UNDP-WHO hỗ trợ giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt Nam
14/11/2024 | 17:18 PM
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì buổi làm việc với UNDP và WHO
Sáng ngày 11/11/2024 tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chủ trì buổi làm việc với trưởng đại diện UNDP, Ramla Khalidi và Tiến sỹ Angela Pratt trưởng đạị điện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam về vấn đề giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Cùng tham dự có đại diện một số Cục, Vụ, Viện, trường thuộc và trực thuộc Bộ Y tế. Các chuyên gia đến từ UNDP và WHO tại Việt Nam.
Đại diện Cục Quản lý Môi trường y tế báo cáo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc các đại biểu đã nghe đại diện Cục Quản lý Môi trường y tế báo cáo về các hoạt động dự phòng bảo vệ sức khỏe do ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Thực trạng trong những năm gần đây tình hình ô nhiễm không khí đã và đang liên tục gia tăng ở các khu vực đô thị do sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh, gia tăng số lượng các phương tiện giao thông cơ giới, và gia tăng tốc độ công nghiệp hóa. Báo cáo cũng đưa ra những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Bộ Y tế với nhiệm vụ xác định, đánh giá, cảnh báo, theo dõi và phát hiện triệu chứng, nguyên nhân của bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến các chất ô nhiễm đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Quan trắc tác động đối với môi trường không khí từ các hoạt động của ngành Y tế; tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ lò đốt công trình y tế; nghiên cứu ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe; xây dựng các hướng dẫn bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí; tập huấn, truyền thông. Bên cạnh đó cũng nêu lên những khó khăn vướng mắc và những giải pháp thực hiện cùng với những kiến nghị để xuất trong thời gian tới.
Tiến sỹ Angela Pratt trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Đại điện UNDP và WHO đã đưa ra dự thảo ý tưởng về công tác chung của UNDP-WHO nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt được không khí sạch cho tất cả mọi người thông qua việc tăng cường quản lý chất lượng không khí và tăng cường sự tham gia của công chúng vào việc giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí. Những lĩnh vực đề xuất hợp tác sẽ tập trung vào khung pháp lý và quy định toàn diện cho quản lý chất lượng không khí. Khuyến nghị chính sách về cải thiện khuôn khổ pháp lý, quy định và thể chế của Việt Nam, ví dụ: Xem xét khuôn khổ pháp lý và quy định hiện hành so với các chuẩn mực quốc tế. Hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy định rõ ràng về quản lý chất lượng không khí ở cấp quốc gia, thành phố/tỉnh và địa phương. Phát triển năng lực cho các nhà hoạch định chính sách và cán bộ Chính phủ về quản lý chất lượng không khí và thực hiện các hướng dẫn, ví dụ: Các chương trình trao đổi kiến thức với các nước ngang hàng thành công hỗ trợ Việt Nam tham gia các hội nghị quốc tế và khu vực;
Bà Ramla Khalidi, trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Phát triển dữ liệu giám sát chất lượng không khí, dự báo và cảnh báo sớm. Tăng cường mạng lưới quan trắc cảm biến chất lượng không khí, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và ứng phó khẩn cấp, phát triển năng lực về dự báo, cảnh báo sớm, cảnh báo công cộng theo thời gian thực và ứng phó với tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành và các bên liên quan. Triển khai cơ chế phối hợp để tăng cường thực hiện chính sách;
Tăng cường hiểu biết về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe và kinh tế xã hội. Hỗ trợ phương pháp thu thập dữ liệu và ước tính tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe và các tác động kinh tế xã hội khác, Hỗ trợ kỹ thuật về phương pháp chuẩn hóa, dữ liệu và kết quả;
Nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng. Triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe và các biện pháp tự bảo vệ. Các chiến dịch giáo dục hướng đến các cộng đồng có nguy cơ cao, lồng ghép giáo dục về chất lượng không khí vào chương trình giảng dạy của trường học. Hỗ trợ các biện pháp can thiệp ở cấp địa phương về giảm ô nhiễm không khí;
Các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến
Các đại biểu tham dự buổi làm việc cũng đã đóng góp các ý kiến liên quan đến các hoạt động can thiệp dự phòng và đề xuất những mong muốn hỗ trợ từ phía UNDP và WHO trong triển khai các nghiên cứu chuyên sâu về tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe người dân Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đồng ý với các đề xuất của UNDP và WHO nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết ô nhiễm không khí tại Việt Nam; giao Cục Quản lý Môi trường y tế làm việc trước với Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất các nội dung và cách thức triển khai phối hợp với UNDP và WHO để tổ chức hội nghị toàn quốc và ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bộ. Sau đó lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đại diện UNDP và WHO sẽ làm việc thống nhất về nội dung đặc biệt là kế hoạch triển khai từng bước như thế nào. Với hội nghị toàn cầu diễn ra tại Colombia vào tháng 3/2025, Bộ Y tế sẵn sàng tham dự để lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm để có thể lựa chọn áp dụng triển khai tại Việt Nam và hy vọng WHO sẽ sắp xếp để đoàn có thể tham quan, học tập một số mô hình tại Colombia về triển khai hệ thống. Việc học tập kinh nghiệm tại các quốc gia đã triển khai thành công về giải quyết ô nhiễm không khí trong bản dự thảo đề xuất hợp tác cũng rất cần thiết và mong rằng UNDP và WHO sẽ hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam tham quan học hỏi về mô hình, sự hợp tác liên ngành và hệ thống giám sát tại các quốc gia này để có thể áp dụng tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Để nắm được các thông tin liên quan đến bệnh tật chịu tác động của ô nhiễm không khí qua hệ thống bệnh viện là tốt nhất. Tuy nhiên đào tạo để làm sao các bác sĩ chẩn đoán bệnh xác định được các mối liên quan là rất khó. Hy vọng UNDP có thể hỗ trợ Việt Nam triển khai một số điểm trước, các bệnh viện Trung ương nằm trên địa bàn tỉnh và bệnh viện đa khoa tỉnh có thể phối hợp với nhau để triển khai được. Cùng với đó đề nghị UNDP và WHO hỗ trợ một số nghiên cứu thêm để đánh giá một cách rõ ràng các bệnh tật phổ biến liên quan đến đặc thù của môi trường tại Việt Nam. Có thể lựa chọn các đơn vị nghiên cứu có kinh nghiệm trên thế giới đứng ra chủ trì phối hợp với các đơn vị tại Việt Nam vì cần đòi hỏi phương pháp nghiên cứu, máy móc phương tiện hiện đại. Việc này sẽ giúp nâng cao kiến thức cho các nhà nghiên cứu tại Việt Nam trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí với sức khỏe./.
Related news
- Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam
- Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan B,C tại tuyến y tế cơ sở
- Ký kết ghi nhớ giữa Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam và Cục Giám sát Dược phẩm Quốc gia nước CHND Trung Hoa
- Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Quản lý bệnh viện Châu Á năm 2025
- Tổng thuật chiều 11/11: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế
- Đảng ủy Bộ Y tế triển khai, quán triệt công tác tổ chức đại hội các cấp thuộc Đảng bộ Bộ Y tế