Văn bản hợp nhất quy định về phân loại thiết bị y tế
05/06/2024 | 09:03 AM
|
Ngày 03/6/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký văn bản hợp nhất Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ quy định quản lý thiết bị y tế, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ quy định quản lý thiết bị y tế và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Nghị định này quy định về việc quản lý thiết bị y tế bao gồm: phân loại thiết bị y tế; sản xuất nghiên cứu lâm sàng, lưu hành, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp dịch vụ thiết bị y tế; thông tin, quảng cáo thiết bị y tế; quản lý giá thiết bị y tế và quản lý, sử dụng thiết bị y tế tại các cơ sở y tế;
Nghị định này không áp dụng đối với:
Nguyên vật liệu, bán thành phẩm để sản xuất thiết bị y tế, trừ nguyên liệu có chứa chất ma túy và tiền chất;
Nguyên liệu sản xuất thiết bị y tế là mẫu máu, huyết thanh, huyết tương, nước tiểu, phân, dịch tiết cơ thể người, các mẫu khác từ người khi nhập khẩu, xuất khẩu phải bảo đảm an toàn sinh học theo quy định của pháp luật;
Khí y tế;
Phụ kiện sử dụng cùng thiết bị y tế;
Các sản phẩm dùng trong y tế với mục đích nghiên cúu, các sản phẩm dùng trong phòng thí nghiệm.
Nguyên tắc quản lý thiết bị y tế, Bộ Y tế nêu rõ thiết bị y tế phải đảo đảm chất lượng, an toàn và sử dụng hiệu quả; Thiết bị y tế phải có thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính kỹ thuật, công dụng của thiết bị y tế và các yếu tố nguy cơ có thể xẩy ra đối với người sử dụng; Đồng thời bảo đảm truy xuất nguồn gốc;
Quản lý thiết bị y tế phải dựa trên phân loại về mức độ rủi ro và tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, thừa nhận hoặc tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng theo quy định của pháp luật;
Thiết bị y tế là phương tiện đo, thiết bị bức xạ phải được quản lý theo quy định của pháp luật về đo lường, pháp luật về năng lượng nguyên tử và quy định tại Nghị định này;
Hóa chất, chế phẩm chỉ có một mục đích là khử khuẩn thiết bị y tế được quản lý theo quy định của Nghị định này;
Hóa chất, có phẩm có mục đích khử khuẩn thiết bị y tế nhưng ngoài ra còn có mục đích sử dụng khác được quản lý theo quy định của pháp luật về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;
Thiết bị y tế, nguyên liệu sản xuất thiết bị y tế và chất ngoại kiểm có chứa chất ma túy và tiền chất phải được quản lý xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy và quản lý theo quy định tại Nghị định này;
Không áp dụng các quy định về phân loại, cấp số lưu hành, công bố đủ điều kiện mua bán của Nghị định này đối với: Phần mềm (software) sử dụng cho thiết bị y tế; Thiết bị y tế được mua bán như hàng hóa thông thường nhập khẩu theo hình thức quà tặng, quà biếu cho cá nhân hoặc tổ chức không phải là cơ sở y tế...
Phân loại thiết bị y tế thực hiện thế nào?
Thiết bị y tế được phân thành 4 loại dựa trên mức độ rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thiết kế kỹ thuật và sản xuất các thiết bị y tế đó:
Thiết bị y tế thuộc loại A là thiết bị y tế có mức độ rủi ro thấp;
Thiết bị y tế thuộc loại B là thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình thấp;
Thiết bị y tế thuộc loại C là thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình cao;
Thiết bị y tế thuộc loại D là thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao.
Việc phân loại thiết bị y tế phải dựa trên cơ sở quy tắc phân loại về mức độ rủi ro. Thiết bị y tế chỉ có một mục đích sử dụng nhưng mục đích sử dụng đó có thể được phân loại vào hai hoặc nhiều mức độ rủi ro khác nhau thì áp dụng việc phân loại theo mức độ rủi ro cao nhất;
Việc phân loại thiết bị y tế phải dựa trên cơ sở quy tắc phân loại về mức độ rủi ro. Ảnh minh họa
Thiết bị y tế có nhiều mục đích sử dụng và mỗi mục đích sử dụng có mức độ rủi ro khác nhau thì áp dụng việc phân loại theo mức độ rủi ro cao nhất.
Trong trường hợp thiết bị y tế được thiết kế để sử dụng kết hợp với một thiết bị y tế khác thì mỗi trang thiết bị y tế phải được phân loại mức độ rủi ro riêng biệt.
Trường hợp đối với thiết bị y tế chẩn đoán in vitro là thiết bị, hệ thống thiết bị có tham gia vào quá trình xét nghiệm và các thuốc thử, chất chuẩn, chất hiệu chuẩn, vật liệu kiểm soát được phân loại mức độ rủi ro riêng biệt nhưng kết quả phân loại phải căn cứ vào mức độ rủi ro cao nhất của mục đích sử dụng cuối cùng của tổng thể thiết bị y tế kết hợp đó. Các thiết bị y tế chẩn đoán in vitro là các sản phẩm khác tham gia hoặc hỗ trợ quá trình thực hiện xét nghiệm được phân loại mức độ rủi ro riêng biệt.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc phân loại thiết bị y tế bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế về phân loại thiết bị y tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Việt Nam là thành viên.
Việc phân loại thiết bị y tế phải được thực hiện bởi cơ sở phân loại là cơ sở đứng tên công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc đăng ký lưu hành./.
Related news
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa đông – xuân
- Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế tầm nhìn đến năm 2050
- Đề xuất mới mức phụ cấp ưu đãi theo nghề của viên chức, người lao động tại cơ sở y tế công lập
- Bộ Y tế ban hành “Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030"
- Chủ động triển khai công tác y tế ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
- Tăng cường công tác truyền thông, khám, phân loại, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh