Tổng thuật: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023

03/06/2023 | 20:15 PM

 | 

Chiều 3/6 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 để thông tin về tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm cùng một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo.

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin với báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh: VGP/Quang Thương

Buổi họp báo diễn ra ngau sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày. Thông tin về phiên họp này, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết:

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 nhằm đánh giá, thảo luận về: tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và một số nội dung quan trọng khác. Sau khi kết thúc Hội nghị BCH Trung ương giữa nhiệm kỳ, Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và kết quả 26 Đoàn công tác của các Thành viên Chính phủ đặt ra nhiều nhiệm vụ, công việc quan trọng, Thường trực Chính phủ đã quyết định Phiên họp kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bàn các giải pháp, nhất là tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục phải ứng phó với diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới với nhiều yếu tố bất lợi. Trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng; lạm phát thế giới vẫn ở mức cao; hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ;... Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế nên chịu tác động mạnh bởi diễn biến tình hình thế giới, đưa lại khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, những khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển; xử lý những vướng mắc về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư ty tế; tiếp tục xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp, tồn đọng kéo dài trong đó có xử lý các ngân hàng thương mại, dự án yếu kém...

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 25 Nghị định, 101 Nghị quyết, 15 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị. Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức 26 Đoàn công tác do các Thanh viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã tiếp nhận hơn 1.000 kiến nghị, trong đó, giải quyết ngay 300 kiến nghị và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các kiến nghị còn lại.

Công tác chỉ đạo, điều hành tập trung vào 9 nhóm vấn đề: (1) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; (2) Giảm lãi suất điều hành mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp; (3) Gia hạn thời hạn nộp thuế tiền thuê đất, thuê đất, giảm thuế VAT; (4) Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; (5) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển; (6) Xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, trang bị vật tư y tế; (7) Tổ chức các hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế trọng điểm; (8) Tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch, chuyển đổi số, du lịch, ngoại giao kinh tế…; (9) Tiếp tục xử lý từng bước dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài.

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 2.

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều 3/6 - Ảnh: VGP/Quang Thương

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định, trong điều kiện khó khăn do tác các động của tình hình thế giới, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành của Quốc hội và sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp... tình hình KT-XH nước ta trong tháng 5 tiếp tục được duy trì ổn định, chuyển biến tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4. Nổi bật là, lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng; Tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so cùng kỳ; Sản xuất nông nghiệp ổn định, xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, trị giá 0,53 tỷ USD, tăng 41,1% về lượng và tăng 53,1% về trị giá so với cùng kỳ;Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,5% so tháng 4 và tăng 11,5% so với cùng kỳ; Số DN rút lui khỏi thị trường giảm 22% so với tháng 4...

Tính chung 5 tháng, tình hình KTXH có nhiều điểm sáng:

- Lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

- Thu đủ chi, thu NSNN ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Xuất đủ nhập, xuất siêu 9,8 tỷ USD. Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảmCung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm; tỉ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm; tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến. Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch phục hồi nhanh, có gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ, bằng 57,5% kế hoạch năm.

Đầu tư được thúc đẩygiải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tăng 41 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, qua đó đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm.

An sinh xã hội được bảo đảm. Công tác khám chữa bệnh được tích cực triển khai; Giáo dục, đào tạo được quan tâm chỉ đạo. Hoạt động kết nối cung - cầu lao động được tăng cường; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

- Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực, hiệu quả, nhất là ngoại giao kinh tế.

- Thông tin truyền thông được tăng cường; tích cực đưa thông tin nhanh chóng, chính xác, tương đối đầy đủ về tình hình KTXH của đất nước và ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc, phản cảm, chống phá Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, cần xử lý, trong đó nổi lên là: (1) Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro; (2) Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; (3) Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm; (4) Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao; (5) Giá cả nguyên vật liệu đầu vào trong nông nghiệp ở mức cao, nhất là thức ăn chăn nuôi; (6) Việc triển khai một số chính sách của 3 CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm; (7) Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức; (8) Rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu… tiếp tục cần quan tâm; (9) Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh thời gian tới những khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, cần phải nắm chắc tình hình; đặc biệt quan tâm công tác phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách hiệu quả, kịp thời, sát thực tiễn.

Quan điểm chỉ đạo, điều hành phải nhất quán theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời phải giữ vững được sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả:

Cụ thể, từ kết quả thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa từ nay tới cuối năm, cần ưu tiên thc hiện hiện quả hơn nữa mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.

Tập trung  đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng. Về tiêu dùng,  đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, khai thác và phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Về đầu tư, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xử lý, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư. Về xuất nhập khẩu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường truyền thống hiện có; tận dụng tốt các FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định FTA mới. 

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tăng cường quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.

Thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Đẩy nhanh các dự án công nghiệp có quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu; mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp. Phát triển thị trường vốn, khoa học công nghệ, lao động... an toàn, lành mạnh, bền vững, phục vụ hiệu quả cho phát triển đất nước. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị tưởng bất động sản; rà soát, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại của Quy hoạch điện VII; bảo đảm không để thiếu điện.

Bảo đảm cho được vấn đề cân đối về lương thực, thực phẩm; không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực thực phẩm, giữ vững sự ổn định và phát triển của ngành nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu; khẩn trương khắc phục thẻ vàng EC về thủy sản.

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Chú trọng tạo việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, giải quyết kịp thời, hiệu quả khó khăn cho người lao động. Giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Làm tốt công tác chuẩn bị cho năm học mới; xử lý những vấn đề tồn tại về sách giáo khoa; chú trọng phòng, chống tình trạng ma túy học đường.

Nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.

Đẩy mạnh tuyên truyền về các nhiệm vụ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH; tăng cường truyền thông chính sách, giải thích chính sách, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chung. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch.

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung hơn nữa đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh;xử lý công việc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương theo thẩm quyền, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Kiên quyết xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, đồng thời bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đặt ra yêu cầu kết quả năm sau phải tốt hơn năm trước, quý sau phải tốt hơn quý trước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tăng cường đạo đức công vụ để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra, đưa đất nước phát triển trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Mới nhất
                                     
Cũ nhất

16:29 ngày 03/06/2023

 

PV Hoài Thu (báo điện tử Dân trí): Tại một số dự án nhà ở xã hội đang triển khai, vừa qua nhiều đối tượng trung gian, cò mồi đã lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để bán kiếm tiền chênh lệch, dẫn đến sự gia tăng áp lực chi phí đối với người lao động thu nhập thấp, đồng thời làm giảm sút niềm tin của họ vào chính sách nhân văn về nhà ở xã hội. Xin hỏi Bộ Xây dựng giải pháp chấn chỉnh tình trạng này và có cách nào để tăng cơ hội sở hữu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Như chúng ta đã biết, chính sách nhà ở xã hội trong thời gian qua được Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có rất nhiều chỉ đạo quan tâm đầu tư phát triển NOXH cho công nhân, người có thu nhập thấp ở đô thị. Xác định đây là chính sách rất nhân văn và lo nhà, chỗ ở cho một lượng đông người lao động, thu nhập thấp. Do đó trong thời gian qua, các quy định liên quan đến các chính sách về nhà ở xã hội được quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi. Trên cơ sở những chính sách ưu đãi như vậy cũng để người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở tốt hơn. Bên cạnh việc ban hành những chính sách ưu đãi, Chính phủ cũng như Quốc hội đã ban hành các pháp luật liên quan đến việc xác định đối tượng thụ hưởng cũng như các điều kiện, tiêu chí công khai, minh bạch, rõ ràng để người có thu nhập thấp được hưởng các ưu đãi từ các chính sách này cũng như nhằm tránh trục lợi chính sách. Trong pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở xã hội quy định rất rõ.

Về các đối tượng được mua nhà ở xã hội, pháp luật về nhà ở quy định, các đối tượng là: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Điều kiện để được mua nhà ở xã hội:

Thứ nhất, các đối tượng nêu trên phải đáp ứng đủ các điều kiện về nhà ở, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân < 10 m2/người.

Thứ hai về cư trú: phải có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ ba về thu nhập, không thuộc diện nộp thuế TNCN tức là ≤ 11 triệu sau khi giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/người. Trong quy định về chính sách nhà ở xã hội, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần. Đây là điều kiện rất quan trọng.

Về trình tự tiếp nhận hồ sơ đối tượng được mua nhà ở xã hội, trên cơ sở tiêu chí các điều kiện như vậy, chủ đầu tư nhà ở xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách người dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan (UBND huyện, Thuế, Tài nguyên) kiểm tra Danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Sở Xây dựng có trách nhiệm cập nhật Danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng để các cơ quan có liên quan có thể kiểm tra, giám sát về đối tượng, điều kiện cũng như đảm bảo mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ nhà ở xã hội 01 lần. Sau khi xác định danh sách các đối tượng được mua sẽ tiến hành tổ chức bốc thăm để mua nhà ở xã hội. Như vậy có thể nói, các quy định liên quan mua bán nhà ở xã hội rất đảm bảo công khai, minh bạch và chặt chẽ, tránh trục lợi trong việc thực thi chính sách và đảm bảo đối tượng được mua là đối tượng được thụ hưởng.

Trên cơ sở quy định rất rõ ràng như vậy, thời gian qua một số dự án, một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk theo phản ánh của báo chí có những đối tượng trung gian cò mồi, lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua bán, nhằm trục lợi. Chúng tôi xác định hành vi này là một trong những hành vi chưa đúng các quy định pháp luật về nhà ở, đặc biệt là các chính sách nhà ở xã hội. Trước tình hình như vậy, thời gian qua Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương nơi xảy ra hiện tượng như trên có kiểm tra làm rõ các thông tin tiêu cực mà các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh; trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Nếu phát hiện thấy sai phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng.

Về lâu dài, trong thời gian tới phải tăng cường đầu tư, phát triển nhà ở xã hội ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân giai đoạn 2021 - 2030. Đã có nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành đã tham gia rất tích cực để đôn đốc cùng các địa phương triển khai.

Một trong những giải pháp để thúc đẩy việc này là yêu cầu các địa phương phải khẩn trương triển khai tốt đề án này theo đơn vị, chỉ tiêu của từng địa phương, làm sao tăng nguồn cung, đáp ứng được như cầu về nhà ở xã hội trong thời gian tới, giảm hiện tượng như báo chí đã nêu.

Thứ hai, đã yêu cầu các địa phương công bố công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng mua nhà ở xã hội.

Thứ ba, tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ, theo dõi việc mua bán nhà ở xã hội theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.

Thứ tư, các địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn. Phải cương quyết có biện pháp khắc phục trong trường hợp phát hiện đối tượng và những trường hợp mua bán không đúng đối tượng, buộc thu hồi nhà ở, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách này. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi thực hiện các dự án xác định đúng đối tượng cũng như tiêu chí cũng như các quy định pháp luật về nhà ở đã đề ra. Đặc biệt, nắm bắt thông tin về việc mua – bán nhà ở xã hội của dự án mình không đúng, ví dụ mua sau 5 năm mới được bán nhưng bán trước thì phải có biện pháp kiểm tra thường xuyên và ngăn chặn tình trạng này.

16:46 ngày 03/06/2023

 

PV Trần Quốc (báo Công Luận)Thời gian qua, Trung ương, Chính phủ có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có Công điện 496/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Xin cho biết kết quả tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản đang đến đâu?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Tại phiên họp báo Chính phủ tháng trước, tôi đã có báo cáo khá toàn diện về kết quả của tổ công tác liên quan tháo gỡ khó khăn trong các dự án về bất động sản. Theo đó, trong thời gian qua, chúng tôi đã đi các địa phương để đôn đốc cũng như lắng nghe các dự án gặp khó khăn, đồng thời cũng là rà soát các dự án khó khăn như tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…

Đã xác định được những khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực thi các dự án.

Về thể chế, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nhị định, các bộ, ngành cũng ban hành nhiều thông tư để giải quyết những vướng mắc.

Bộ Tài chính đã có giải pháp liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ theo Nghị định số 10 của Chính phủ và Nghị định 08.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất tháo gỡ những quy định pháp luật liên quan về đất đai.

Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ liên quan đến nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn phục vụ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bộ Xây dựng có nhiều đề xuất tháo gỡ, nhất là Nghị định sửa đổi các nghị định trong lĩnh vực xây dựng, tháo gỡ liên quan các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thời gian qua, nhất là nhóm chính sách về nhà ở xã hội đã được đề xuất và sửa đổi theo Luật Nhà ở.

Có thể nói các vướng mắc về mặt thể chế đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, giải quyết.

Về mặt thực thi, qua rà soát tại các địa phương, các vướng mắc liên quan thực thi tại các địa phương, chúng tôi đã nắm được và đã có báo cáo. Vừa rồi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có Công điện gửi các địa phương và bộ, ngành về việc tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn của các dự án bất động sản, đặc biệt là dự án đang đầu tư dở dang phải có giải pháp kịp thời.

Trong thời gian vừa qua, nổi lên những dự án còn nhiều khó khăn ở những địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số địa phương phía nam cũng đang còn một số vướng mắc liên quan trình tự đầu tư. Các dự án này thời gian qua diễn ra trong thời gian dài, các giai đoạn khác nhau.

Do đó, hiện nay chúng tôi đang phối hợp cùng các địa phương tiếp tục đôn đốc, rà soát và tháo gỡ. Những vấn đề gì liên quan bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó sẽ trả lời kịp thời cùng các địa phương, làm sao trong thời gian tới các bộ, ngành sẽ cùng các địa phương tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy nguồn cung.

Một vấn đề quan trọng nữa là thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đúng đề án Thủ tướng đã phê duyệt, để tạo nguồn cung về nhà ở, góp phần tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Tại phiên họp trước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã cung cấp cho phóng viên khá đầy đủ các giải pháp, bao gồm cả những vấn đề khó khăn pháp lý – khó khăn về pháp lý chiếm gần 70%, trong đó có khó khăn về tính giá đất. Vừa rồi, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và công điện của Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là thủ tục khó khăn về pháp lý.

16:51 ngày 03/06/2023

 

PV Văn Kiên (báo Tiền Phong): Trước nguy cơ thiếu điện, xin cho biết các giải pháp để bảo đảm điện cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới?

Việc giải quyết đối với các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch tới đây sẽ xử lý như thế nào? Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn với dự án thống nhất giá, hoàn thành đầu tư xây dựng, có đủ cơ sở pháp lý để huy động tạm thời, lý do và trách nhiệm ra sao?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Thực tế có một số nơi hiện nay đang thiếu điện cho sản xuất cũng như đời sống của người dân nhưng đây chỉ là trong một thời gian nhất định - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Người phát ngôn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng HảiLiên quan đến câu hỏi của phóng viên về nguy cơ thiếu điện và các giải pháp bảo đảm điện cho sinh hoạt, sản xuất thời gian tới, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, dù nói về nguy cơ, nhưng thực tế có một số nơi, ở một số thời điểm nhất định, đã xuất hiện tình trạng thiếu điện cho sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thay mặt Bộ Công Thương, tôi xin bày tỏ sự đồng cảm, sự chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp cũng như sự bất tiện của người dân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và thời tiết nắng nóng kỷ lục hiện nay.

Trước hết, trong 4 tháng đầu năm, có thể đánh giá tình hình cung cấp điện ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, diễn biến khó lường và dự kiến còn có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Tình trạng này đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt; trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện lại rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023, nhất là trong thời gian cuối tháng 5 vừa qua khi nguồn than nhập khẩu về chậm hơn nhu cầu thực tế phục vụ hoạt động phát điện.

Ngay từ đầu năm 2023, nhận định tình hình khó khăn trong cung ứng điện năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và các đơn vị có liên quan chủ động theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho phát điện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nguồn và lưới điện.

Lường trước được tình hình khó khăn trong cung cấp điện tại thời gian cao điểm nắng nóng năm 2023, Chính phủ, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương, quyết liệt thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng điện ở mức cao nhất, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn mang tính ngắn hạn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo điện, chỉ đạo các đơn vị quyết liệt, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ để ứng phó, đảm bảo cung ứng điện trong các tháng cao điểm nắng nóng.

Cụ thể, thứ nhất, Bộ Công Thương đã tăng cường đảm bảo công tác vận hành hệ thống điện sẵn có và cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất điện.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tập trung thực hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023. Bộ Công Thương đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ EVN thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, rà soát công tác vận hành hệ thống điện, chỉ đạo các đơn vị phát điện: chuẩn bị nhiên liệu sẵn sàng phục vụ cho phát điện; thành lập, tăng cường các bộ phận trực ca và ứng trực hỗ trợ công tác vận hành; thực hành tiết kiệm điện ngay trong các đơn vị nội bộ; đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối đảm bảo cho vận hành an toàn, hiệu quả; khẩn trương khắc phục những sự cố, tồn tại để đưa vào vận hành các nhà máy điện phục vụ cho cung cấp điện.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu tăng sản lượng than cho cấp điện, điều tiết việc cung cấp than để tăng lượng than cho phát điện khoảng 300 nghìn tấn cho tháng 5 và khoảng 100 nghìn tấn cho mỗi tháng tiếp theo (tháng 6, tháng 7); tăng 18% lượng khí cấp khu vực Đông Nam Bộ và 8% lượng khí cấp khu vực Tây Nam Bộ cho sản xuất điện.

Thứ hai, khẩn trương đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, nối lưới để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.

Tính đến 17h30 ngày 31/5/2023, có 7 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 430,22 MW đã chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Ngoài ra, có 40 dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và hiện nay đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để có thể phát điện lên lưới.

Có 59/85 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 3.389,8 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 50 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.751,6 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 46/50 dự án.

19 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 22 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 26/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.346 MW chưa gửi hồ sơ đến EVN để đàm phán giá điện.

Thứ ba, tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện. Xin khẳng định lại: Không phải khi có nguy cơ thiếu điện thì chúng ta mới phải tiết kiệm điện, mà đây là chính sách xuyên suốt, lâu dài từ trước đến nay. Bộ Công Thương đã có riêng 1 đơn vị phụ trách lĩnh vực này là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, đồng thời đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy, tuyên truyền về tiết kiệm điện, như Chiến dịch Giờ Trái đất có hoạt động kêu gọi tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ,... Trong bối cảnh nguồn cung điện khó khăn như hiện nay, tiết kiệm điện càng có vai trò quan trọng, ý nghĩa đặc biệt và mang lại hiệu quả tức thời, thiết thực, cần được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.

Bộ Công Thương đã tổ chức phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 kêu gọi và đề nghị UBND các tỉnh thành phố, các bộ, ngành Trung ương có liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng; làm việc trực tiếp với các khách hàng sử đụng điện lớn để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình cung cấp điện, đặc biệt là giảm việc tiêu thụ điện trong các giờ cao điểm của hệ thống điện.

Hiện nay đã có 55/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn, triển khai các công tác tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện cùng chung tay thực hành tiết kiệm điện, xây dựng kế hoạch sử dụng điện hợp lý, hiệu quả.

Kết quả sản lượng điện tiết kiệm hàng ngày hiện đạt mức khoảng 20 triệu kWh/ngày (tương đương khoảng 2,5% điện năng tiêu thụ hàng ngày).

Trong thời gian tới, với quy mô tổng công suất đặt đạt 81.504 MW, trong khi nhu cầu phụ tải cao nhất là hơn 44.000 MW, nếu chúng ta đảm bảo các tổ máy không gặp sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ, điều tiết nước các hồ hợp lý, thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện, chúng ta sẽ có thể khắc phục được vấn đề thiếu điện, đảm bảo được cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch, chúng tôi khẳng định, hiện nay Bộ Công Thương đã có những văn bản, những hướng dẫn để giải quyết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Liên quan đến việc giải quyết các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong Quy hoạch, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Trong đó, chỉ nêu tổng công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời dự kiến phát triển đến năm 2030, không có tên dự án cụ thể. Cơ cấu nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 như sau: Điện gió trên bờ 21.880 MW; Điện gió ngoài khơi 6.000 MW, trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn; Điện mặt trời 12.836 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, khi đó sẽ cụ thể hóa quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai theo quy định.

Tuy nhiên, đối với những dự án như phóng viên đề cập - là những dự án không nằm trong Quy hoạch, hiện nay Bộ Công Thương đã có các văn bản quy phạm pháp luật, công văn hướng dẫn để giải quyết, xử lý.

Căn cứ quy định tại Luật Giá, Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT và Quyết định số 21/QĐ-BCT làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành 10 công văn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc EVN và các chủ đầu tư dự án điện khẩn trương đàm phán, thống nhất giá điện, đảm bảo nguyên tắc giá điện với lợi nhuận hợp lý, các dự án tuân thủ quy định pháp luật và không vượt quá khung giá phát điện.

Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án là cần thiết, tuy nhiên ngoài vấn đề cơ chế giá điện, các dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật khác như về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy v.v… Bộ Công Thương đã thường xuyên làm việc với EVN và các nhà máy điện chuyển tiếp để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo xử lý. Đồng thời Bộ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể cho EVN cũng như gửi các địa phương để kịp thời hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng như đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền; hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực các hoàn thành.

Với sự phối hợp tích cực, thiện chí của các bên trong triển khai những giải pháp tháo gỡ theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro" và tuân thủ các quy định pháp luật, các dự án điện chuyển tiếp sẽ khắc phục được vướng mắc, tồn tại - thậm chí là vi phạm - trong thời gian sớm nhất, qua đó tháo gỡ khó khăn cho chính các chủ đầu tư dự án, giúp dự án sớm được đưa vào vận hành thương mại, phát điện lên hệ thống điện quốc gia, góp phần tăng nguồn cung, đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

17:04 ngày 03/06/2023

 

PV Trần Vương (báo Lao động): Giữa tháng 5, tại TPHCM có 3 bệnh nhân bị ngộ độc Bolutinum và gần như bị liệt hoàn toàn, nguyên nhân là do không có thuốc giải độc, một lần nữa lại đặt ra vấn đề thiếu thuốc. Xin Bộ Y tế cho biết giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, nhất là trong dịp chúng ta chuẩn bị tổ chức các đợt tiêm chủng vaccine mở rộng và khi nào giải quyết dứt điểm trình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Bộ Y tế và các bộ ngành đang triển khai quyết liệt để bảo đảm đủ cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ ngành triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực trang thiết bị y tế, thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm.

Đối với vấn đề về trang thiết bị: Để đảm bảo nguồn cung về trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó có một số giải pháp để đảm bảo nguồn cung liên quan đến hoạt động nhập khẩu trang thiết bị y tế và đến nay cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu, cụ thể:

Về giấy phép nhập khẩu: Đã gia hạn hiệu lực cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết ngày 31/12/2024.

