Sáng 16/8: Hơn 120 ca COVID-19 nặng đang điều trị; TP HCM có thiếu thuốc chống đông máu phục vụ mổ tim không?
16/08/2022 | 10:11 AM
|
Theo thống kê của Bộ Y tế thời gian gần đây số ca mắc mới tăng, ca nặng tăng; Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là theo dõi chặt sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19; TP HCM có thiếu thuốc Protamin sulfat - thuốc chống đông máu phục vụ mổ tim không?
Ca mắc mới tăng, ca nặng tăng, theo dõi chặt sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19
Bộ Y tế cho biết, ca COVID-19 mới ngày 15/8 tăng lên 1.695, tăng hơn 200 trường hợp so với ngày trước đó. Trong ngày số bệnh nhân khỏi gấp gần 6 lần ca mới; bệnh nhân nặng cũng tăng lên.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.367.479 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.603 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước đã đã khỏi là: 10.029.826 ca; Trong số bệnh nhân đang theo dõi, điều trị có 124 trường hợp thở ô xy là 124 ca, gôm: Thở ô xy qua mặt nạ: 111 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca. Thống kê gần đây cho thấy, số ca nặng gia tăng so với trước đó có thời điểm chỉ hơn 20 trường hợp đang điều trị, liên tục các ngày qua, bệnh nhân nặng đang điều trị thường trên 100 ca/ ngày;
Theo thống kê của Bộ Y tế thời gian gần đây số ca mắc mới tăng, ca nặng tăng; Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là theo dõi chặt sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19;
Trong tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình 2000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại và có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị.
TP HCM có thiếu thuốc Protamin sulfat - thuốc chống đông máu phục vụ mổ tim không?
Thông tin từ Sở Y tế TP HCM tối 15/8, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố có triển khai phẫu thuật tim hở đều khẳng định không thiếu thuốc Protamin sulfat (thuốc chống đông máu) và vẫn mổ tim cho bệnh nhân bình thường.
Cụ thể, các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa của thành phố có triển khai kỹ thuật mổ tim như Viện Tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP, tất cả đều báo cáo với Sở Y tế không có tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat - một hoạt chất không thể thiếu khi triển khai kỹ thuật mổ tim hở.
Tại bệnh viện chuyên phẫu thuật tim hàng đầu của thành phố như Viện Tim cho biết hiện còn hơn 3.300 ống có thể đủ dùng trong 3 tháng và khi hết thuốc chắc chắn sẽ có nguồn thuốc khác bổ sung. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng TP hiện còn hơn 400 ống có thể sử dụng trong 1 năm...
Trước đó, ngày 14/8, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã có văn bản thông tin về những nội dung liên quan đến thuốc Protamin sulfat.
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 595,3 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Thủ tướng Australia ngày 15/8 công bố hoàn tất thỏa thuận hợp tác sản xuất vaccine mRNA giữa Chính phủ Australia, chính quyền bang Victoria và hãng dược phẩm Moderna, mở ra cơ hội mới cho ngành dược phẩm Australia, đồng thời đảm bảo nguồn cung vaccine cho các nhu cầu trong nước và khu vực.
Thỏa thuận, có thời hạn 10 năm, bao gồm thiết lập một cơ sở sản xuất vaccine của Moderna đặt tại Đại học Monash ở thành phố Melbourne, thuộc bang Victoria. Cơ sở này dự kiến sản xuất khoảng 100 triệu liều vaccine mRNA mỗi năm, được sử dụng để phòng ngừa nhiều loại dịch bệnh khác nhau, trong đó có cả vaccine phòng COVID-19. Ngoài ra, Moderna cũng sẽ thành lập trụ sở chính và Trung tâm Nghiên cứu khu vực tại bang Victoria.
Ngày 15/8, Cơ quan Quản lý của Anh (MHRA) thông báo rằng họ đã phê duyệt một thế hệ mới của vaccine ngừa COVID-19 của Moderna nhắm vào biến thể Omicron. Đây là loại vaccine đầu tiên trên thế giới có thể ngừa được biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
MHRA cho biết trong một thông báo: Phiên bản này của vaccine bao gồm một liều tăng cường được gọi là "lưỡng trị", nhắm mục tiêu một nửa chủng virus ban đầu và một nửa biến thể Omicron và "tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ" chống lại cả hai, bao gồm cả chống lại các biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính