Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam: Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 đúng hướng
27/07/2021 | 09:49 AM
Việt Nam triển khai các chiến lược phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả và đúng đắn theo từng giai đoạn phù hợp với diễn tiến dịch tại Việt Nam và trên thế giới. Đây là nhận định của bác sỹ Eric Dziuban- Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Chiến lược khống chế dịch hiệu quả trong hơn 1 năm
Tại buổi chia sẻ với báo chí, BS Eric Dziuban-Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đối với tình trạng y tế khẩn cấp, có những giai đoạn khác nhau trong phòng chống đại dịch. Việt Nam đã tiến hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ rất sớm. Việt Nam đã tiến hành từ khâu dự phòng/ngăn ngừa để ngăn chặn ca bệnh nhập cảnh. Sau đó là đến giai đoạn khống chế dịch: từ các ổ dịch nhỏ, nắm rõ vị trí F0, truy vết, nhận diện F1, F2 để ngăn chặn nguồn lây. Đó là cách mà giai đoạn đầu, Việt Nam đã đưa số ca mắc mới về con số “0”.
BS. Eric Dziuban trả lời trực tuyến các nhà báo từ văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam
Chiến lược này cực kỳ hiệu quả đối với Việt Nam, trong hơn 1 năm. Việt Nam đã giành được sự ngợi khen trên thế giới và hoàn toàn xứng đáng nhờ chiến lược khống chế dịch COVID-19 rất hiệu quả.
Đó là nhờ khả năng truy vết thần tốc ca mắc, mở rộng xét nghiệm xung quanh các ổ dịch, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các ca dương tính. Ở giai đoạn đầu, trong khi các nước khác bùng phát dịch rất nhanh với số ca nhiễm rất lớn, Việt Nam thì không. Cho tới tận tháng 4 năm nay, thì số ca nhiễm ở Việt Nam thực sự vẫn rất ít.
Việt Nam đi đúng hướng trong việc ứng phó với diễn biến mới của dịch
BS Eric Dziuban cho biết, khi virus lây lan ở mức không thể kiểm soát, có quá nhiều ca mắc mà không thể truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc, cần áp dụng chiến lược mới. Đó là ngăn chặn sự lây lan của virus, giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra, đảm bảo năng lực hệ thống y tế để không làm quá tải các bệnh viện.
Chiến lược này không thể đưa các ca mắc mới quay trở về con số “0” nhưng có thể làm chậm lại sự lây lan của virus. Vì vậy, có thể giúp cho các ca mắc mới không tăng quá nhanh. Và điều này đồng thời giúp cho sự an toàn của người dân cũng như giúp hệ thống y tế tránh bị quá tải.
Trong năm 2020, trên thế giới phổ biến thuật ngữ “làm phẳng đường cong” (flatten the curve) dịch bệnh. Điều đó có nghĩa là chưa thể xác định được ca mắc mới ngay lập tức, nhưng ít nhất có thể làm chậm lại sự lây lan của virus trong cộng đồng, dưới ngưỡng mà hệ thống y tế có thể bị quá tải.
Trong giai đoạn mới của dịch, Việt Nam áp dụng những biện pháp dịch tễ học cần thiết khác. Bên cạnh các biện pháp truyền thống như ngăn chặn ca nhập cảnh, dập các ổ dịch nhỏ, thì hiện nay có thể thấy ở phía nam, có những ổ dịch bùng phát rất lớn, chúng ta cần phải làm giảm tỷ lệ lây nhiễm và giảm thiểu tổn thất do đại dịch.
Việt Nam là 1 trong 124 quốc gia ghi nhận ca nhiễm do biến thể Delta, và điều đó thực sự đã làm thay đổi cách chống dịch COVID-19. Chúng ta chứng kiến trên thế giới nhiều nước số ca nhiễm tăng rất mạnh, phần lớn là do biến thể Delta gây ra. Bởi đây là phiên bản mạnh hơn của virus SARS-CoV-2, vì vậy mà hành động ứng phó của chúng ta cũng cần phải mạnh mẽ hơn.
Vì vậy mà có thể thấy Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt hơn, tập trung vào việc đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải.
Chiến lược phù hợp hiện tại và tương lai
Theo bác sỹ Eric Dziuban, tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 là con đường thiết yếu để ngăn chặn thành công sự lây lan của virus. Hiện virus có khả năng biến đổi và làm gia tăng mức độ lây nhiễm ở các quốc gia. Sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể giúp cho nhiều người trong cộng đồng được tiêm phòng. Hành trình này không hề dễ dàng. Hiện đã có hàng triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 về tới Việt Nam. Tiêm phòng là giải pháp mang tính lâu dài.
Về trước mắt, Việt Nam triển khai những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng. Chẳng hạn như ở TP.HCM, việc cách ly phong tỏa không thể đưa số ca mắc mới quay trở về con số “0” như ban đầu, nhưng ít nhất nó có thể làm chậm lại tốc độ gia tăng các ca mắc mới nhằm bảo vệ cộng đồng và duy trì sức chống chịu của hệ thống y tế.
Các biện pháp tương tự cũng đang được tiến hành ở Hà Nội hay một số tỉnh thành khác theo chiến lược nhằm đưa số ca mắc mới trở về gần mức số ‘0”. Những chiến lược đơn giản vẫn được áp dụng như 5K: đeo khẩu trang, giãn cách xã hội,… Trước mắt, đây là chiến lược vẫn cần được tận dụng cho tới khi tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng.
BS. Eric Dziuban cũng cho rằng TP.HCM đang áp dụng mô hình đúng đắn trong việc phân bổ nguồn lực y tế, điều trị ca dương tính theo 2 mức: mức nặng nhập viện và mức nhẹ điều trị tại nhà. Đây là mô hình được coi là thành công nhằm giảm tình trạng quá tải cho hệ thống y tế xét về mặt dịch tễ học. Những ca mắc nhẹ, không có triệu chứng được điều trị tại nhà dưới sự theo dõi của nhân viên y tế nhằm giảm áp lực cho bệnh viện. Việc chia điều trị theo cấp độ là mô hình phù hợp.
Mặc dù vậy, việc dự phòng, ngăn ngừa vẫn là quan trọng nhất để kiểm soát dịch, làm phẳng đường cong của dịch bệnh.
Hoa Kỳ sát cánh cùng Việt Nam
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc CDC Hoa Kỳ cho biết quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là minh chứng tuyệt vời của quan hệ đối tác. “Tôi rất tự hào cùng đội ngũ CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam sát cánh cùng Bộ Y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.”, BS. Eric Dziuban chia sẻ. "Các chuyên gia của CDC Hoa Kỳ đã dành hàng nghìn giờ làm việc cùng các chuyên gia Việt Nam trong phòng thí nghiệm, tại hiện trường, xét nghiệm cho đến điều trị, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế, quản lý dữ liệu trong hành trình ứng phó dịch thông minh và hiệu quả của Việt Nam."
“CDC Hoa Kỳ đã có 25 năm hợp tác cùng với Việt Nam. Đây là mối quan hệ hợp tác rất thành công. Chúng ta đã cùng nhau hợp tác trong phòng chống HIV, cúm, lao, bệnh truyền nhiễm và tăng cường hệ thống y tế.”, ông chia sẻ.
Ông cũng tâm sự “Việt Nam đã trở thành quê hương chúng tôi. Gia đình tôi cũng sống cùng tôi ở Hà Nội, cùng dõi theo thành phố trong hành trình chống dịch để mang lại sự bình yên cho người dân”.
“Chúng tôi có các đồng nghiệp ở Hoa Kỳ và thường xuyên tham khảo kinh nghiệm của các nước khác để tư vấn cho Việt Nam. Và ngạc nhiên thay, nhiều khi Việt Nam lại có những ý tưởng hay mà chúng tôi dùng để chia sẻ với các nước khác ở khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới.”, BS Eric Dziuban nói.
Tại buổi thông tin cùng báo chí, Giám đốc CDC Hoa Kỳ đã trả lời câu hỏi của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống về sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay.
BS. Eric Dziuban cho biết, đội ngũ CDC Hoa Kỳ đã sát cánh cùng ngành y tế Việt Nam kể từ khi đại dịch xuất hiện trên thế giới. CDC hỗ trợ Việt Nam trong hướng dẫn kỹ thuật, phòng thí nghiệm, đào tạo, đôi khi mang tới công cụ xét nghiệm, thiết bị tiêm chủng,…. Tới nay, đã có hơn 5 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 do Hoa Kỳ trao tặng về tới Việt Nam.
Chiến lược Việt Nam hiện đang triển khai là đúng hướng. Phương hướng, cách tiếp cận chống dịch ở mỗi giai đoạn là khác nhau để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh hơn. CDC Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong mỗi giai đoạn cụ thể khác nhau.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Related news
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan