Những điều cần biể về bệnh bụi phổi nghề nghiệp hiện nay
02/07/2024 | 14:31 PM
|
Bệnh bụi phổi nghề nghiệp trong thời đại ngày nay trở nên rất phổ biến và có tính đặc thù theo từng nghề nghiệp khác nhau, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh nghề nghiệp hiện nay tại Việt Nam. Bệnh thường tiến triển chậm, khó phát hiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp của người bệnh, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh bụi phổi nghề nghiệp là gì?
Bệnh bụi phổi là thuật ngữ chung chỉ một nhóm bệnh phổi kẽ do hít phải một số loại bụi (bụi tro, bụi mịn, hạt kim loại,...), phổi của chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn các hạt bụi này, lâu dần tích tụ nhiều trong phổi dẫn đến viêm và xơ hóa nhu mô phổi. Các loại bụi này chỉ được tìm thấy tại nơi làm việc đặc thù nên được gọi là bệnh bụi phổi nghề nghiệp.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp gồm có:
Người làm trong mỏ khai thác than, quặng kim loại (nhôm, sắt, đồng,...)
Người làm nghề khai thác đá, cắt mài, nghiền đá
Nghiện thuốc lá
Sản xuất, chế biến thủy tinh, gạch chịu lửa, đồ gốm
Sản xuất vải vóc, dệt may, khai thác bông
Người tiếp xúc nhiều với amiăng và hóa chất độc hại
Người sinh sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi nặng nề
bụi phổi nghề nghiệp
Người làm việc trong môi trường khói bụi có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi
Bệnh bụi phổi nghề nghiệp là bệnh mãn tính không để điều trị hồi phục hoàn toàn, các phương pháp điều trị chủ yếu làm chậm quá trình xơ hóa và cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Các cách điều trị phổ biến hiện nay là dùng thuốc (kháng sinh, giãn phế quản, long đờm, giảm ho,...), bổ sung oxy và phục hồi chức năng phổi, một vài trường hợp nặng có thể cần ghép phổi.
Triệu chứng ở người mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp
Các triệu chứng tùy thuộc vào loại bụi phổi và mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian phát triển của bệnh bụi phổi khá lâu, vì thế các triệu chứng cũng xuất hiện từ nhẹ đến nặng. Một số triệu chứng của bệnh bụi phổi hay gặp là:
Ho nhiều, ho có đờm
Đau tức ngực, khó thở
Hụt hơi
Mệt mỏi, uể oải
Thi thoảng có sốt
Các dấu hiệu này rất dễ bị người bệnh bỏ qua và bị nhầm lẫn với các bệnh phổi thông thường khác. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan với bất kỳ dấu hiệu nào của cơ thể dù là nhỏ nhất và cần có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm.
Các phương pháp chẩn đoán bụi phổi nghề nghiệp
Chụp x quang kỹ thuật số (DR): kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này được sử dụng rất nhiều trong tầm soát, đánh giá bệnh lý của phổi với ưu điểm là đơn giản, nhanh chóng, chi phí rẻ nhưng đem lại hiệu quả chẩn đoán rất tốt. Trong bệnh cảnh bụi phổi, chụp x quang ở thì “hít sâu-nín thở” nhằm tìm các nốt, đám mờ và khối ở nhu mô phổi. Tuy nhiên, hình ảnh chụp x quang chỉ thể hiện được các nốt tổn thương có kích thước từ 5mm trở nên, còn các nốt tổn thương nằm sâu hoặc ở vị trí khó quan sát rất dễ bị bỏ sót.
Chụp cắt lớp vi tính (CT): chụp CT cũng sử dụng tia X để tạo tín hiệu hình ảnh giống như chụp X-quang nhưng ứng dụng thêm kỹ thuật máy tính để tái tạo hình ảnh trên nhiều mặt phẳng khác nhau. Hình ảnh chụp CT có thể quan sát được các nốt tổn thương nhỏ hơn 5mm và đánh giá được toàn bộ vùng nhu mô phổi, xương sườn, xương ức, trung thất, mạch máu. Hiện nay, kỹ thuật chụp CT phổi liều thấp đang được sử dụng rất nhiều giúp tầm soát các tổn thương vùng lồng ngực cực kỳ hiệu quả, đồng thời làm giảm liều chiếu xạ cho bệnh nhân.
Đo chức năng hô hấp: người bệnh sẽ hút thổi theo hiệu lệnh của kỹ thuật viên vào một ống thổi dẫn đến máy đo để xác định chính xác lưu lượng không khí mà người bệnh có thể hít vào và thở ra. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả đo được để chẩn đoán chức năng phổi của người bệnh có hoạt động bình thường hay không. Kỹ thuật này đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa kỹ thuật viên hướng dẫn và người bệnh để đạt được kết quả đo chuẩn xác nhất nên khó áp dụng với trẻ nhỏ hoặc những người già yếu, người mất khả năng kiểm soát hành vi.
Cách phòng tránh bệnh bụi phổi nghề nghiệp
Do bệnh bụi phổi không thể điều trị hồi phục hoàn toàn nên phòng ngừa là biện pháp tốt nhất để tránh mắc phải bệnh lý này, các cách phòng ngừa bệnh bụi phổi phổ biến hiện nay là:
Đeo mặt nạ hoặc khẩu trang
Sử dụng máy móc thay con người tại các vị trí độc hại, nguy hiểm
Xây dựng quy trình sản xuất khép kín tránh phát tán bụi ra bên ngoài môi trường
Rửa tay, vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau khi làm việc và trước khi ăn uống
Thay thế bằng các vật liệu ít hoặc không chứa silic
Không hút thuốc
Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát các bệnh lý của phổi, nên đi kiểm tra khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là đối tượng có yếu tố nguy cơ cao.
Nguồn: bvphoithaibinh.vn
Related news
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Doanh nghiệp bị phạt gần 100 triệu đồng vì không khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân
- Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện