Bộ Y tế: Tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân, không bỏ sót người chưa tiêm
05/02/2022 | 19:14 PM
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm/chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn tiêm chủng...
Có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết trong các ngày từ 31/01/2022 – 04/02/2022 (từ 29 Tết đến mùng 4 Tết), ghi nhận 41.042 trường hợp mắc COVID-19 tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó 547 trường hợp tử vong.
5 ngày Tết không ghi nhận các trường hợp bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9); không phát hiện hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc cúm A(H5N1), A(H7N9) tại các cửa khẩu biên giới.
Bộ Y tế nhận định đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm.
Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.
Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, số mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).
Không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm, chưa được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19, đặc biệt đối với biến chủng mới Omicron, tiếp tục huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2022, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, coi công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó chú trọng các nội dung: Tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Tiếp tục rà soát, đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để tổ chức các biện pháp đáp ứng dịch phù hợp, làm cơ sở triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với Nghị quyết số 128/NQ-CP và tình hình dịch bệnh.
Đồng thời tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế.
Các bộ ngành, địa phương... tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... nhất là khi đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp tại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết.
Đối với các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; có phương án thường trực, dự trữ cơ số máu, thuốc, dịch truyền, ôxy y tế, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy.
Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải y tế, đảm bảo việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đúng quy định, không làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài và không gây ô nhiễm môi trường.
Triển khai các hoạt động liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho cấp phép nhập cảnh, mở cửa du lịch và mở cửa trường học an toàn cho học sinh trở lại trường.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan