nhân vì bệnh này tỷ lệ tử vong rất cao./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm HIV, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
- Những điều cần biể về bệnh bụi phổi nghề nghiệp hiện nay
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Hải Dương tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Tìm giải pháp phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho nhân viên Y tế
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Một số thông tin về bệnh bụi phổi than