Ca mắc mới, bệnh nhân COVID-19 nặng tăng, nhiều nơi sốt sắng tổ chức chiến dịch cao điểm tiêm vaccine
02/09/2022 | 22:47 PM
Theo Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 mới, số bệnh nhân nặng và số nhập viện đang gia tăng, cùng đó số tử vong cũng tăng - có ngày 4 trường hợp. Tuy nhiên tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 và tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 ở một số địa phương vẫn còn thấp, chậm.
Nhiều biến thể phụ của Omicron xâm nhập khiến ca mắc COVID-19, bệnh nhân nặng và ca nhập viện tăng
Theo Bộ Y tế trong thời gian gần đây, số ca mắc mới bệnh COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc.
Tổng số ca mắc mới COVID-19 trong 7 ngày qua ở nước ta khoảng hơn 18.400, trung bình gần 2.700 ca/ ngày. Số ca mắc mới gia tăng, có ngày hơn 2.000 ca, tuy nhiên đã có những ngày số mắc tăng vọt lên hơn 3.500 ca.
Số bệnh nhân nặng cũng gia tăng trong thời gian gần đây, thường hơn 100 ca/ ngày, có ngày lên đến gần 140 ca, trong khi ở thời điểm tháng 6-7, số bệnh nhân nặng chỉ vài chục ca, có ngày chỉ còn không đến 20 ca.
Cùng đó, số trường hợp tử vong cũng tăng lên, có thời điểm của tháng 6-7, gần như rất ít ngày bản tin phòng chống dịch của Bộ Y tế có bệnh nhân COVID-19 tử vong, tuy nhiên gần đây, có ngày số bệnh nhân tử vong đã lên đến 4 ca (ngày 30/8). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.
Đến nay tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.117 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Khoảng 35% số ca bệnh nặng và tử vong chưa tiêm vaccine COVID-19 hoặc chưa tiêm đủ
Theo Bộ Y tế, qua đánh giá các ca bệnh COVID-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, tại một số nơi, một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi còn thấp.
Vì vậy, trong văn bản mới nhất, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tăng cường rà soát và triển khai truyền thông, tiêm vaccine cho người dân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Tại lễ phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" do Bộ Y tế và UNICEF cùng UBND tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói: Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân và trẻ em. Hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch và phát động Chiến dịch "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" về tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 18 tuổi, nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho trẻ em theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế; với mong muốn mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được tạo điều kiện tiêm vaccine, có miễn dịch chủ động với virus SARS-COV-2, để có thể vui chơi, học tập và sinh sống an toàn, các địa phương đạt được mục tiêu tiêm chủng.
Còn ông Maharajan Muthu - đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ: Chúng tôi kêu gọi các bậc phụ huynh, cha mẹ đảm bảo sức khỏe cho con mình, để các em sẵn sàng cho năm học mới. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho con bạn. Chúng ta đều biết rằng vaccine giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại COVID-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"; tổ chức tiêm chủng lưu động vaccine COVID-19
Để bảo vệ đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền... và để con trẻ được đến trường, vui trung thu an toàn, nhiều người đã đưa người thân, ông bà đi tiêm mũi 3 và mũi 4, nhiều phụ huynh sốt sắng đưa các bé đi tiêm vaccine COVID-19. Tại nhiều địa phương đã sốt sắng tổ chức các chiến dịch cao điểm tiêm vaccine xuyên nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, tiêm trong tháng 9/2022...
Sở Y tế TP HCM vừa yêu cầu tất cả bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế tiếp tục tăng cường tổ chức tiêm vaccine COVID-19 trong tháng 9. Triển khai hiệu quả tháng cao điểm tiêm vaccine COVID-19 trong tháng 9 cho trẻ. Riêng đối với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sản, nhi tuyến thành phố; bệnh viện quận, huyện; trung tâm y tế phải tiếp tục triển khai các điểm tiêm vaccine cố định tại đơn vị cho người dân (người lớn và trẻ em) liên tục trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch khẩn về "Tổ chức chiến dịch cao điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa", nhằm đẩy mạnh tiêm vaccine, tăng tỷ lệ bao phủ cho các đối tượng, nhất là học sinh chuẩn bị năm học mới 2022 - 2023.
Mục tiêu kế hoạch đề ra là 90% người từ 18 tuổi trở lên thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, cơ sở du lịch, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn tỉnh được tiêm mũi 3 và mũi 4 vaccine COVID-19. Đối với trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi và trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi, mục tiêu đặt ra là đạt 80% tỷ lệ thực hiện tiêm đủ liều vaccine COVID -19.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng vừa yêu cầu đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo quy định và sử dụng kịp thời, hiệu quả số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ, tránh lãng phí.
UBND cấp xã trong tỉnh "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp đối với mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.
Tại Hà Nội, trước khi năm học mới bắt đầu, để con trẻ được đến trường an toàn, nhiều phụ huynh đã sốt sắng đưa các bé đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Anh Nguyễn Hữu Dũng (ở An Khánh, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa con đến điểm tiêm trạm y tế phường Tây Mỗ chia sẻ: "Con tôi bị COVID-19 hồi tháng 3, nên đến thời điểm này cháu mới đi tiêm vaccine COVID-19. Trẻ đi học không tránh được các hoạt động vui chơi, nô đùa cùng bạn bè, do vậy được tiêm vaccine sẽ giúp các cháu được bảo vệ đầy đủ hơn...".
Nguồn: SKĐS
Related news
- Thủ tướng chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Bộ Y tế công bố “Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030"
- Mời báo giá dịch vụ chăm sóc duy trì cây xanh và thu dọn vệ sinh sân cơ quan Bộ Y tế
- Nền tảng y tế số là công cụ tuyệt vời để cải thiện tính công bằng và khả năng tiếp cận xét nghiệm HIV
- Hạt nhân lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện
- WHO đánh giá cao Quốc hội phê duyệt nghị quyết về cấm các sản phẩm thuốc lá mới
- Mối lo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố