Tác hại của mangan trong nước tới sức khỏe và sinh hoạt

08/11/2017 | 03:06 AM

 | 

Mangan là một trong những nguyên tố vi lượng cơ bản của sự sống, giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể như: tác động đến sự hô hấp tế bào, sự phát triển xương, chuyển hóa gluxit và hoạt động của não. Mn có hàm lượng cao trong ty lạp thể làm chất xúc tác cùng các enzym, tham gia vào một số quá trình như: tổng hợp axít béo và chlesterol, sản xuất hooc môn giới tính, tác động đến sự chuyển hóa của tuyến giáp. Mn kết hợp với vitamin K tham gia vào quá tình tổng hợp prothrombin gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Mn tham gia tổng hợp protein, cholesterol và tương tác với acid nucleic. Mn làm giảm glucose huyết nhưng lại tham gia phản ứng tạo ra glucose từ các phân tử khác. Mặc dù không gây ra các tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng nếu tiếp xúc, ăn uống, sử dụng nguồn nước có nhiễm Mangan trong thời gian dài cũng để lại những hậu quả xấu, đặc biệt là đối với hệ thần kinh.

Nhận biết nguồn nước bị nhiễm Mangan:

Nguồn nước bị nhiễm Mangan có các biểu hiện rất rõ ràng, dễ dàng nhận biết bằng cảm quan:

  • Nước có màu đục
  • Mùi tanh khó chịu
  • Lớp cặn có màu đen, thường bám vào đáy và thành bồn chứa

Nước nhiễm Mangan có màu đục

Tác hại của Mangan trong nước tới sức khỏe và sinh hoạt:

Đối với sinh hoạt:

  • Mangan khi tiếp xúc với oxi sẽ bị oxy hóa tạo thành mangan dioxit (MnO2) làm cho nước có màu nâu đen và có mùi tanh của kim loại, gây mất cảm quan.
  • Mangan thường gây ra cặn ố bẩn trên các thiết bị, vì vậy, sử dụng nước hằng ngày để lau rửa, giặt giũ sẽ gây ảnh hưởng đến độ bền của đồ dùng. Đặc biệt, giặt quần áo bằng nước nhiễm Mn sẽ hình thành những vết ố bẩn màu nâu, đen trên quần áo do quá trình oxy hóa gây ra.
  • Mangan trong nước gặp clo sẽ tạo kết tủa cặn bám dioxit mangan và có thể gây tắc đường ống.

        Đối với sức khỏe:

Mangan có mặt trong nước ở dạng ion hòa tan (Mn2+). Nếu ở hàm lượng nhỏ dưới 0,1mg/lít thì mangan có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu hàm lượng mangan cao từ 1-5mg/lít sẽ gây ra không ít ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể.

  • Mn không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến sinh sản…nhưng nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng gần như tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng Mn hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Khi hít phải Mangan với lượng lớn có thể gây hội chứng nhiễm độc ở động vật, gây tổn thương thần kinh.
  • Mn đặc biệt có hại cho trẻ bởi cơ thể trẻ em dễ dàng hấp thụ được rất nhiều Mg trong khi tiết thải ra ngoài thì rất ít. Điều đó dẫn đến sự tích tụ Mn trong cơ thể trẻ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm Mn.
  • Sử dụng nguồn nước bị nhiễm Mangan trong thời gian dài, nhiễm độc mangan từ nước uống làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, nếu nhiễm độc mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường. Với khả năng không gây ung thư ở người nhưng Mangan vẫn có tác động xấu tới cơ thể con người chúng ta.

Theo QCVN 01: 2009/BYT- quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng mangan trong nước không được vượt quá 0.3mg/l.

Thực tế Mn tồn tại trong tự nhiên rất nhiều và có thể nói, dạng tồn tại trong nước của chúng là ít gây hậu quả nhất. Tuy nhiên sử dụng nguồn nước chứa mangan lâu ngày cũng gây ra nhiều hậu quả không tốt cho sức khỏe con người. Vì vậy, nếu có thể, con người nên lựa chọn cho mình giải pháp để có thể sử dụng nguồn nước sạch và an toàn, để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình thay vì vẫn sử dụng nguồn nước lẫn nhiều tạp chất như hiện nay.

 ​