'Nếu không có những nghĩa cử cao đẹp ấy, tôi sẽ không bao giờ thấy lại được ánh sáng'

07/12/2024 | 13:33 PM

 | 

'Cháu đến đây hôm nay xin bày tỏ sự tri ân, được nói lời cảm ơn vì những nghĩa cử nhân văn cao đẹp của gia đình các bác cũng như các y bác sĩ đã cho cháu và những người bị bệnh lý giác mạc tìm lại ánh sáng'.

Lời nói khiêm nhường của chị Tô Thị Thắm ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình tại Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc diễn ra hôm nay 6/12 tại rạp hát Kim Mâu, huyện Kim Sơn, Ninh Bình khiến nhiều người xúc động.

Chương trình do BV Mắt Trung ương và UBND huyện Kim Sơn phối hợp tổ chức. Lễ tôn vinh diễn ra trong không khí trang trọng, thành kính và xúc động. Trước khi diễn ra lễ tôn vinh, hội trường đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã khuất.

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Đông Phó giám đốc phụ trách quản lý điều hành BV Mắt Trung ương và BSCKII. Phạm Thị Phương Hạnh - Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình ghi nhận tôn vinh nghĩa cử cao đẹp và trao Kỷ niệm chương cho đại diện các gia đình có người hiến tặng giác mạc.

Chị Thắm là một bệnh nhân may mắn được tìm lại ánh sáng sau gần 20 năm nhờ được ghép giác mạc của người hiến tặng. Chị Thắm cho biết, chị bị bệnh lý giác mạc đôi mắt mờ dần theo năm tháng, thế nhưng nhờ những nghĩa cử cao đẹp của người hiến và gia đình họ chị đã có cơ hội được thấy ánh sáng. Cuộc sống của chị từ đó cũng bước sang một trang mới.

Đại diện cho các gia đình có người hiến giác mạc, bà Nguyễn Thị Hà ở xã Kim Mỹ cũng chia sẻ, lúc còn sống chồng bà muốn hiến giác mạc khi qua đời và gia đình đã thực hiện được tâm nguyện đó của ông. Gia đình cảm thấy rất tự hào về ông bởi tâm nguyện của ông giúp cho người mù thấy được ánh sáng.

Chị Tô Thị Thắm tìm lại được ánh sáng nhờ người hiến tặng giác mạc.

Cũng tại buổi lễ tôn vinh, Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc Giáo xứ Khiết Kỷ, xã Ân Hòa xúc động bày tỏ, BV Mắt Trung ương khởi sự chương trình "Cặp mắt yêu thương" diễn ra trong thầm lặng nhưng ý nghĩa, nếu như "Cặp lá yêu thương" là cho yêu thương thì 'Cặp mắt yêu thương' là mang lại ánh sáng cho người mù.

Lễ Tôn vinh không chỉ nhớ về một việc làm ý nghĩa đã qua mà còn hướng về tương lai cộng đồng hiến giác mạc ngày càng nhiều hơn.

Theo linh mục Nguyễn Hồng Phúc, cả nước có hơn 50 người mù và khoảng 30 nghìn người cần ghép giác mạc, trong khi đó con số người hiến và người được ghép vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế và công tác vận động hiến mác giác vẫn còn nhiều thách thức. Vì thế, rất cần sự chung tay, thấu hiểu của mỗi người để giúp những người mù lòa tìm lại được ánh sáng.

"Hiến giác mạc là một hành động thấm đậm tình nhân văn, người ta thường nói con đường xa nhất là từ tư tưởng đến hành động nhưng nếu con đường ấy xuất phát từ trái tim đến hành động thì nó lại rất gần và có thể được thực hiện ngay lập tức', linh mục Nguyễn Hồng Phúc nói.

Linh mục Nguyễn Hồng Phúc (phải) chia sẻ tại buổi Lễ tôn vinh (ảnh Phạm Mạnh Cường)

 

Xúc động trước những nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc và gia đình người hiến, tại buổi lễ, PGS.TS.BS Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc Phụ trách quản lý điều hành BV Mắt Trung ương tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới người hiến và gia đình người hiến giác mạc, đồng thời cảm ơn các cấp chính quyền, Hội chữ thập đỏ, lãnh đạo các ban ngành của huyện Kim Sơn, của tỉnh Ninh Bình đã cùng sát cánh để làm nên những nghĩa cử cao đẹp ấy.

"Lòng biết ơn là vô hạn với những người ôTkhi còn sống thì vận động người hiến giác mạc và khi về thế giới bên kia lại để lại một phần cơ thể của mình trao ánh sách cho người khác. Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, nhưng các bác sĩ nói chung cũng như BV Mắt Trung ương sẽ không thể làm được nếu như không có sự ủng hộ ,chia sẻ giúp đỡ của bà con, của linh mục của giáo dân của hội chữ thập đỏ và của các cấp ban ngành địa phương… ", BS Phạm Ngọc Đông nói.

PGS.TS Phạm Ngọc Đông cũng cho biết, theo ước tính Việt Nam hiện có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc. Tại BV Mắt Trung ương danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc là gần 1000 người con số này ngày càng tăng theo thời gian. Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc. Thế nhưng, nguồn hiến hiện nay vẫn còn rất khan hiếm chỉ đáp ứng được số nhỏ so với nhu cầu thực tế, vậy nên hàng trăm bệnh nhân vẫn đang phải sống trong cảnh mù lòa chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

 

Đại diện BV Mắt Trung ương và UBND huyện Kim Sơn trao kỷ niệm chương cho gia đình người hiến tặng giác mạc (ảnh trái) và trao tặng giấy khen cho cộng tác viên tích cực trong phong trào vận động hiến tặng giác mạc.

Buổi lễ đã thể hiện sự biết ơn sâu sắc trước nghĩa cử cao đẹp của những người đã khuất cũng như thân nhân của họ khi đã gửi tặng lại cho cuộc sống những món quà quý giá giúp cho những người bị mù do bệnh lý giác mạc có cơ hội tìm lại ánh sáng.

Kể từ 4/2007, cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn - người hiến giác mạc đầu tiên sau khi qua đời đã tạo nên một phong trào hiến tặng giác mạc phát triển và lan tỏa trong cả nước. Trong 17 năm (2007 -2024) cả nước đã có hơn 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó có 1016 người tặng giác mạc sau khi qua đời. Riêng tỉnh Ninh Bình đã có 457 người. Kim Sơn là huyện đứng đầu cả nước với 437 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến