Điểm tin ngày 12/6/2016

11/06/2016 | 03:07 AM

 | 

I.THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

1. Hoá chất Phenol trong cá nục ở Quảng Trị ảnh hưởng tới con người như thế nào? Theo các chuyên gia, hoá chất Phenol rất độc, nó tác dụng toàn diện lên cơ thể con người từ trí não đến hệ miễn dịch và rất khó đào thải. Ngày 10/6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh này kết quả kiểm nghiệm các lô cá tại kho đông lạnh trên địa bàn. Chi cục An toàn thực phẩm đã tiến hành lấy 6 mẫu ngẫu nhiên tại kho đông lạnh của một hộ dân ở thị trấn Cửa Tùng, gồm: 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích, 1 mẫu cá song và 3 mẫu cá nục (1 mẫu đại diện cho 20 tấn cá thu mua trước thời điểm cá chết, 1 mẫu đại diện cho 20 tấn cá thu mua sau thời điểm cá chết 10 ngày, mẫu còn lại của 30 tấn cá thu mua ngay sau thời điểm cá chết). Kết quả phân tích, kiểm nghiệm cho thấy 5/6 mẫu các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg. Đây là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm, được dùng trong công nghiệp hoá dẻo. PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa hóa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết Phenol là hoá chất độc không được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Phenol cũng là tên riêng của hợp chất cấu tạo bởi nhóm phenyl liên kết với nhóm hiđroxyl, chất tiêu biểu cho các phenol. PGS Côn cho biết, phenol là một họ chất hoá học có phenol đơn vòng và phenol đa vòng. Nếu trong cá kiểm nghiệm có chất phenol đơn vòng thì tác dụng nguy hiểm ít hơn phenol đa vòng. Phenol đa vòng rất nguy hiểm cho sức khoẻ của con người. Theo PGS Côn, phenol được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Do có tính diệt khuẩn nên phenol được dùng để trực tiếp làm chất sát trùng, tẩy uế, hoặc để điều chế các chất diệt nấm mốc (ortho - và para - nitrophenol…) Các nhà khoa học đã chứng minh phenol có thể gây ra tổn thương cấu trúc não bộ. Tăng động, tăng hung hãn, suy giảm khả năng học tập; Dậy thì sớm, kích thích sự phát triển tuyến vú, rối loạn chu kỳ sinh sản, bất thường buồng trứng, vô sinh. Kích thích những tế bào ung thư tiền liệt tuyến. Tăng kích thước tiền liệt tuyến, giảm sản xuất tinh trùng. Biến đổi chức năng miễn dịch và đái đường loại 2, béo phì. Phenol đi vào trong cơ thể người chủ yếu thông qua ăn uống, bao gồm có ăn và uống thực phẩm, nước bị ô nhiễm chất này. Vấn đề là phenol cực kỳ dễ hòa tan vào trong các loại thực phẩm, và một khi đã vào được cơ thể thì sẽ rất khó để đẩy ra ngoài.

 

2. Thanh toán Bảo hiểm y tế theo bậc lương cơ sở mới: Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành công văn về việc áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP của Chính phủ trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thanh toán mức BHYT mới theo hệ số lương cơ sở tăng BHXH Việt Nam đã ban hành công văn 2046/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân, Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc; Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Nam, về việc áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP của Chính phủ trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Nghị định số 47/2016 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.210.000 đồng/tháng, có hiệu lực thi hành từ kể từ ngày 15/7/2016, nhưng tính hưởng từ ngày 1/5/2016. Do đó, để thống nhất thực hiện trong thanh toán chế độ khám chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam hướng dẫn cụ thể như sau: Người có thẻ BHYT đi KCB đúng quy định, có tổng chi phí một lần KCB thấp hơn 181.500 đồng, tương đương 15% mức lương cơ sở, không phải thực hiện cùng chi trả. Mức cùng chi trả tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ cao, chi phí lớn của một số đối tượng theo quy định là 48.400.000 đồng, tương đương 40 tháng lương tối thiểu. Mức cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở là 7.260.000 đồng. Các quy định trên được thực hiện từ ngày 1/5/2016. BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, TP hướng dẫn các cơ sở KCB BHYT .