Về cấp số lưu hành các trang thiết bị y tế, đến nay gồm: Trang thiết bị y tế loại A đã cấp cho 27.847 hồ sơ; Trang thiết bị y tế loại B đã cấp cho 14.508 hồ sơ;  Trang thiết bị y tế loại C, D đã cấp cho 1.673 hồ sơ.

Đối với vấn đề về thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm: Việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng. Ví dụ: Các thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với một số thuốc như Albumin, Globulin (các thuốc này hầu như nước nào cũng thiếu).

Để đảm bảo nguồn cung về thuốc, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15, trong đó cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết 2024. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay Bộ Y tế đã công bố 04 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vaccine, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết 31/12/2024. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm, với số mới được cấp thêm này, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. Do vậy hiện nay cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.

Về các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo nguồn cung đối với trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm.

Ngoài ra, với các thuốc đặc biệt hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai dự kiến hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Về bảo đảm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng : Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Mặc dù trong đầu năm 2022 dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai các Chương trình y tế ở nhiều địa phương trong đó có chương trình tiêm chủng mở rộng, song Bộ Y tế và các tỉnh đã tăng cường triển khai tiêm chủng, tổ chức tiêm bù mũi vaccine, triển khai tiêm thêm mũi vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi, triển khai một số chiến dịch tiêm chủng bổ sung trên diện rộng tại 32 tỉnh có nguy cơ cao. Với số lượng lớn trẻ em tại các vùng nguy cơ cao đã được tiêm chủng thường xuyên, tiêm vét, bổ sung các vaccine đã góp phần khống chế, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm có vaccine dự phòng trong thời gian vừa qua.

Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vaccine gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay. Đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7 năm 2023. Vaccine Viêm gan B, vaccine phòng Lao còn đủ sử dụng đến tháng 8/2023, vaccine Viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9/2023. Vaccine sởi, vaccine sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7/2023; vaccine uốn ván và bại liệt tiêm hiện còn đủ đáp ứng đến hết năm 2023. Đối với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 đã đủ dùng đến đầu năm 2023. Do đây là vaccine nhập khẩu, năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định, tuy nhiên không có nhà thầu tham gia.

Với sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, ngành y tế với quyết tâm cao nhất đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Giai đoạn 2016-2020 thực hiện Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện đặt hàng đối với 09 vaccine sản xuất trong nước. Các vaccine này chỉ có một nhà sản xuất trong nước và đây là các đơn vị thuộc Bộ Y tế nên Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng. Đối với các vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật Đấu thầu hoặc thực hiện đấu thầu tập trung khi đủ điều kiện có 3 đăng ký trở lên.

Giai đoạn năm 2021-2022, theo Luật Đầu tư công (sửa đổi) năm 2019 không còn Chương trình mục tiêu y tế, dân số mà chỉ còn một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và không có nội dung mua vaccine, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương và các địa phương. Vì vậy, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129 năm 2020 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo cho 2 năm 2021, 2022 và gối đầu các tháng đầu năm 2023.

Thực hiện nội dung của năm 2023, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cần tiếp tục thực hiện việc mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng như các năm trước.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã đồng thuận trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và bổ sung nội dung, bố trí nguồn ngân sách Trung ương để tiếp tục mua vaccine tiêm chủng mở rộng tại Trung ương. Bộ Y tế đã xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đề nghị bố trí kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng và trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp cùng với Bộ Tài chính để bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 để triển khai mua vaccine theo quy định như những năm trước đây. Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã tổng hợp đủ nhu cầu vaccine của 63 tỉnh và đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng các công việc theo quy định.

Hiện nay, Bộ Y tế và các bộ ngành đang triển khai quyết liệt để bảo đảm đủ cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Kết thúc năm học vừa qua và chuẩn bị cho năm học mới, một lần nữa dấy lên lo ngại thiếu sách giáo khoa, nhất là những lớp đầu tiên thay sách như lớp 4, 8, 11. Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo gì cho Nhà Xuất bản Giáo dục để bảo đảm đủ SGK cho năm học mới và có hay không sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị một bộ SGK dùng nhiều năm cho học sinh?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Chưa có chủ trương chỉ đạo từ cấp trên về việc Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn bộ SGK - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Về thiếu SGK, nhất là SGK lớp 4, 8, 11, nguyên nhân một phần do các địa phương năm nay chọn sách chậm, một phần chờ phê duyệt giá ở một vài địa phương. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt đầy đủ các loại sách.

Bộ GD&ĐT đã nhiều lần làm việc với NXB Giáo dục để cùng tháo gỡ khó khăn nội bộ, cùng với việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch, trước hết là sách các năm trước không phải sách mới, sách cho các lớp khác, đã chủ động in ấn trước và cơ bản đã hoàn thành.

Riêng sách dành cho lớp 4, 8, 11 đều là sách mới, đến ngày hôm qua đã tổ chức mở thầu việc in gần 80% số sách, còn khoảng 20% trên cơ sở các địa phương đã báo về đầy đủ để NXB Giáo dục lên kế hoạch tổ chức in. Trong tháng 6 sẽ in đủ 80% và tiếp tục sẽ in hoàn thành để kịp cho năm học mới, đủ sách cho các khối lớp 4, 8, 11. Như vậy sẽ hoàn thành đủ sách cho phổ thông.

Đối với vấn đề biên soạn SGK, chủ trương xã hội hóa SGK, biên soạn, xuất bản in SGK là chủ trương lớn đã được đề ra ở Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội. Quốc hội khóa 14 cũng có Nghị quyết số 122 đó là khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa nếu có một môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất bộ SGK được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước môn học đó.

Lần này tất cả các lớp đã được phê duyệt (9/12 lớp) đều có 3 bộ SGK. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện nghiêm Nghị quyết 122 của Quốc hội. Sắp tới sẽ tiếp tục thẩm định và phê duyệt 3 sách bộ cuối cấp là lớp 5, 9, 12 (trong tháng 6 sẽ thẩm định và phê duyệt). Như vậy, hiện nay chưa có chủ trương chỉ đạo từ cấp trên về việc Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn bộ SGK./.

17:17 ngày 03/06/2023

 

PV Văn Kiên (báo Tiền Phong): Một số ngân hàng hiện nay đã sử dụng hết room tín dụng trong khi một số ngân hàng vẫn còn. Xin hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp gì không?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà: Ngoài giải pháp của ngành ngân hàng, giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà: Trước hết, NHNN xin báo cáo hiện trạng tăng trưởng tín dụng hiện nay, từ đó có giải pháp cho thời gian tới.

Chỉ tiêu tín dụng đầu năm nay NHNN đã công bố tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% và cũng đã phân bổ phù hợp cho từng tổ chức tín dụng có kế hoạch tăng trưởng trong năm. Đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.

Đi sâu vào các nhóm ngân hàng, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần thì đang được khoảng một nửa so với mức được giao. Như vậy cả 2 nhóm này chiếm khoảng 91% thị phần tín dụng, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.

Nhìn lại giờ này năm 2022, tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14% đến 15% mà tín dụng tăng thấp như thế, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái. Chúng tôi phân tích có 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.

Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó hhăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.

Với nguyên nhân như thế, chúng ta phải có giải pháp như thế nào?

Thứ nhất, đối với ngành ngân hàng, chúng tôi xác định, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái. Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới.

Đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ cho nên NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp. Còn dư nợ mới, yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện. Rõ ràng, hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, cho nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng.

Thứ hai, ngoài giải pháp ngành ngân hàng, chúng tôi thấy rằng giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do vậy, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

17:22 ngày 03/06/2023

 

PV Hoài Thu (báo điện tử Dân trí): Thời gian vừa qua Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy theo phương thức mới như qua đường xách tay hoặc bưu điện quốc tế. Xin Bộ Công an thông tin thêm về những thủ đoạn này. Công tác phòng chống ma túy thời gian qua có khó khăn vướng mắc gì và Bộ có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 1.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, thông tin với báo chí về những thủ đoạn buôn bán, vận chuyển ma túy - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an: Bộ Công an luôn xác định tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Tội phạm ma túy dẫn đến tình trạng trộm cắp, cướp giật, giết người, cướp của, cho nên tổ chức công tác đấu tranh tôi phạm ma túy được chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao và đạt được rất nhiều thành tích. Trong gần 6 tháng qua, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố trên 13.000 vụ án có liên quan đến ma túy, với trên 20.000 đối tượng, thu giữ trên 14.225 kg heroin, 4.023 kg ma túy tổng hợp, 982.039 viên ma túy tổng hợp và 210 kg cần sa. Qua công tác đấu tranh, nổi lên một số hiện tượng như sau.

Thứ nhất, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên nhiều tuyến, nhiều địa bàn trọng điểm có sự liên kết chặt chẽ với các loại tội phạm khác, và nổi lên các đối tượng người nước ngoài câu kết, móc nối với một số đối tượng trong nước để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Thứ hai, tình trạng người nước ngoài lợi dụng tuyến hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy tại một số sân bay của Việt Nam. Các đối tượng nhập cảnh, quá cảnh để đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ hoặc đưa sang nước thứ 3. Điển hình như vụ tiếp viên hàng không, sau khi phát hiện ra, Bộ Công an đã truy xét và lật lại các manh mối và bắt giữ được khoảng 200 đối tượng liên quan. Hiện nay vận chuyển ma túy qua đường hàng không khá là phức tạp.

Thứ ba là tình trạng sử dụng ma túy tại các vũ trường, quán bar, nhà cao tầng tại một số địa phương diễn biến phức tạp. Do lợi nhuận và thu hút khách hàng nên một số điểm vui chơi giải trí tại một số địa phương chủ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự đã làm ngơ việc sử dụng ma túy ngay tại nơi họ quản lý.

Qua đấu tranh, hiện nay đã ngăn chặn nguồn cung ma túy nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải làm giảm nguồn cầu, giảm số người sử dụng, nghiện ma túy. Tính đến ngày 15/3, tổng số người nghiện và sử dụng ma túy ở nước ta là 233.906 người, trong đó người nghiện là 184.427 và người sử dụng trái phép chất ma túy là 49.479, giảm 8.043 người so với thời điểm 15/12/2022.

Mục tiêu hiện nay là giảm nguồn cầu, tuyên truyền tại các khu dân cư, thôn xóm là khu vực không ma túy, người dân phải đấu tranh với tội phạm ma túy, giúp người cai nghiệm bỏ ma túy, để người dân nghe thấy ma túy là ghẻ lạnh, bài trừ ma túy.

Chúng ta phải thực hiện tốt Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng chống tội phạm ma túy hay Luật phòng chống ma túy, đặc biệt là kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về phòng chống ma túy tại hội nghị vừa qua. Bộ Công an sẽ tiếp tục tiến hành các chuyên án bắt và chặn nguồn cung, thậm chí đánh vào tổ chức, đánh vào đường dây kẻ cầm đầu chứ không đánh lẻ tẻ những kẻ vận chuyển. Hợp tác với các quốc gia có chung đường biên giới để cùng đánh, chặn tội phạm ma túy từ sớm, từ xa.

17:27 ngày 03/06/2023

 

PV Kỳ Thành (báo Đầu tư)Xin đại diện Bộ Công an cho biết về tiến trình điều tra và xử lý các vụ việc liên quan đến bán khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi bảo hiểm xã hội (BHXH) ở các địa phương hiện nay như thế nào?

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh 1.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an: Thời gian tới, lực lượng công an sẽ đẩy mạnh kiểm tra việc cấp bằng lái xe và cấp Giấy chứng nhận sức khỏe - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an: Sự việc này đã xảy ra từ rất lâu và xảy ra ở nhiều địa phương. Lực lượng công an và các đơn vị chức năng khác cũng đã tiến hành nhưng chưa ngăn chặn được triệt để. Cũng bởi vì nhu cầu của người dân về Giấy khám sức khỏe, Giấy chứng nhận sức khỏe nói chung rất cao như: Đi học lái xe, đi lao động, xin việc, hay liên quan đến bảo hiểm. Từ đó xảy ra các tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ có những bệnh nhân nam mà lại được chứng nhận các bệnh liên quan đến nữ, tức là cung cấp giấy khống. Hay có những người cụt cả hai tay nhưng vẫn được cấp Bằng lái xe vì có Giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe. Trong quá trình tiến hành điều tra, chúng tôi thấy có hiện tượng như thế. Hoặc trong hiện tượng chạy tội có việc lấy Giấy chứng nhận có vấn đề về tâm thần. Những hiện tượng trên xảy ra rất nhiều ở các lĩnh vực.

Lực lượng công an đang tiến hành điều tra. Vụ mới đây nhất là ở Đồng Nai. Theo thông tin ban đầu, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 18 đối tượng và sẽ tiến hành khởi tố trong thời gian ngắn tới. Đặc biệt đối với trường hợp cho người lao động nghỉ việc hưởng BHXH có Giấy khám sức khỏe trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Bước đầu qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ trên 135.000 Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH và 400 tờ Giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả và chưa có thông tin người khám bệnh. Kết quả bước đầu xác định là có hai đối tượng chủ mưu, cầm đầu cùng đồng bọn cấu kết, móc nối với các đối tượng tại các phòng khám bệnh trên địa bàn thành phố Biên Hòa để thực hiện các hành vi viết tên, giả chữ ký người khám bệnh để lập các hồ sơ hưởng BHXH. Mặc dù, người lao động không có bệnh và không đi khám bệnh. Hành vi này đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng, thất thu ngân sách nhà nước.

Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra và làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng pháp luật. Trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ đẩy mạnh kiểm tra việc cấp bằng lái xe và cấp Giấy chứng nhận sức khỏe./.

Theo: Chinhphu.vn


Thăm dò ý kiến