Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
25/11/2024 | 15:35 PM
|
Việc lập kế hoạch ATVSLĐ (trước đây còn gọi là kế hoạch bảo hộ lao động) trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên thi công, xây dựng công trình là một yêu cầu bắt buộc theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn cho NLĐ, giảm thiểu rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp lơ là, chưa nắm chắc các yêu cầu nội dung của công tác này.
Theo quy định, hằng năm người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch ATVSLĐ. Đối với các công việc phát sinh trong năm thì phải bổ sung nội dung phù hợp vào kế hoạch, Việc lập kế hoạch phải dựa trên các căn cứ sau: Đánh giá rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cập; kết quả thực hiện công tác ATVSLĐ năm trước; nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch; kiến nghị của NLĐ, của tổ chức Công đoàn và của đoàn thanh tra, kiểm tra.
Thực tế đã chứng minh, xây dựng, lập biện pháp an toàn có tác dụng rất quan trọng trong việc kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đây là khâu không thể thiếu, không thể lơ là để bảo đảm ATVSLĐ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển.
Nội dung của kế hoạch an toàn vệ sinh lao động
Kế hoạch ATVSLĐ phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động (ATLĐ) và phòng chống cháy nổ; thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ; biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động (VSLĐ), phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; chăm sóc sức khỏe NLĐ.
Nội dung biện pháp kỹ thuật ATLĐ và phòng chống cháy nổ cần phải tập trung vào một số công việc sau: Nội quy sử dụng máy, thiết bị; đường tạm lan can bảo hiểm, sàn thi công cầu, đường; kiểm tra việc cấp giấy phép sử dụng và lưu hành các loại thiết bị, máy thi công tại công trình; kiểm tra định kỳ đồng hồ chịu áp lực, các bình khí chịu áp lực; bổ sung phương tiện phòng, chống cháy nổ, bổ sung các biển báo qua các điểm thi công… Lưu ý khi lập biện pháp này cần phân công rõ trách nhiệm các phòng ban, cá nhân thực hiện và thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành.
Biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức ATVSLĐ cho công nhân, NLĐ cũng như trang bị cho họ những hiểu biết, kỹ năng nhận diện về những yếu tố nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn trong quá tình làm việc. Nội dung của biện pháp, kế hoạch này cần phải có các công việc sau khi lập kế hoạch: Học và sát hạch các quy trình quy phạm chuyên ngành; học và sát hạch nội dung ATVSLĐ, vệ sinh môi trường; huấn luyện về phòng chống, cháy nổ, huấn luyện an toàn vệ sinh viên; huấn luyện bơi lội nếu có kế hoạch công nhân, NLĐ làm việc trên sông nước; tập huấn công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ; tuyên truyền, phổ biến một số điều luật liên quan đến ATVSLĐ; chi phí mua các băng rôn, biển báo, áp phích, pano… về ATVSLĐ, bảo hộ lao động; khen thường công tác ATVSLĐ, bảo hộ lao động… Khi lập kế hoạch này cần phân công thực hiện, thời gian thực hiện để đảm bảo đúng tiến độ và quy định của pháp luật.
Biện pháp về kỹ thuật VSLĐ, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động nhằm khảo sát, đánh giá, tiến tới cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, NLĐ để đảm bảo sức khỏe cũng như môi trường làm việc an toàn hơn. Nội dung của kế hoạch này cần phải thực hiện gồm: Nhà vệ sinh tại các điểm đơn vị thi công; dọn dẹp, vệ sinh nơi thi công; đo đạc, khảo sát về môi trường; xây dựng các phương án về môi trường làm việc, xưởng sản xuất để hạn chế đến mức thấp nhất những yếu tố có hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ…
Biện pháp trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ hay còn gọi là tổng hợp nhu cầu mua sắm, trang cấp phương tiện bảo hộ lao động cá nhân, nhất là đối với NLĐ làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại, làm việc trong môi trường độc hại là vô cùng quan trọng. Nội dung của kế hoạch này cần phải có: Quần áo bảo hộ lao động, thường là quần áo kaki màu xanh, giày vải, nón nhựa màu vàng 4 sóng, áo mưa, kính hàn, kính bảo hộ lao động, ủng cao su, khẩu trang chống khói, bụi, găng tay vải bạc, bộ giặt, xà bông, quần áo bảo vệ chuyên trách, quần áo bảo vệ nhà xưởng, kho xưởng…; tên chức danh công nhân được trang cấp, cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân. Khi lập cần lưu ý mục thời gian sử dụng, thời gian cấp phát, chẳng hạn như công nhân làm cầu, công nhân làm đường, thời gian sử dụng quần áo bảo hộ lao động là 06 tháng một bộ, mũ nhựa vàng 4 sóng, nón cứng bảo hộ là 08 tháng…
Cuối cùng, lập kế hoạch, biện pháp chăm sóc sức khỏe NLĐ. Ngoài những quy định bắt buộc của pháp luật, đây còn là biện pháp nhằm phát hiện những chứng bệnh nghề nghiệp của NLĐ để điều trị kịp thời. Nội dung của kế hoạch, biện pháp này gồm: Khám tuyển dụng (thường chi phí này do NLĐ tự chi); khám sức khỏe định kỳ (06 tháng và 01 năm, tùy vào điều kiện công nhân, NLĐ làm việc. Đối với NLĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại thì 06 tháng kiểm tra và khám sức khỏe định kỳ 1 lần); khám bệnh nghề nghiệp (nhằm nhanh chóng phát hiện ra những bệnh nghề nghiệp nguy hiểm, kịp thời lên kế hoạch điều trị, bồi dưỡng độc hại, tổ chức nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho NLĐ)…
Việc lên kế hoạch, phương án thực hiện và lập các biện pháp về ATVSLĐ trong quá trình hoạt động thi công của doanh nghiệp cần song song với việc triển khai, đánh giá và kết quả thực hiện kế hoạch này. Những nội dung đã thực hiện và làm được, những nội dung chưa thực hiện được cần nêu rõ nguyên nhân, lý do để đúc kết trong thực tiễn và rút kinh nghiệm để các năm sau thực hiện kế hoạch tốt hơn.
Vai trò của công đoàn
Cũng cần thấy rằng, trong thực tế có không ít doanh nghiệp không tiến hành lập kế hoạch ATVSLĐ, kế hoạch bảo hộ lao động vì nhiều nguyên nhân, lý do hoặc lập kế hoạch, biện pháp không đầy đủ. Thậm chí có doanh nghiệp lập kế hoạch ATVSLĐ cho có nhằm đối với phó với cơ quan chức năng, cơ quan thanh tra ATLĐ khi đến kiểm tra, thanh tra công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp không thực hiện kế hoạch ATVSLĐ với các nội dung nêu trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ.
Các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thi công xây dựng, nếu không lập kế hoạch ATVSLĐ, kế hoạch bảo hộ lao động, theo quy định của Luật ATVSLĐ năm 2015 sẽ bị xử phạt theo theo Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ. Mức phạt có thể từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Luật pháp cũng quy định doanh nghiệp lập kế hoạch ATVSLĐ hàng năm bắt buộc phải tham khảo ý kiến của tổ chức CĐCS. Do vậy, CĐCS trong doanh nghiệp hoàn toàn có quyền đòi hỏi, yêu cầu doanh nghiệp phải tiến hành lập kế hoạch ATVSLĐ, kế hoạch bảo hộ lao động với các nội dung đầy đủ theo quy định; cùng với đó, đóng góp ý kiến trong quá trình doanh nghiệp xây dựng, lập kế hoạch ATVSLĐ. Tổ chức Công đoàn cũng có quyền giám sát để đảm bảo việc tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch đã đề ra, với mục tiêu cao nhất là kéo giảm tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nguồn: Tạp chí An toàn vệ sinh lao động số 351 (Tháng 10/2024)
Related news
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Doanh nghiệp bị phạt gần 100 triệu đồng vì không khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân
- Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện