Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và đoàn đại biểu Bộ Y tế tham dự Kỳ họp thứ 73 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương
27/10/2022 | 15:19 PM
|
Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn đại biểu của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đã tham dự kỳ họp lần thứ 73 khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (RCM73), tổ chức từ ngày 24/10 – 28/10/2022 tại Manila, Philippines.
Tổng Giám đốc WHO: Các quốc gia cần ưu tiên tiêm chủng cho tất cả nhân viên y tế và người cao tuổi
Tại phiên toàn thể, TS Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã phát biểu khai mạc Kỳ họp. TS Tedros bày tỏ sự vui mừng được tham dự cuộc họp trực tiếp với các đại biểu của Khu vực Tây Thái Bình Dương. Đây là minh chứng cho thấy khu vực Tây Thái Bình Dương đã tiến xa trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
TS Tedros phát biểu, bài học kinh nghiệm từ các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trước đây trong Khu vực đã giúp nhiều quốc gia thành viên chuẩn bị và ứng phó tốt với đại dịch COVID-19. Các trường hợp mắc và tử vong được báo cáo đã giảm đáng kể và hơn 80% người cao tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ - tỷ lệ cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, các thành viên của đoàn công tác chụp ảnh cùng TS Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới tại kỳ họp lần thứ 73 khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới
Tổng Giám đốc kêu gọi các Quốc gia thành viên ưu tiên tiêm chủng cho tất cả nhân viên y tế và người cao tuổi, mở rộng khả năng tiếp cận với thuốc kháng virus, đồng thời tăng cường giám sát, xét nghiệm và theo dõi. Ông khuyến khích các quốc gia thành viên sử dụng 6 bản hướng dẫn chính sách của Ban Thư ký WHO công bố trong năm 2022 để đánh giá lại các chính sách quốc gia phù hợp với diễn biến của đại dịch. Ông cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tích cực tham gia đàm phán về đáp ứng toàn cầu mới về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Sau bài phát biểu của Tổng Giám đốc, TS Zsuzsanna Jakab, Phó Tổng Giám đốc WHO kiêm Cán bộ Phụ trách Văn phòng Khu vực Tây Thái Bình Dương đã có bài phát biểu và báo cáo về công việc của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương từ tháng 7/2021 – 6/2022.
Trong bài phát biểu, TS Jakab khẳng định Khu vực Tây Thái Bình Dương đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong năm qua với chiến lược vaccine COVID-19, thiết kế các lộ trình chăm sóc sức khỏe mới để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai và thúc đẩy tầm nhìn chung cho tương lai.
Việt Nam tự hào vì đã được WHO lựa chọn để giao công nghệ phát triển vaccine mRNA
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có bài phát biểu tại hội nghị. Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhất trí với báo cáo của TS Zsuzsanna Jakab về công việc của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương trong 12 tháng vừa qua.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã thông báo về một số thành tựu chính của Việt Nam trong việc thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tăng cường hệ thống y tế cơ sở với sự hỗ trợ của WHO.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, Việt Nam hy vọng các quốc gia thành viên cùng nỗ lực và phối hợp để thực hiện các ưu tiên toàn diện nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của WHO, sức khỏe của người dân trong khu vực sẽ ngày càng được cải thiện và khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ trở thành một khu vực an toàn nhất và khỏe mạnh nhất trên thế giới.
Thứ trưởng cũng bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của Tổng giám đốc, Giám đốc khu vực và toàn thể WHO về những thành tựu đạt được trong việc làm cho khu vực và thế giới trở nên lành mạnh và an toàn. Trong suốt đại dịch, Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã có những hướng dẫn chặt chẽ đối với Việt Nam bao gồm việc tiếp cận và triển khai tiêm vaccine COVID-19 và Việt Nam đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cùng thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế tham dự Kỳ họp lần thứ 73 khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới
Dịch COVID-19 đã đưa ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để củng cố hệ thống y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, năng lực quản lý cũng như nghiên cứu và phát triển vaccine.
Việt Nam rất tự hào vì đã được WHO lựa chọn để giao công nghệ phát triển vaccine mRNA. Việt Nam hy vọng sáng kiến này sẽ đóng góp vào việc đảm bảo an ninh vaccine của khu vực trong tương lai.
Sau 3 năm dịch bệnh COVID 19, Việt Nam đã mở cửa phát triển kinh tế xã hội nhờ khả năng phục hồi đạt được trong đại dịch COVID-19 cũng như sự quan tâm và cam kết ngày càng mạnh mẽ của Chính Phủ đối với sức khỏe và sự phát triển của người dân.
Thứ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đã tiếp tục đánh giá và xem xét kế hoạch chuẩn bị và ứng phó các trường hợp khẩn cấp về y tế khác. Song song đó, các mục tiêu y tế công cộng về bệnh truyền nhiễm bao gồm chấm dứt bệnh lao, HIV/AIDS và loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030 luôn tiếp tục được nỗ lực triển khai.
"Ngành Y tế Việt Nam đã và đang bám sát hướng dẫn tầm nhìn Vì Tương lai để củng cố hệ thống về an ninh y tế và kháng kháng sinh (AMR); vượt qua chặng đường cuối cùng để cải thiện sức khỏe của các nhóm dân cư khó tiếp cận và dễ bị tổn thương về sức khỏe, giảm gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu"- Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương báo cáo về một số thành tựu chính của Việt Nam trong việc thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Để làm được điều này, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển xã hội và xây dựng hệ thống y tế khoẻ mạnh hơn cho cộng đồng từ trung ương đến địa phương, với sự hỗ trợ chặt chẽ của WHO.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương một lần nữa cảm ơn Tổ chức Y tế Thế giới và đặc biệt là văn phòng WHO tại Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam trong đại dịch COVID-19 vừa qua, bao gồm các hỗ trợ về kỹ thuật, trang thiết bị phòng chống dịch, hỗ trợ vaccine qua cơ chế COVAX. Những đóng góp và hỗ trợ này mang ý nghĩa rất to lớn và kịp thời trong thời điểm Việt Nam đang gặp khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Việt Nam cũng đánh giá cao quá trình tham vấn toàn diện của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương trong việc xây dựng Khung Hành động Khu vực về Sức khoẻ tâm thần, ung thư cổ tử cung, phòng ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khoẻ ban đầu và đạt tới mục tiêu chưa đạt được (Reaching the unreached). 5 ưu tiên của khu vực trong thời gian tới rất toàn diện và phù hợp, phản ánh đúng nhu cầu của các quốc gia thành viên trong khu vực và cũng phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam.
Tích cực thảo luận, tham luận về các nội dung chuyên môn được các Quốc gia thành viên đánh giá cao
Tại Phiên toàn thể, các quốc gia thành viên đã thảo luận một nội dung quan trọng của khu vực là lựa chọn 01 ứng cử viên vào Hội đồng Chấp hành của WHO nhiệm kỳ 2023-2025. Kỳ họp đã thống nhất bầu Úc tham gia thành viên Hội đồng Chấp hành (EB) nhiệm kỳ 2023-2025 khi Hàn Quốc kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2023.
Tại Kỳ họp, đoàn Việt Nam đã thảo luận tích cực và có tham luận về các nội dung chuyên môn của Kỳ họp được các quốc gia thành viên đánh giá cao bao gồm: Ngân sách tài khoá của WHO giai đoạn 2022-2023 và Kế hoạch ngân sách 2023-2025; Khung hành động về tăng cường hệ thống y tế cơ sở, truyền thông sức khoẻ, đạt được các mục tiêu chưa đạt; phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm; Ung thư cổ tử cung; Sức khoẻ tâm thần.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và đoàn công tác Bộ Y tế họp bên lề với các Giám đốc kỹ thuật của WHO khu vực.
Ngày 26/10, Kỳ họp đã thông qua Nghị Quyết về Chăm sóc sức khoẻ ban đầu, Nghị Quyết về Phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.
Đoàn Việt Nam cũng đã tích cực tham dự các sự kiện bên lề của Kỳ họp gồm Tài chính Y tế hướng tới Một khu vực khoẻ mạnh – phát triển bền vững; Hội thảo về Kháng kháng sinh và Hội thảo về Hướng tới đổi mới.
Ngày 27/10, Kỳ họp đã thông qua Nghị Quyết về Chăm sóc sức khoẻ ban đầu và Nghị Quyết về Phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm. Các Nghị quyết về Ung thư cổ tử cung, Sức khoẻ tâm thần dự kiến sẽ được thông qua ngày 28/10/2022 tại các phiên họp tiếp theo.
Liên tục làm việc, trao đổi kỹ thuật với các bộ phận chuyên môn của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương
Nhân dịp tham dự Kỳ họp lần thứ 73 WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác đã có các buổi làm việc, trao đổi kỹ thuật với Giám đốc các bộ phận chuyên môn của Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tại buổi làm việc với PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Bộ phận Kiểm soát bệnh tật; TS. Dr Hiromasa Okayasu, Giám đốc phụ trách Dân số và Môi trường khoẻ mạnh và TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực bao gồm: Tăng cường hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm; Tăng cường sức khỏe thông qua cải thiện lối sống;
Tăng cường truyền thông sức khoẻ; Tăng cường sức khỏe môi trường, sức khoẻ nghề nghiệp, sức khoẻ học đường và môi trường trong các cơ sở y tế; Tăng cường công tác chuẩn bị giám sát và ứng phó với các vấn đề y tế cộng cộng.
Việt Nam mong muốn Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ các Trung tâm hợp tác của WHO đặt tại Việt Nam; hỗ trợ kĩ thuật trong quá trình xây dựng các chính sách pháp luật y tế trong thời gian tới.
Tại cuộc họp với Giám đốc Bộ phận Y tế khẩn cấp, TS Babatunde Olowokure, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị WHO đặc biệt quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó với các bệnh truyền nhiễm tái nổi và mới nổi. Từ tháng 5/2022, số quốc gia và số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới liên tục gia tăng, trong đó Việt Nam đã ghi nhận 02 ca bệnh đậu mùa nhập cảnh vào Việt Nam.
Việt Nam đề nghị WHO tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, đặc biệt lưu ý hỗ trợ vaccine đậu mùa khỉ và cập nhật các hướng dẫn về tiêm chủng vaccine phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm.
Đại diện WHO khu vực ghi nhận và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về các lĩnh vực trên trong thời gian sớm nhất.
Hai bên cũng tập trung trao đổi về khả năng hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kiểm dịch y tế tại các trường Đại học y tế và CDC, Trung tâm Kiểm dịch các tỉnh; xem xét, hỗ trợ trang thiết bị để thành lập Văn phòng Ứng phó với các sự kiện sức khỏe cộng đồng khẩn cấp ở 63 tỉnh thành; xem xét đề nghị của Việt Nam về việc xây dựng Phòng xét nghiệm An toàn sinh học cấp độ 4; Tăng cường năng lực cho các phòng xét nghiệm an toàn sinh học sẵn có của Việt Nam; Hỗ trợ dự án Nâng cao năng lực cảnh báo sớm, ứng phó nhanh với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi; Hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Dân số để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Qua ba ngày làm việc hiệu quả, Đoàn đại biểu Bộ Y tế đã tích cực tham gia đóng góp vào các nội dung và chương trình nghị sự của Kỳ họp. Đoàn đại biểu Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham dự Kỳ họp đến hết ngày 28/10/2022./.
Đoàn công tác đưa tin từ Manila, Philippines
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Tài liệu Hội nghị Cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Y tế năm 2024
- Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng tổ chức lễ Công bố Nghị quyết bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhiệm kỳ 2020 – 2025
- Lễ trao giải tôi khỏe đẹp hơn lần 3
- Bộ Y tế gặp mặt các lãnh đạo, cán bộ, công chức đã nghỉ hưu
- Lãnh đạo Bộ Y tế dâng hương tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp Đoàn Tập Đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Trung Quốc
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Văn phòng Bộ Y tế