 

3. Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương thành phố Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới: Từ ngày 6-10/6, đoàn công tác của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương thành phố Hồ Chí Minh do bác sĩ Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn, đã làm việc, chuyển giao chuyên môn cho các bác sĩ, đơn vị y tế miền Trung. Các địa phương miền Trung được chuyển giao chuyên môn lần này gồm: Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng. Theo bác sĩ Lê Trung Chánh, trong chuyến công tác này, Bệnh viện đã trao tặng ghế máy nha khoa và các trang thiết bị, vật liệu nha khoa cho Trung tâm y tế Huyện Hiệp Đức (Quảng Nam - ảnh); ký kết chuyển giao kỹ thuật và đào tạo liên tục cho các cán bộ y tế HuyệnHiệp Đức và Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, giúp nâng cao kiến thức kỹ năng chuyên ngành răng hàm mặt cho tuyến dưới, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng cho người dân. Bác sĩ Lê Trung Chánh cho biết thêm, chuyến đi này nằm trong hoạt động thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác chỉ đạo tuyến khám, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật cho các Bệnh viện tuyến dưới và cũng là công việc thường kỳ của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

4. Ngộ độc do ăn lá cây hoa chuông: 5 bệnh nhân trong cùng một gia đình gồm Triệu Tiến L., Trần Thị V., Triệu Anh Đ., Triệu Mỹ Q., Nguyễn Mai S. (cùng trú tại tổ 30, Minh Xuân, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Bác sỹ chuyên khoa 1, Nguyễn Anh Tuấn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết các bệnh nhân trên nhập viện vào lúc 21h, tối ngày 10/6. “Ngay khi tiếp nhận 5 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc nhập viện cấp cứu. Các bệnh nhân đã được hồi sức cấp cứu, hô hấp tuần hoàn, rửa dạ dày, dùng than hoạt giảm hấp thu chất độc, truyền dịch, thở máy...Hiện tại 1 bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất đang thở máy, 4 bệnh nhân đã tỉnh", bác sĩ Tuấn nói. Theo người nhà bệnh nhân, tối 10/6 gia đình có hái rau trong vườn nấu canh, trong đó có lẫn cả lá hoa chuông, sau ăn khoảng 20 phút, 5 bệnh nhân đều thấy chóng mặt, nóng toàn thân, buồn nôn, nôn nên đã vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu. Theo các bác sĩ, các bộ phận của cây hoa chuông đều chứa độc tố cực mạnh và có thể dẫn đến ngộ độc sau khi ăn. Ở dạng nhẹ bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng... Ở dạng ngộ độc nặng người bệnh có thể bị suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng... Nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.

 

5. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về y tế: Từ nay đến cuối năm 2016, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Việc làm; Luật Dược (sửa đổi). Theo BHXH Việt Nam, đến tháng 6.2016, cả nước có 12,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 10,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 197 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 71,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 77,5% dân số. Trong 6 tháng cuối năm 2016, ngành BHXH sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện có hiệu quả các luật bảo đảm kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ. Cùng với đó, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, trong đó hoàn thành việc lập danh sách các hộ tham gia BHYT và vận hành hệ thống giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trước ngày 30.6.2016. BHXH Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị sử dụng lao động tại một số địa phương; chủ động theo dõi nắm bắt tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHYT bảo đảm quyền lợi người dân; tuyên truyền về công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH; đồng thời, phát hiện, cảnh báo, đấu tranh với những hành vi tiêu cực trong quản lý thu, chi quỹ BHYT, BHXH, BHTN.

 

6. Ngành y đang thiếu điều dưỡng trình độ cao: Theo Bộ Y tế, ngành y hiện đang thiếu điều dưỡng viên có trình độ cao, nhất là tuyến y tế cơ sở. Thực trạng này đang làm giảm chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở điều trị, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, trong 10 năm trở lại đây, quy mô các cơ sở đào tạo về điều dưỡng được củng cố và mở rộng. Năm 2005, cả nước mới có 70 cơ sở đào tạo điều dưỡng hệ tại chức, cao đẳng, đại học, đến năm 2015, con số này tăng lên 151 cơ sở. Cùng với đó, quy mô đào tạo điều dưỡng hệ đại học, cao đẳng có xu hướng tăng dần qua các năm hiện chiếm khoảng 50% quy mô số lượng đào tạo hàng năm. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tối thiểu 1 bác sĩ cần tới 3,5 điều dưỡng viên; trong khi Việt Nam đang có tỷ lệ điều dưỡng viên bình quân là 1 bác sĩ có 1,9 điều dưỡng. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hiện cả toàn ngành y có 125.966 điều dưỡng viên, theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế đến năm 2020, cả nước cần khoảng 220.000 điều dưỡng viên. Tuy nhiên, theo GS.TS. Trần Quốc Kham, Phó Cục trưởng, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, hiện nay tại các cơ sở y tế, lực lượng điều dưỡng thực hiện tới 70% công việc điều trị cho người bệnh; điều dưỡng viên là người đón tiếp, chăm sóc người bệnh từ lúc vào viện cho đến khi xuất viện. Thế nhưng, lực lượng này đang rất thiếu hụt và phân bố không đều: 90,6% làm việc ở tuyến tỉnh, tuyến huyện; 8,3% điều dưỡng làm việc ở tuyến Trung ương. Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ số 26/2015/TTLT-BYT-BNV về việc “Ban hành quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y”, từ năm 2021, trình độ đào tạo tối thiểu cho các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y phải đạt từ cao đẳng trở lên vì nếu chất lượng nguồn nhân lực thấp thì chất lượng chăm sóc người bệnh cũng sẽ không cao.

 

7. Thông tuyến khám chữa bệnh tạo điều kiện cho người bệnh hưởng lợi rất nhiều: Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, 4 tháng đầu năm đã thanh toán 16.680,9 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh BHYT cho hơn 44,1 triệu  lượt người, tăng gần 2,9 triệu lượt người (6,9%) so với cùng kỳ năm 2015. Theo đánh giá của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, thời gian qua, một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đi sâu vào cuộc sống, trong đó có thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện trên địa bàn tỉnh. Việc này đã tác động rất tích cực đối với người khám chữa bệnh BHYT. Thông tuyến khám chữa bệnh đã thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh BHYT khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được điều trị. Người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Đặc biệt, các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được khám chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Nếu như thời gian trước, người bệnh khám chữa bệnh trái tuyến ở bệnh viện tuyến huyện chỉ được hưởng 70% chi phí thì từ 1.1.2016 được hưởng 100% chi phí BHYT. Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, quy định thông tuyến vừa là động lực vừa là sức ép đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Bệnh viện có thương hiệu, chất lượng chuyên môn cao, tinh thần thái độ phục vụ tốt chắc chắn sẽ thu hút được người bệnh. Vì vậy, các cơ sở khám chữa bệnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ và người có thẻ BHYT sẽ được hưởng lợi ích rất nhiều từ việc này.

 

8. 11 người tử vong do sốt xuất huyết trong 5 tháng đầu năm: Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 36.000 ca sốt xuất huyết, 11 người tử vong; so với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân tăng gấp 3 lần. Theo Cục Y tế Dự phòng, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam vì đang là mùa mưa. Cả nước đã ghi nhận hơn 36.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 ca tử vong, 5 tháng đầu năm. Các bệnh nhân tử vong đều chủ quan nhập viện muộn. Khu vực miền Nam đang đứng đầu về số ca mắc, chiếm gần 63%. TP HCM, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Phú Yên… là những điểm nóng của dịch. Sốt xuất huyết Dengue là bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 96 triệu người mắc bệnh, với 500.000 trường hợp nặng cần nhập viện và khoảng 12.500 ca tử vong. Sốt xuất huyết tồn tại ở Việt Nam hàng chục năm, mỗi năm có 50.000-100.000 ca mắc. Bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Văcxin ngừa bệnh đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên một người có thể mắc bệnh 2-3 lần. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...); Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. Người dân cần chú ý thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Ngoài ra, cần có thói quen ngủ màn kể cả ban ngày. Người bệnh sốt xuất huyết cũng ngủ màn để tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác.

 

9. Hơn 1200 người bệnh được phẫu thuật chân miễn phí: Hôm nay (11/6), tại Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức đã phối hợp với MOI (tiền thân của tổ chức chân giả ngoại tuyến POF, Hoa Kỳ) và Viện Hàn lâm Phẫu thuật cổ bàn chân Hoa Kỳ (AOFAS) tổ chức Hội thảo khoa học “phẫu thuật chi dưới lần thứ 15”. Hơn 100 bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình của các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh khu vực miền Bắc đã tới tham dự. Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, truyền tải thông tin trong lĩnh vực y khoa chuyên sâu cổ bàn chân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nội dung chính của sự kiện hôm nay tập trung vào các báo cáo khoa học về các vấn đề y khoa chuyên sâu như: tổn thương xương sụn xương sên, kĩ thuật V-Y điều trị tổn thương gân Achille tới muộn, bệnh khớp Charcot, nang xương phình mạch xương bánh chè, điều trị di lệch xương sên… Theo GS. Naomi Shiels, Đại học Kansas: Tại Việt Nam, Chương trình nhân đạo phẫu thuật chi dưới đã được thực hiện từ 2002,  với hơn 1200 bệnh nhân nhiều tỉnh thành đã được hưởng quyền lợi từ các ca phẩu thuật chi dưới từ AOFAS, và hơn 2800 người bệnh đã được tư vấn khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Đồng thời bà Naomi nhấn mạnh, chúng tôi luôn thúc đẩy chất lượng, đạo đức và đưa hiệu quả tới việc chăm sóc, điều trị các bệnh nhân. Tổ chức luôn đưa ra ý thức về phòng chống và chữa trị, chỉnh hình chân, mắt cá chân, làm việc với tư cách là nguồn của chính phủ và cộng đồng. Hy vọng chương trình sẽ tiếp tục được triển khai và đem lại nhiều kết quả thành công. Trong đợt trở lại Việt Nam lần này, các bác sĩ tình nguyện AOFAS sẽ giành khoảng 3 tuần để tới các bệnh viện, trung tâm phục hồi ở Ba Vì, Hà Nội, Lào Cai, và dự kiến sẽ tiến hành khám chữa bệnh và phẫu thuật miễn phí cho khoảng  125 bệnh nhân.

 

10. Lần đầu tiên người bệnh ở thành phố Hồ Chí Minh được lọc thận nhân tạo ngay tại Trạm y tế: Đây là nỗ lực của ngành y tế Thành phố khi đứng trước một thách thức không nhỏ đó là số người bệnh có chỉ định lọc thận ngày càng tăng vượt quá khả năng cung ứng dịch vụ kỹ thuật lọc thận tại các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện Thành phố hiện nay. Với thời gian trung bình cho một ca chạy thận là 4 giờ, nhưng gần như tất cả bệnh viện đa khoa đều đã tăng ca trong một ngày kể cả ngày nghỉ, đã có những bệnh viện tăng ca lên ca 4, thậm chí ca 5 nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam. Trong khi đó, hiện nay nhiều Trạm y tế được Thành phố đầu tư ngân sách xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp khang trang, một số quận được Sở Y tế thẩm định chuẩn bị triển khai mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế, mạng lưới cấp cứu 115 đang được triển khai với các điểm vệ tinh đặt tại các bệnh viện quận, và đầu tư trang thiết bị y tế theo hình thức xã hội hoá đã và đang được các bệnh viện vận dụng hiệu quả, trong đó có trang thiết bị lọc thận nhân tạo. Do đó, việc triển khai kỹ thuật lọc thận nhân tạo ngay tại Trạm y tế hoàn toàn có thể thực hiện trong tình hình thực tiễn hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh. Máy lọc thận nhân tạo và hệ thống cung cấp nước cho hoạt động lọc thận nhân tạo đang được Bệnh viện quận Thủ Đức cho lắp đặt tại Trạm y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Quận Thủ Đức đã được Sở Y tế chọn thực hiện thí điểm triển khai lọc thận nhân tạo tại Trạm y tế phường Bình Chiểu, đây là Trạm y tế khá xa bệnh viện và tập trung nhiều người lao động. Sau thời gian hơn 3 tháng, bệnh viện quận Thủ đức chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, Sở Y tế sẽ tổ chức đoàn thẩm định tại chổ, nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyên môn bệnh viện quận Thủ Đức sẽ bắt đầu triển khai lọc thận nhân tạo tại Trạm y tế phường Bình Chiểu vào cuối tháng 6/2016 theo mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận tại trạm y tế. Người bệnh tham gia BHYT sẽ được BHXH TP thanh toán chi phí lọc thận nhân tạo theo đúng quy định. Sau thời gian triển khai thí điểm ở Trạm y tế phường Bình Chiểu, Bệnh viện quận Thủ Đức sẽ đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng thêm tại các phường khác của quận Thủ Đức, Sở Y tế sẽ đánh giá hiệu quả và triển khai mở rộng trên các quận, huyện khác của Thành phố. Đây là một trong những hoạt động khám, chữa bệnh rất thiết thực nằm trong kế hoạch triển khai mô hình “Phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế” mà Sở Y tế đã xây dựng và triển khai trong năm 2016, nhằm thu hút và tạo niềm tin cho người bệnh đến khám, chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế, với mục tiêu là đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là người lao động nghèo, thay vì phải đến bệnh viện, góp phần giảm gánh nặng quá tải cho các bệnh viện.

 

11. Gần 2 tấn ruốc lậu bị thu giữ tại ga Giáp Bát: Đội Cảnh sát Kinh tế Công An Quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã phát hiện, bắt quả tang một vụ vận chuyển gần 1,5 tấn ruốc lậu, không rõ nguồn gốc. Theo nguồn tin của PV báo An ninh thủ đô, vào khoảng 13h chiều 7/6, trong khi tuần tra kiểm soát, tổ công tác Đội Cảnh sát Kinh tế CAQ Hoàng Mai, Hà Nội, đã phát hiện, bắt quả tang một vụ vận chuyển gần 1,5 tấn ruốc lậu, không rõ nguồn gốc. Số ruốc này được lực lượng chức năng phát hiện tại sân ga Giáp Bát, quận Hoàng Mai, được vận chuyển trên chuyến tàu từ TP.HCM ra Hà Nội. Kiểm tra tại sân ga Giáp Bát, tổ công tác Đội Cảnh sát Kinh tế CAQ Hoàng Mai phát hiện 27 bao tải bên trong là ruốc thịt không rõ nguồn gốc, đang tập kết tại sân ga, chuẩn bị được bốc dỡ lên ô tô để vận chuyển đi tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe của chiếc ô tô chuẩn bị bốc số ruốc này khai nhận chỉ vận chuyển thuê từ "một người không quen biết" và không xuất trình được hóa đơn, không xuất trình được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, nên tổ công tác đã lập biên bản, thu giữ số ruốc này để xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quan sát ban đầu, các cơ quan chức năng cho biết số ruốc này có thể làm từ bột sắn dây.

 

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

12. Y học hiện đại đã giúp duy trì sự sống của những bà mẹ chết não thêm một số tháng để tiếp tục nuôi sống bào thai bên trong cơ thể: Người mẹ 41 tuổi ở Wroclaw, Ba Lan được chẩn đoán bị u não và qua đời khi đang mang bầu ở tuần thứ 17 thai kỳ. Vì khi đó em bé trong bụng cô còn quá nhỏ và không thể tiếp tục cuộc sống nếu ra đời nên các bác sĩ tại Bệnh viện đại học Wroclaw đã quyết định duy trì các chức năng trong cơ thể người mẹ đã mất để tiếp tục nuôi dưỡng bé trong bụng mẹ thêm 55 ngày nữa.Sau thời gian được nuôi dưỡng đặc biệt trong bụng mẹ, em bé chào đời nặng 1kg và tiếp tục được nuôi dưỡng trong phòng chăm sóc đặc biệt trong 3 tháng nữa. Nhờ sự chăm sóc hết mình của các y bác sĩ, em bé đã tăng lên được 3kg, có thể ăn sữa bằng núm ti giả và tự thở được. Em bé được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định và sẽ tiếp tục được theo dõi cho đến năm 3 tuổi. Theo giáo sư Barbara Królak-Olejnik, trưởng khoa sơ sinh bệnh viện đại học Wroclaw, trước khi đưa ra quyết định kéo dài sự sống của người mẹ, các bác sĩ đã phải tham khảo ý kiến của người bố và gia đình sản phụ. “Chúng tôi đã nói về những rủi ro có thể xảy ra và không dám hứa chắc chắn điều gì nhưng may mắn, người bố cũng rất đồng tình với quyết định của chúng tôi.” Bác sĩ cũng cho biết thêm ban đầu họ dự định sẽ duy trì thai nhi trong bụng mẹ đến tuần 30 nhưng khi đến tuần 26, thai nhi có dấu hiệu xấu, có nguy cơ sảy thai nên các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai. Đây là trường hợp đầu tiên ở Wroclaw và chỉ có một vài trường hợp tương tự trên thế giới. Cũng từng có một trường hợp tương tự ở Ba Lan nhưng khi đó người mẹ đang mang thai ở những tuần cuối thai kỳ nên khả năng em bé sống sót là cao hơn.

 

13. Angola dịch sốt vàng da bùng phát do nhiều người dùng giấy tờ tiêm phòng giả: Nguyên nhân dịch sốt vàng da bùng phát ở Angola được cho là do người nhập cư dùng giấy tờ giả chứng minh đã tiêm phòng. Quan chức y tế quốc tế hôm 10/6 cho biết, dịch sốt vàng da tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua bùng phát ở Angola bởi vì những bệnh nhân đầu tiên là người nhập cư Eritrea đã sử dụng giấy tờ giả chứng minh việc đã tiêm vaccine. Luật pháp Angola từ chối cho bất cứ người nào nhập cảnh mà không có giấy tờ chứng minh họ đã tiêm phòng một số bệnh nguy hiểm thường xảy ra ở khu vực này. Chính vì thế, khi phát hiện bệnh nhân người Eritrea tại thủ đô Luanda giữa tháng 12/2015, ban đầu các quan chức y tế Angola tưởng rằng họ đang phải đối mặt với một loại virus mới. Cho đến ngày 19/1, khi họ xác định được nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là do sốt vàng da thì virus đã lan rộng và đến tháng 2 đã xuất hiện ở hơn một nửa trong số 18 tỉnh của Angola.

Trong đợt dịch lần này, bệnh sốt vàng da đã cướp đi sinh mạng của 325 người ở Angola và lan sang đến Trung Quốc. Kể từ khi dịch được xác định từ tháng 1/2016, khoảng 10,5 triệu dân Angola, tương đương 40% dân số đã được tiêm vaccine và Tổ chức Y tế thế giới dự kiến tiêm phòng cho toàn bộ những người còn lại từ nay đến cuối năm. Sốt vàng da lây truyền qua cùng một loại muỗi mang virus Zika và sốt xuất huyết. Tỷ lệ tử vong của bệnh sốt vàng da lên đến 75%. Gần đây bệnh sốt vàng da đã xuất hiện ở thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo. Các chuyên gia y tế thế giới kêu gọi nước này nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, nếu không, khi dịch bùng phát cả ở Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo, dự trữ vaccine và tốc độ sản xuất vaccine có thể không ngăn chặn được dịch bệnh kịp thời./.

 

14. Các nước cam kết tăng gần gấp đôi số người được điều trị AIDS: Tại hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về dịch HIV/AIDS bế mạc hôm 10/6, các nước cam kết tăng gần gấp đôi số người được điều trị HIV trong 5 năm tới. Trong 3 ngày họp tại New York, lần đầu tiên các nước cam kết giám sát chất lượng điều trị với mục tiêu 90% số người được điều trị thuốc kháng virus, đưa tải lượng virus HIV trong huyết thanh của người bệnh hạ xuống rất thấp. Năm 2015, khoảng 36,7 triệu người trên thế giới sống chung với HIV và 17 triệu người được tiếp cận thuốc điều trị kháng virus ARV. Các nước cũng cam kết đến năm 2020, giảm số ca nhiễm mới HIV xuống dưới 500.000 mỗi năm, thấp hơn nhiều với 2,1 triệu ca mắc mới của năm 2015 và giảm số ca tử vong hàng năm liên quan đến HIV xuống dưới 500.000 vào năm 2020. Liên Hợp Quốc cũng đang tìm cách huy động 13 tỷ USD trong vòng 3 năm tới cho cuộc chiến thanh toán bệnh AIDS. Lần đầu tiên tại châu Phi, số người được điều trị HIV cao hơn số ca mắc mới. Tuy nhiên số ca mắc ở người trưởng thành hầu như không thay đổi kể từ năm 2010 và nhóm có nguy cơ cao như người hành nghệ mại dâm, tù nhân, người đồng tính, chuyển giới và tiêm chích ma tuý vẫn chưa được quan tâm đúng mức./.

 

15. Lãnh đạo các nước trên thế giới quyết tâm kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030: Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết như vậy trong Tuyên bố Chính trị 2016 của LHQ đã được thông qua trong phiên họp đang diễn ra tại Mỹ của tổ chức này. Các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí rằng chưa có quốc gia nào đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS và không một quốc gia nào có thể giảm bớt nỗ lực phòng, chống AIDS vào lúc này. Toàn thế giới nhất trí rằng chỉ có thể kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030 nếu thực hiện được các mục tiêu đến năm 2020 về Dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS như đã đề cập ở trên. Theo đó, đến năm 2020, giảm số nhiễm HIV mới trên toàn thế giới xuống ít hơn 500.000 người, giảm số tử vong do AIDS trên toàn thế giới xuống ít hơn 500.000 người và xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Tuyên bố Chính trị 2016 khẳng định tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch dựa trên đặc thù của từng địa bàn và nhóm dân cư. Đến năm 2020, các dịch vụ dự phòng HIV toàn diện, bao gồm các dịch vụ giảm hại, tới được với tất cả phụ nữ, trẻ gái vị thành niên và các nhóm có nguy cơ cao đều được triển khai, đưa điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tới 3 triệu người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, cung cấp 20 tỷ bao cao su cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, và đưa dịch vụ y tế cắt bao qui đầu tự nguyện đến được với 25 triệu nam thanh niên. Tuy vậy Tuyên bố Chính trị 2016 không nhắc cụ thể đến các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tuyên bố Chính trị 2016 đồng thời cũng nhấn mạnh cần bảo đảm rằng các bà mẹ nhiễm HIV đều được điều trị ARV ngay lập tức và điều trị suốt đời. Triệt tiêu nhiễm mới HIV ở trẻ em thông qua thực hiện mục tiêu đến năm 2020 giảm 95% số ca nhiễm mới ở trẻ em tại tất cả các khu vực trên thế giới. Để bảo đảm rằng các mục tiêu nêu trên có thể thực hiện được, các nhà lãnh đạo kêu gọi hiện thực hóa mục tiêu đóng góp được 13 tỷ đô-la Mỹ cho vòng gây quỹ thứ 5 của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét. Các quốc gia khuyến khích sự tham gia mang tính chiến lược của khu vực tư nhân vào công tác phòng, chống AIDS nhằm hỗ trợ về đầu tư và cung cấp dịch vụ, củng cố hệ thống mua sắm, các sáng kiến ở nơi làm việc, tiếp thị xã hội các vật phẩm y tế và thay đổi hành vi.​


Thăm dò ý kiến