ĐBQH đề xuất đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, quan tâm đội ngũ trực tiếp phòng chống dịch
07/01/2022 | 21:09 PM
|
Trong phiên thảo luận trực tuyến về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH đề xuất nâng cao năng lực, đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở và cần quan tâm hơn đến đội ngũ y tế đang trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sáng 7/1/2022, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
ĐBQH Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đóng góp ý kiến về giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay gắn liền với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Mai Văn Hải, đây là giải pháp cần quan tâm đầu tiên để chúng ta mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.
"Tôi thống nhất cần phải quan tâm, nâng cao năng lực y tế cơ sở nhưng cũng cần làm rõ căn cứ, tiêu chí để đầu tư cho 2.154 xã với số tiền 5.000 tỷ đồng. Theo tôi cần cân nhắc thêm việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho y tế cơ sở. Nên chăng cần rà soát 1.551 xã đặc biệt khó khăn vùng miền múi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã nào chưa đảm bảo về cơ sở vật chất thì đầu tư", ĐBQH Mai Văn Hải cho biết.
Đối với y tế cơ sở, vị đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho biết, cần dành nguồn lực để bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ y bác sỹ nâng cao trình độ chuyên môn: "Theo tôi, nên dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế huyện nhất là trang thiết bị y tế, để nâng cao phòng và chữa bệnh".
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cơ bản thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Tờ trình của Chính phủ, đặc biệt những nhiệm vụ, giải pháp tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn liền với phòng, chống dịch COVID-19 để tạo tiền đề cho các hoạt động kinh tế - xã hội hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới; phục hồi phát triển kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Vị đại biểu đoàn Phú Thọ đề nghị cần tập trung sớm triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các trung tâm kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh cấp vùng để nâng cao năng lực phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng lực y tế cấp vùng trong cả nước.
Đối với y tế dự phòng, y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị không giảm biên chế đối với đội ngũ y tế hiện tại mà cần có chính sách phù hợp hơn để đội ngũ y tế yên tâm công tác. Ông Nguyễn Thành Nam cho biết, trong hạn chế của y tế cơ sở có việc thiếu cán bộ y tế. Nguyên nhân sâu xa là do trước đây chúng ta thực hiện chính sách tinh giảm biên chế 10%, đặc biệt tinh giảm biên chế những đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có tuyến y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Còn ĐBQH Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn kiến nghị cơ quan soạn thảo quan tâm, nghiên cứu, bổ sung phù hợp nội dung hỗ trợ đối với nhân viên y tế đã và đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Lý do vị đại biểu này đưa ra kiến nghị trên là trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế cũng cần thực hiện một cách đồng thời với công tác kiểm soát dịch COVID-19; trong đó động viên, khuyến khích đội ngũ, nhân lực y tế yên tâm công tác đóng vai trò rất quan trọng.
Đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh: "Mặc dù tại Điểm B Khoản 1 và Điểm D Khoản 2 Điều 3 tại dự thảo Nghị quyết này cũng có giải pháp tiền tệ để phát triển cơ sở vật chất và các hệ thống y tế có liên quan nhưng dự thảo Nghị quyết hiện nay vẫn thiếu vắng chính sách hỗ trợ đội ngũ y tế".
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Related news
- Làm gì để tăng cường tiếp cận thuốc hiếm, nâng cao chất lượng điều trị cho hàng triệu người bệnh?
- Những triển vọng mới trong cuộc chiến chống lại ung thư vú tại Việt Nam
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- 7 khuyến cáo người tiêu dùng về mua, sử dụng thực phẩm để tránh bị ngộ độc dịp Tết Ất Tỵ
- Người trẻ không chủ quan với những dấu hiệu của bệnh dị dạng mạch máu não
- Bé gái 12 tuổi hồi sinh sau 7 năm chờ thận hiến
- Ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh