Bộ Y tế nêu 5 hành vi không được làm trong quản lý dữ liệu y tế
10/06/2024 | 16:35 PM
|
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế nhằm tạo hành lang pháp lý cho quản lý, xây dựng dữ liệu về y tế đầy đủ, tập trung, thống nhất; từ đó kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý của ngành và nhu cầu thông tin của người dân...
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu y tế đặt tại Cục Công nghệ thông tin (nay là Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia), trong đó đã đầu tư hệ thống hạ tầng Trung tâm dữ liệu ở mức cơ bản: hệ thống mạng mạng, mạng lõi, máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị, phần mềm bảo đảm an toàn thông tin. Hiện nay có 39 hệ thống thông tin của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đặt tại Trung tâm này.
Cùng đó, Bộ Y tế và các đơn vị thuộc Bộ có mạng LAN, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, kết nối Internet; Bộ Y tế đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ Y tế.
Các thủ tục hành chính của Bộ Y tế đều được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin một cửa quốc gia (để thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN), Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.
Theo Bộ Y tế việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu y tế để phục vụ việc quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách, nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân; góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính...
Đồng thời, Bộ Y tế đã kết nối dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Ngoài ra hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai 5 nền tảng số, gồm: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng trạm y tế xã; Nền tảng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện...
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho hay bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng, quản lý dữ liệu y tế còn tồn tại một số bất cập, hạn chế, trong đó phải kể đến là ngành y tế chưa có quy định về danh mục các cơ sở dữ liệu y tế, trong đó được phân loại thành cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chưa phân công các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, quản lý các nhóm dữ liệu này.
Một số cơ sở dữ liệu hiện có của Bộ Y tế chưa kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung trong ngành y tế, cũng như yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế. Số liệu, dữ liệu và các thông tin thống kê manh mún, thiếu tập trung và nhiều thông tin bị trùng lặp do có sự giao thoa về đối tượng quản lý.
Theo Bộ Y tế, hiện nay chưa có quy định đầy đủ về thẩm quyền, yêu cầu tính chính xác và an toàn thông tin đối với dữ liệu y tế; phương pháp thống kê và định dạng thông tin chi tiết không đồng nhất ở các lĩnh vực của ngành y tế dẫn đến không mô tả đúng thực trạng; nhiều lĩnh vực phải thực hiện việc thống kê nhiều lần đối với cùng một đối tượng.
Nhiều lĩnh vực trong ngành y tế chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý như dữ liệu về cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe (cơ sở đào tạo để cấp văn bằng, cơ sở đào tạo để cấp chứng chỉ, chứng nhận…); dữ liệu về ngân hàng mô; dữ liệu về cơ sở sản xuất mỹ phẩm; cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế; dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần…
Dữ liệu y tế đang dàn trải ở nhiều Bộ, Ngành, cơ quan đơn vị; chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu y tế để bảo đảm chia sẻ và liên thông dữ liệu.
Thiết lập hành lang pháp lý quản lý, xây dựng hệ dữ liệu về y tế đầy đủ, tập trung
Bộ Y tế cho biết, thực tiễn hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn vừa qua cho thấy do thiếu quy định về cung cấp dữ liệu từ các cơ quan, đơn vị nên các cơ quan ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế gặp khó khăn trong việc điều động nhân lực, trang thiết bị,… phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như việc thống kê, xử lý số liệu, phân tích, báo cáo tình hình, xu hướng dịch hay các hoạt động liên quan đến khai báo, kiểm soát dịch.
Trong quá trình triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, việc kết nối, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu sức khỏe cá nhân với hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư, ứng dụng VNeID là rất cần thiết để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Y tế, xuất phát từ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển dữ liệu y tế cho thấy việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định quản lý dữ liệu về y tế là rất cần thiết, để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, xây dựng hệ dữ liệu về y tế đầy đủ, tập trung, thống nhất, từ đó kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành y tế và nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu y tế của tổ chức, cá nhân.
Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế gồm 4 chương, 29 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể về quản lý dữ liệu y tế như: Dữ liệu y tế; cơ sở dữ liệu về y tế; cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; tạo lập, thu thập dữ liệu y tế; yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, thu thập dữ liệu y tế; thẩm quyền đối với dữ liệu y tế; cập nhật, điều chỉnh, hủy dữ liệu y tế; kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế; khai thác và sử dụng dữ liệu y tế cũng như trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân…
Theo Bộ Y tế, Nghị định được xây dựng nhằm các mục tiêu chính như sau:
Thứ nhất, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm nội dung về quy định việc quản lý các dữ liệu y tế, cơ sở dữ liệu y tế, trong đó quy định rõ việc tạo lập, thu thập, cập nhật, điều chỉnh, duy trì, khai thác, sử dụng, kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế điện tử; quy định về thẩm quyền, tính riêng tư và các phương thức quản lý dữ liệu y tế đối với các chủ thể liên quan khi tạo lập, sử dụng các dữ liệu y tế.
Thứ hai, Nghị định quy định đầy đủ cho việc xây dựng, quản lý, chia sẻ khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Y tế để nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử; được chia sẻ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là lĩnh vực y tế.
Thứ ba, quy định việc triển khai hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử để phục vụ thiết thực công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, tạo thuận lơi để người dân có thể quản lý sức khỏe bản thân
Dự thảo nêu rõ, những hành vi không được làm trong quản lý dữ liệu y tế như sau:
Lợi dụng dữ liệu y tế để xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cung cấp thông tin không đúng sự thật hoặc không được phép cung cấp.
Phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của Cơ sở dữ liệu quốc gia về Y tế và các cơ sở dữ liệu ngành Y tế.
Truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về Y tế và các cơ sở dữ liệu ngành Y tế; sao chép, làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Y tế và các cơ sở dữ liệu ngành Y tế.
Khai thác, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Y tế và các cơ sở dữ liệu ngành Y tế không đúng quy định, xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Related news
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc
- Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não