Rau răm giúp tiêu thực, chữa rắn cắn
28/02/2018 | 07:47 AM
Rau răm là rau gia vị có mùi thơm đặc trưng dễ chịu, tăng thêm hương vị món ăn, giúp cho tiêu hoá.
Nhiều món ăn dân dã thường dùng rau răm như trứng vịt lộn, thịt giả cầy, gỏi thịt gà, canh chua cá đồng, cháo lươn, trai, hến đều ngon, thích hợp. Rau răm còn là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Theo y học cổ truyền, rau răm vị cay tính ấm. Tác dụng ôn tỳ vị, tiêu thực, cầm tả lỵ, khử hàn, trừ thấp, hoạt huyết tiêu độc... Trị bụng đầy chậm tiêu, đầy hơi, tiêu lỏng, bí tiểu, phù thũng, phong thấp nhức mỏi, chàm lở, rắn cắn, làm dịu tình dục...
Trong Nam dược thần hiệu của danh y Tuệ Tĩnh có ghi “Rau răm trừ được cước khí sưng chân và chữa rắn rết côn trùng cắn, chàm, ghẻ lở dùng uống trong và đắp ngoài”. Bản thảo cương mục viết: “Rau răm trừ độc trong tôm cá…”.
Theo dược tính hiện đại, rau răm chứa calcium, phosphor, kali, magnesium, mangan, sắt, vitamin C, vitamin PP và tinh dầu thơm mát. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn trứng vịt lộn với rau răm là rất khoa học vì vịt lộn rất giàu đạm và dưỡng chất khó tiêu. Rau răm có tính kiện tỳ tiêu thực, ăn với trứng vịt lộn thơm ngon dễ tiêu không sợ đầy bụng. Xin giới thiệu một số phương thuốc có dùng rau răm:
Ăn tôm cá bị đau bụng đi ngoài: hái rau răm tươi giã vắt nước cốt cho uống hoặc sắc nước cho uống.
Chữa trẻ em nhiều rôm sảy: rau răm 100g, cá diếc 1-2 con luộc chín lấy thịt nấu canh ăn nhiều lần.
Chữa mùa hè say nắng: rau răm 100g giã vắt nước cốt cho uống.
Chữa cảm cúm: rau răm 50g, ba lát gừng giã nhỏ vắt nước cốt uống.
Chữa mụn nhọt mới phát: rau răm 100g giã vắt nước cốt uống bã đắp ngoài.
Chữa đau bụng sán lãi: rau răm 50g sắc uống.
Chữa nước ăn chân: rau răm giã nhỏ cho thêm muối đắp vào nơi bị nước ăn.
Chữa vết thương lở loét lâu lành: rau răm sao tồn tính tán bột đắp vào nơi da lở loét.
Chữa đứt tay chảy máu: rau răm nhai nhỏ đắp nơi bị đứt tay.
Chữa hắc lào, sâu quảng, chốc lở: rau răm giã vắt nước cốt cho thêm chút rượu bôi vào vùng da bị bệnh.
Có nơi còn dùng rau răm làm thuốc thông tiểu, hạ sốt, tiêu hóa kém, trúng thực nôn mửa, tiêu chảy, kiết lỵ. Có người cho rằng ăn rau răm làm yếu sinh lý, thực tế chưa thấy tài liệu nào chứng minh ăn rau răm bị giảm tình dục.
Ghi chú: Rau răm nên dùng tươi phát huy tác dụng của tinh dầu tốt hơn. Phụ nữ có thai không nên ăn rau răm.
Lương y Minh Phúc
Nguồn: Báo Sức khỏe đời sống
Related news
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc
- Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não