Thành F0 rồi, tôi phải làm gì khi có các triệu chứng?
20/01/2022 | 12:34 PM
Khi bạn bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập, hệ thống miễn dịch cơ thể sẽ chiến đấu với virus và biểu hiện bằng các triệu chứng. Cần hiểu rõ cơ chế của các triệu chứng này để có cách ứng phó phù hợp.
Cả nước hiện có hơn 174.000 F0 đang điều trị tại nhà (số liệu thống kê tại 58 tỉnh/thành của Bộ Y tế tới hết ngày 19/1), riêng tại Hà Nội có hơn 53.000. Đây là những trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Khi virus xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chiến đấu với virus và sẽ biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng. Cần hiểu rõ cơ chế của các triệu chứng này để có cách ứng phó phù hợp.
- Sốt, chính là cơ thể đang chiến đấu với virus. Nếu sốt nhẹ, không quá ảnh hưởng đến cơ thể, thì cũng chưa cần thực hiện các biện pháp hạ sốt. Ở những người miễn dịch kém (dùng thuốc ức chế miễn dịch) thì hầu như không sốt.
- Ho, hắt hơi... cũng là những phản xạ nhằm đẩy các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Chỉ khi ho gây khó chịu quá, khiến cho đau quặn bụng, đau ngực, mất ngủ... thì mới cần phải dùng thuốc giảm ho.
- Buồn nôn và nôn: cũng là các phản xạ để loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể, tuy nhiên việc nôn ra ngoài khiến cơ thể bị mất điện giải, rất mệt mỏi nên cần dùng thuốc để hạn chế tình trạng nôn của người bệnh.
- Đi lỏng: tương tự như các triệu chứng trên, vẫn là để tống khứ các chất độc hại ra ngoài. Tuy nhiên, đi lỏng quá nhiều khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước và điện giải nên cần hạn chế, nhất thiết phải bù nước, điện giải.
Với các triệu chứng trên, chúng ta chỉ cần điều trị như thông thường. Thường ngày khi bị cúm, khi bị sốt virus chúng ta xử lý như thế nào thì khi mắc COVID-19, chúng ta cũng xử lý y như vậy, không nhất thiết phải hỏi bác sĩ. Lưu ý bù đủ nước và điện giải.
Ngoài ra, COVID-19 cũng khiến cơ thể phải hứng chịu nhiều độc tố của virus:
- Đau nhức mình mẩy, đặc biệt các khớp: việc này là khó tránh khỏi, khi độc tố virus giảm bớt thì sẽ hết. Thường không có thuốc nào làm đỡ được tình trạng này.
- Mẩn ngứa, dị ứng: xử lý bằng các loại thảo dược có tính mát, các loại thuốc chống dị ứng thông thường.
- Cảm giác ớn lạnh: cũng là do độc tố của virus, có thể uống trà gừng nóng, ăn các đồ ấm nóng, đủ dinh dưỡng để hạn chế tình trạng này.
- Căng thẳng, lo lắng, mất ngủ: là vấn đề tâm lý, khiến sức khỏe chung giảm sút. Có thể dẫn đến thiếu máu lên não, cảm giác khó chịu ở dạ dày-thực quản...
Một số người còn thấy tức ngực, khó thở nhưng SpO2 vẫn 98-99%, đó là do tâm lý. Xử lý bằng thuốc an thần nhẹ thành phần thảo dược, MagneB6, Melatonin...
- Đau đầu, váng đầu, nhức mắt, ù tai, cảm giác bồng bềnh: thường do thiếu máu lên não kết hợp với độc tố của virus. Xử lý bằng cách dùng thuốc tăng tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết...
- Mất khứu giác (ngửi mùi), vị giác: do tổn thương các tế bào thần kinh đệm có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh, còn các tế bào khứu giác, vị giác lại không bị ảnh hưởng. Tùy người mà có thể mất khứu giác/vị giác hoặc không. Ăn uống ngủ nghỉ tốt sau COVID-19, tập hít các mùi vị, ăn các món ăn quen thuộc và tưởng tượng bằng trí óc, thường sau khoảng 4-6 tuần thì khứu giác và vị giác trở lại bình thường.
- Chảy nước mũi: do độc tố làm tăng tính thấm thành mạch, làm xung huyết các mạch máu trong mui, khiến nước mũi chảy ra nhiều hơn. Chúng ta dùng nước muối sinh lý, thuốc co mạch như Otrivin (0,05-0,1%), Coldi B, Rhinex 0,05%...
- Các mạch máu nhỏ xung huyết: một số sẽ bị mắt đỏ, một số thì xì mũi hoặc ho ra một chút máu, do các mạch máu nhỏ bị vỡ ra. Nhìn chung không đáng ngại và thường tự hết.
- Một số người thần kinh yếu, sa sút trí tuệ... có thể rơi vào trạng thái mất tỉnh táo, lú lẫn, lơ mơ... Những trường hợp này thì cần sự trợ giúp của nhân viên y tế.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính