Bỏ qua thủ tục hành chính, kích hoạt báo động đỏ cứu bệnh nhân
15/01/2022 | 21:14 PM
Bỏ qua các thủ tục hành chính về giấy tờ, thầy thuốc BVĐK Trung ương Cần Thơ vừa tiến hành hồi sức vừa chuyển bệnh nhân bị chấn thương bụng kín nguy kịch lên phòng mổ kịp thời.
Bệnh nhân được hồi sức tích cực thở oxy, truyền dịch, truyền máu…
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị sốc mất thể tích máu do chấn thương bụng kín có tổn thương tạng đang chảy máu cấp nên quyết định thực hiện quy trình báo động đỏ. Bệnh nhân vừa được hồi sức vừa chuyển lên phòng mổ.
Ê-kíp phẫu thuật gồm BS.CK2 Trương Thanh Sơn, ThS.BS Lê Minh Toàn, BS.CK1 Danh Phạm Thái Kiên – Khoa Ngoại Tổng hợp; ThS.BS Lý Thị Băng Thanh – Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức thực hiện. Trong quà trình phẫu thuật ổ bụng, các bác sĩ ghi nhận 1,5 lít dịch tiêu hóa và máu loãng, đã tiến hành hút dịch, rửa sạch ổ bụng cho bệnh nhân.
Các bác sĩ đã nhanh chóng đánh giá và xử trí các tổn thương: vỡ gan hạ phân thùy III khoảng 3cm, thực hiện đốt cầm máu. Với tổn thương đứt đôi ngay môn vị, bác sĩ đã cắt một phần dạ dày (ống môn vị), đóng mõm tá tràng. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị vỡ đứt đôi thân tụy, bác sĩ đã cắt một phần tụy dập, hoại tử, đóng đầu tụy, đem ruột non nối với thân tụy, nối dạ dày – ruột, rửa sạch ổ bụng, dẫn lưu theo dõi.
Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đồng hồ, bệnh nhân đã được truyền 10 đơn vị máu và chế phẩm máu.
Tuy nhiên, thòi gian hồi sức sau phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn nhưng với năng lực chuyên môn của khoa gây mê hồi sức, tình trạng bệnh nhân ổn định và tiến triển theo hướng tốt dần.
Hiện nay bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, không sốt, bụng chướng nhẹ, đang được tiếp tục theo dõi, điều trị và chăm sóc tại Khoa Ngoại Tổng hợp.
Trước đó, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp cũng đã phẫu thuật cấp cứu trường hợp vết thương thấu bụng do tự đâm, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu khoảng 10 năm. Đó là trường hợp bệnh nhân nam V. H. P., 22 tuổi, ở Hậu Giang được tuyến trước chuyển đến với tình trạng 3 vết thương thấu bụng. Trong đó 1 vết thương 2cm cạnh phải rốn, 2 vết thương đường giữa trên rốn dài 4cm và 5cm cách nhau khoảng 3cm, phòi ruột, mạc nối lớn, đang chảy máu.
Bệnh nhân được đánh giá rất nghiêm trọng, các bác sĩ đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động ê-kíp phẫu thuật khẩn cấp trong 30 phút.
Xử trí ca bệnh này, các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu vết thương gan, vết thương đứt gần hoàn toàn dạ dày ở thân vị, bờ nham nhở, cắt lọc khâu lại dạ dày.
Với tổn thương đứt nhánh động mạch mạc treo đại tràng gây hoại tử đại tràng góc gan đến 1/3 đại tràng ngang, các bác sĩ đã phải cắt đại tràng ngang, làm hậu môn tạm. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đã diễn ra thành công. Sau thời gian điều trị bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe.
Theo BSCK2 Trương Thanh Sơn - phẫu thuật viên chính, thương tổn các tạng trong ổ bụng gây ra bởi chấn thương hay vết thương là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Bệnh nhân có thể tử vong vì mất máu, hoặc nhiễm trùng ổ bụng và nguy cơ suy đa cơ quan rất cao nếu các thương tổn này không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời.
Nguyên nhân chấn thương bụng kín thường gặp nhất là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt... Trong chấn thương bụng kín, tạng đặc thường bị thương tổn nhiều hơn tạng rỗng: gan, lách, tụy… có thể bị vỡ do va chạm vào bờ sườn, cột sống,… gây ra chảy máu, rò rỉ dịch mật, dịch tụy vào trong ổ bụng.
Dạ dày, ruột, bàng quang có thể bị vỡ do thay đổi đột ngột áp lực trong ổ bụng nhất là khi đang căng đầy vào thời điểm bị chấn thương, gây ra viêm phúc mạc. Các tạng cũng có thể bị tổn thương do bị đứt, rách khỏi các mạc treo, tiên lượng thường rất nặng trên bệnh nhân đa chấn thương.
Đối với bệnh nhân vết thương thấu bụng cần được sơ cứu đúng cách, băng vết thương bằng gạc hoặc vải sạch, chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời và chuyển tuyến chuyên khoa phù hợp.
BS.CK2 Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: Trong thời gian qua, BV tiếp nhận xử trí cấp cứu thành công nhiều trường hợp chấn thương bụng kín, vết thương thấu bụng nguy kịch nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, năng lực chuyên môn và sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa.
Triển khai quy trình báo động đỏ là tối ưu hóa nguồn lực và thời gian "vàng" để cứu sống bệnh nhân, đã có nhiều bệnh nhân đa chấn thương nặng, phức tạp với nguy cơ tử vong cao được cứu sống khi thực hiện quy trình báo động đỏ.
Nguồn: SKĐS
Related news
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan